Bạn có thể chuyển sang phiên bản mobile rút gọn của Tri thức trực tuyến nếu mạng chậm. Đóng

Vingroup còn lại gì sau khi buông Vinmart, VinEco?

Trước khi bị nhượng cho Masan, bán lẻ và nông nghiệp từng là 2 trong 8 lĩnh vực kinh doanh chính của Tập đoàn Vingroup, trong đó bán lẻ có doanh số cao thứ 2 sau bất động sản.

Hoạt động kinh doanh của Tập đoàn Vingroup đang tập trung vào 8 lĩnh vực chính gồm bất động sản, du lịch nghỉ dưỡng, bán lẻ, công nghiệp, công nghệ, y tế, giáo dục và nông nghiệp.

Trong đó, Công ty CP DV TM Tổng hợp VinCommerce và Công ty TNHH Đầu tư Sản xuất Phát triển Nông nghiệp VinEco là hai nhân tố chính trong mảng bán lẻ và nông nghiệp.

Sau khi thương vụ sáp nhập với Công ty Hàng tiêu dùng Masan hoàn tất, Vingroup sẽ chính thức không còn điều hành trực tiếp hai mảng kinh doanh này.

Vingroup còn lại gì khi buông nông nghiệp, bán lẻ?

Từng tuyên bố mở 300 siêu thị Vinmart và gần 10.000 cửa hàng Vinmart+ đến năm 2025, tuy nhiên, tham vọng này của Vingroup đã phải đổi hướng khi tập đoàn tuyên bố đạt thỏa thuận sáp nhập hai chuỗi siêu thị này về Tập đoàn Masan và không còn nắm quyền kiểm soát.

Sau thương vụ với Masan, Vingroup sẽ hoạt động còn lại với 6 lĩnh vực, trong đó có bất động sản và sản xuất đang được tập đoàn này đầu tư mạnh nhất.

Riêng trong mảng bán lẻ, doanh nghiệp của tỷ phú Phạm Nhật Vượng vẫn giữ lại Công ty CP Kinh doanh và Thương mại Dịch vụ VinPro và Công ty CP VinID.

Trong những năm trước, bán lẻ (cốt lõi VinCommerce) là bộ phận có doanh thu cao thứ 2 tại Vingroup sau bất động sản, nhưng con số tuyệt đối lại thấp hơn gấp nhiều lần. 

Vinmart sap nhap vao Masan anh 1

9 tháng năm nay, mảng bán lẻ ghi nhận 21.883 tỷ đồng doanh thu, cao thứ 2 trong các bộ phận kinh doanh. Tuy nhiên, số thu từ bán lẻ vẫn thấp hơn 2,5 lần so với động bất động sản là 54.906 tỷ đồng. Tỷ trọng đóng góp vào doanh thu hợp nhất của mảng bất động sản cũng là 59%, trong khi số góp từ bán lẻ là 24%.

Những năm trước, dù ghi nhận doanh thu hơn chục nghìn tỷ nhưng tỷ trọng đóng góp của bán lẻ vào doanh thu hợp nhất cũng mới trên dưới 15%.

Ngoài bán lẻ, Vingroup vẫn duy trì mảng dịch vụ du lịch và vui chơi giải trí, với doanh thu cao thứ 3 đạt 6.805 tỷ đồng sau 9 tháng. Tuy nhiên, bộ phận này cũng đang hoạt động trong tình trạng thua lỗ.

Tương tự, như ông Nguyễn Việt Quang, Phó chủ tịch HĐQT kiêm Tổng giám đốc Vingroup cho biết, tập đoàn sẽ giữ lại y tế và giáo dục vì đây là lĩnh vực hoạt động phi lợi nhuận.

Như vậy, sau khi buông VinCommerce, VinEco, Vingroup vẫn còn tới 5 lĩnh vực đang thua lỗ, theo phản ánh trong báo cáo kết quả kinh doanh bộ phận của tập đoàn này. Trong khi sản xuất và các dịch vụ liên quan đang lỗ nặng nhất với gần 4.687 tỷ đồng đến ngày 30/9, dịch vụ khách sạn du lịch, vui chơi giải trí, y tế, giáo dục, bán lẻ, và các hoạt động khác của Vingroup cũng đều lỗ trước thuế từ vài trăm tỷ cho tới hàng nghìn tỷ đồng. Gánh nặng bù lỗ từ doanh thu bất động sản sẽ được nhẹ đi phần nào. 

Bán lẻ nhường chỗ cho sản xuất

Nếu nhìn vào quy mô đầu tư của Vingroup có thể thấy bán lẻ đã không còn là mảng kinh doanh ngoài bất động sản được tập trung nhiều nhất từ khi VinFast và VinSmart xuất hiện.

Báo cáo tài chính của tập đoàn lần đầu ghi nhận chỉ số tài chính của bộ phận sản xuất và các dịch vụ liên quan từ năm 2017. Tại thời điểm này, sản xuất chưa phát sinh doanh thu và mới ghi nhận tổng tài sản bộ phận là 2.177 tỷ đồng.

