Hôm nay, tổ chức xếp hạng tín nhiệm Standard & Poor's (S&P) công bố giữ nguyên mức xếp hạng tín nhiệm B+ từ năm 2017 của Tập đoàn Vingroup. Tuy nhiên, triển vọng xếp hạng tín nhiệm của Vingroup bị S&P hạ từ mức “ổn định” xuống “tiêu cực”.
S&P cho biết việc Vingroup tiếp tục tăng sử dụng nợ vay để đầu tư mạnh trong ngành công nghiệp ôtô, lĩnh vực dự kiến phải chịu lỗ trong giai đoạn đầu khiến các chỉ số tài chính có thể sẽ tiêu cực hơn.
S&P là một trong 3 tổ chức tài chính uy tín nhất thế giới về đánh giá xếp hạng tín nhiệm cùng với Moody's và Fitch.
Phản hồi về việc bị hạ triển vọng xếp hạng tín nhiệm, đại diện Vingroup cho biết đã dự liệu điều này vì 2 lĩnh vực tập đoàn mới gia nhập là công nghiệp và công nghệ, đặc biệt là dự án sản xuất ôtô, xe máy điện VinFast, vẫn đang trong giai đoạn đầu tư và chịu lỗ, chưa thể sinh lời ngay.
“Chúng tôi ý thức rất rõ về khả năng kết quả xếp hạng tín nhiệm có thể bị ảnh hưởng ngay từ đầu khi đầu tư mạnh vào các mảng công nghiệp và công nghệ, nhất là ôtô. Chúng tôi đã xây dựng kế hoạch kinh doanh, vận hành cũng như các kế hoạch tài chính và quản trị rủi ro chặt chẽ để từng bước vượt qua các khó khăn này”, Phó chủ tịch HĐQT kiêm CEO Vingroup Nguyễn Việt Quang phản hồi về xếp hạng của S&P.
Dự án sản xuất ôtô VinFast khiến S&P hạ triển vọng của Vingroup từ mức "ổn định" xuống "tiêu cực". Ảnh: VinFast. |
Trước đó, đầu tháng 7, Fitch thông báo rút mọi xếp hạng tín nhiệm với Vingroup do tập đoàn của tỷ phú Phạm Nhật Vượng lựa chọn dừng tham gia vào chương trình xếp hạng của Fitch.
Trước quyết định trên, lần gần nhất Fitch công bố kết quả đánh giá xếp hạng tín nhiệm với Vingroup là vào đầu tháng 10/2018, chỉ vài ngày sau khi Vingroup ra mắt thương hiệu xe hơi VinFast tại triển lãm Paris Motor Show. Khi đó, Fitch giữ nguyên xếp hạng của Vingroup ở mức B+ nhưng triển vọng xếp hạng bị điều chỉnh từ "ổn định" xuống mức "tiêu cực" tương tự kết quả đánh giá S&P đưa ra hôm nay.