Chủ tịch Hòa Phát Trần Đình Long tại hội nghị ngày 21/9. Ảnh: VGP/Nhật Bắc. |
Tại hội nghị Thường trực Chính phủ làm việc với các doanh nghiệp về giải pháp góp phần phát triển kinh tế - xã hội do Thủ tướng Phạm Minh Chính chủ trì ngày 21/9, ông Trần Đình Long, Chủ tịch HĐQT Tập đoàn Hòa Phát đã có loạt kiến nghị để phát triển ngành thép, cũng như các dự án đường sắt tốc độ cao.
Hòa Phát đủ năng lực
Ông Trần Đình Long cho biết ngành thép Việt Nam đã vươn lên vị trí đứng đầu Đông Nam Á và đứng thứ 12 thế giới về sản lượng. Vị thế này có được là nhờ sự hỗ trợ rất lớn của Chính phủ, các bộ ngành, ngân hàng và nỗ lực của các doanh nghiệp.
Ông Long đánh giá nhìn chung, trong bối cảnh hiện nay, doanh nghiệp đã được tháo gỡ nhiều khó khăn, vướng mắc, triển khai các công việc thuận lợi hơn.
Trong thời gian tới, vị doanh nhân kỳ vọng các cơ quan quản lý tiếp tục đẩy nhanh hơn nữa quá trình tháo gỡ vướng mắc về thể chế.
“Mỗi thứ, mỗi khâu làm nhanh hơn một chút thì doanh nghiệp sẽ được hưởng lợi rất nhiều”, Chủ tịch Hòa Phát nhấn mạnh.
Ông Long nói thêm Hòa Phát sẽ tích cực tham gia vào các dự án đường sắt và công nghiệp đường sắt. Quan trọng là cần có kế hoạch tổng thể để phối hợp, có hành lang pháp lý, thiết kế ban đầu xem doanh nghiệp thép có thể làm gì, bất động sản làm gì, chế tạo làm gì…
Chủ tịch Hòa Phát khẳng định về vấn đề kỹ thuật, tập đoàn có đủ năng lực để sản xuất thép cho đường ray các dự án đường sắt tốc độ cao.
Ngoài ra, Hòa Phát cũng kiến nghị Chính phủ đẩy nhanh tiến độ phát triển các mỏ sắt trong nước để giảm chi phí nhập khẩu quặng sắt cho doanh nghiệp, đặc biệt là đưa mỏ sắt Qúy Xa (Lào Cai) vào hoạt động.
Đề xuất giao quyền cho tỉnh để cấp chủ trương đầu tư
Tại hội nghị, đại diện Tập đoàn Masan kiến nghị gia tăng giá trị xuất khẩu cho Việt Nam. Theo vị này, thời gian gần đây, giá trị xuất khẩu ở Việt Nam tăng trưởng và phát triển tốt nhưng đã đến lúc phải tăng trưởng về chất, không tập trung quá về số lượng.
Để lan tỏa văn hóa ẩm thực, tăng lợi thế cạnh tranh, mang văn hóa Việt Nam ra nước ngoài, Tập đoàn Masan đề nghị Chính phủ ban hành lộ trình, chiến lược vươn ra toàn cầu của ẩm thực Việt Nam, xây dựng hình ảnh thương hiệu ẩm thực của quốc gia, tạo nên những ẩm thực đại sứ của Việt Nam. Đây cũng là hình thức ngoại giao văn hóa đưa văn hóa ẩm thực Việt Nam ngang tầm khu vực và thế giới.
Ngoài ra, Masan cũng kiến nghị Bộ Ngoại giao, Bộ Công Thương có đề án xây dựng cổng thông tin cẩm nang và các tài liệu hướng dẫn về các tiêu chuẩn kỹ thuật khi xúc tiến thương mại tại các nước trên thế giới để doanh nghiệp Việt Nam khi xuất khẩu ra nước ngoài có thể tham khảo và tiếp cận.
Chủ tịch Tập đoàn Geleximco - ông Vũ Văn Tiền. Ảnh: VGP/Nhật Bắc. |
Trong khi đó, ông Vũ Văn Tiền, Chủ tịch Tập đoàn Geleximco, kiến nghị tăng cường phân cấp, phân quyền trong đầu tư các dự án.
Đồng quan điểm, bà Nguyễn Thị Mai Thanh, Chủ tịch Tập đoàn REE, đề xuất Chính phủ nên giao quyền cho tỉnh để cấp chủ trương đầu tư cho các doanh nghiệp bởi tỉnh hiểu rõ về năng lực, uy tín của từng nhà đầu tư, doanh nghiệp.
Ngoài ra, bà Thanh cho rằng Chính phủ cần chỉ đạo các bộ, ngành có những chính sách miễn giảm thuế phù hợp cho các doanh nghiệp, nhà đầu tư…
Bà Thái Hương, Chủ tịch HĐCL Tập đoàn TH, cho rằng đầu tư vào sức khỏe là góp phần cải thiện nòi giống của dân tộc, là đầu tư vào sự phát triển mang tính chiến lược của quốc gia.
Dù đã đạt được nhiều thành tựu trong việc cải thiện tình trạng dinh dưỡng cho người dân, song Việt Nam vẫn còn tồn tại nhiều vấn đề, đặc biệt ở lứa tuổi tiền học đường và học đường.
Bà cho rằng phải tận dụng cơ hội ứng dụng công nghệ cao trong lĩnh vực chăn nuôi, nhất là chăn nuôi bò sữa; kiến nghị Chính phủ cần quan tâm chương trình sữa học đường, bảo đảm vệ sinh an toàn thực phẩm để trẻ em được uống sữa bảo đảm chất lượng.
Đồng thời, bà Hương đề nghị tập trung đất đai, thu hút các doanh nghiệp lớn về đầu tư nông nghiệp, đưa nông dân trở thành công nhân nông nghiệp - là một mắt xích quan trọng trong chuỗi giá trị khép kín, sản xuất, chế biến và xây dựng thương hiệu.
Trong môi trường kinh tế hiện nay, đầu tư đã trở thành khái niệm không mấy xa lạ với hầu hết mọi người. Để độc giả có thể tiếp cận những xu hướng đầu tư mới nhất, Tri Thức - Znews xây dựng chủ đề Đầu tư qua sách - nơi ghi lại những cuốn sách, câu chuyện, xu hướng đầu tư đã và đang diễn ra. Trong đó, các lĩnh vực đầu tư phổ biến bao gồm bất động sản, chứng khoán, ngoại hối và tiền ảo... Ngoài các câu chuyện về đầu tư, Đầu tư qua sách còn bao gồm các kiến thức về quản lý gia sản, tài chính cá nhân.