Trong khi đó, bán lẻ là lĩnh vực ngoài bất động sản được đầu tư lớn nhất của Vingroup với tổng tài sản bộ phận đến cuối năm 2017 đạt 11.332 tỷ đồng. Nhiều năm trước, dù thành lập sau, bán lẻ luôn là bộ phận có tài sản đầu tư lớn thứ 3 tại Vingroup sau bất động sản và du lịch, nghỉ dưỡng.

Tuy nhiên, sau gần 2 năm từ khi đầu tư mảng sản xuất, Vingroup đã dồn rất nhiều lực cho VinFast và VinSmart khi tổng tài sản bộ phận này đã tăng lên 84.028 tỷ đồng, cao thứ 2 chỉ sau bất động sản và chiếm gần 24% tổng tài sản hợp nhất. Tài sản bộ phận này đã tăng gấp gần 38 lần, trong khi tài sản bộ phận bán lẻ tăng khoảng 40% và chiếm vỏn vẹn 4,4% tổng tài sản hợp nhất.

Vinmart sap nhap vao Masan anh 2

Tương tự, khoản đầu tư tài chính của Tập đoàn mẹ - Vingroup tại hai doanh nghiệp bộ phận sản xuất là VinFast và VinSmart cũng đạt lần lượt 12.847 tỷ và 2.481 tỷ đồng đến cuối tháng 9 năm nay, đều tăng gấp đôi so với đầu năm.

Ngược lại, việc cơ cấu lại tỷ lệ sở hữu đã giảm số vốn đầu tư tài chính của tập đoàn mẹ vào bán lẻ từ 5.809 tỷ đồng tại VinCommerce hồi đầu năm xuống 4.573 tỷ tại Công ty VCM (VCM hiện là công ty mẹ sở hữu VinCommerce).

Do phần lớn mảng sản xuất vẫn trong giai đoạn đầu tư nên kết quả kinh doanh bộ phận này vẫn chưa bằng bán lẻ và một số ngành khác.

9 tháng từ đầu năm, bộ phận sản xuất của Vingroup mới ghi nhận 4.286 tỷ đồng doanh thu, nhưng lỗ trước thuế 4.687 tỷ đồng.

Giảm thiểu phân tán nguồn lực

Sau quyết định sáp nhập VinCommerce và VinEco vào Công ty Hàng tiêu dùng Masan, lãnh đạo Vingroup lý giải là để dồn lực cho hoạt động sản xuất công nghiệp và công nghệ với sản phẩm ôtô và điện thoại…

Thực tế, việc chuyển giao lại mảng bán lẻ sẽ giúp Vingroup cắt được khoản lỗ lũy kế từ hoạt động này và giảm phân bổ nguồn lực vào quá nhiều mảng. Đây là điều từng được Vingroup coi là một trong những rủi ro hoạt động của tập đoàn.

Trong bản cáo bạch năm 2018, Vingroup nhắc tới rủi ro đặc thù từ mô hình kinh doanh đa ngành, đa lĩnh vực của mình.

Vinmart sap nhap vao Masan anh 3
Thị trường bán lẻ Việt Nam cạnh tranh rất khốc liệt. Ảnh minh họa: Nikkei.

Theo đó, việc phát triển với nhiều ngành lĩnh vực nếu thiếu những điều kiện cần thiết, thiếu sự chuẩn bị kỹ càng về hoạt động quản trị, điều hành, nguồn nhân lực, tài chính… có thể dẫn tới giảm sút hiệu quả kinh doanh của tập đoàn.

Khi tiến hành mở rộng hoạt động kinh doanh sang các ngành nghề mới, Vingroup có thể bị phân tán về nguồn vốn cũng như nguồn nhân lực. Việc đầu tư vào ngành nghề chính giảm đi cũng khiến cho khả năng cạnh tranh có thể bị suy yếu.

Cũng tại báo cáo này, Vingroup cho biết hoạt động bán lẻ tại Việt Nam đối mặt với nhiều cạnh tranh từ các đối thủ nước ngoài. Trong đó, các tập đoàn nước ngoài không chỉ tham gia vào thị trường bán lẻ từ khâu phân phối mà còn mở rộng chuỗi cung ứng bằng cách tham gia cạnh tranh từ khâu sản xuất.

Các tập đoàn lớn này liên tục công bố các kế hoạch, dự án bán lẻ quy mô tại Việt Nam điển hình là Lotte, 7-Eleven, hay Aeon… Theo Vingroup, sự cạnh tranh từ các đối thủ nước ngoài sẽ tạo nên thách thức lớn cho các doanh nghiệp bán lẻ trong nước nói chung và tập đoàn nói riêng.

Trước khi sáp nhập về Masan, chuỗi Vinmart và Vinmart+ lớn cỡ nào?

Vinmart và Vinmart+ đang là chuỗi siêu thị, cửa hàng bán lẻ lớn nhất Việt Nam với hơn 2.600 điểm bán, trong khi VinEco là nhà sản xuất nông nghiệp với 3.300 ha cây trồng.






Quang Thắng

Bạn có thể quan tâm