Tập đoàn Vingroup và Tập đoàn Masan mới đây đã công bố thoả thuận về việc hoán đổi cổ phần sở hữu tại Công ty VinCommerce và Công ty VinEco của tỷ phú Phạm Nhật Vượng với Công ty CP Hàng tiêu dùng Masan của tỷ phú Nguyễn Đăng Quang.
Theo đó, hai bên sẽ sáp nhập các công ty này để thành lập một doanh nghiệp mới trong lĩnh vực hàng tiêu dùng và bán lẻ. Trong đó, Masan sẽ nắm quyền kiểm soát hoạt động công ty mới, còn Vingroup đóng vai trò là cổ đông. Tỷ lệ sở hữu và giá trị thương hiệu đều chưa được hai bên tiết lộ.
25.000 nhân sự của Vingroup sẽ được chuyển giao về tay Masan.
Thương vụ sáp nhập này cũng sẽ chính thức kết thúc hơn 6 năm trực tiếp kinh doanh trong lĩnh vực bán lẻ của Vingroup để tập trung cho mảng sản xuất công nghiệp.
Chuỗi bán lẻ lớn nhất thị trường
Lần đầu tiên Vingroup ghi nhận doanh thu từ mảng bán lẻ là năm 2013 với doanh số vỏn vẹn 1,7 tỷ đồng. Đến tháng 10/2014, tập đoàn này mới chính thức gia nhập thị trường bán lẻ khi mua lại 70% cổ phần tại Công ty Ocean Retail (chủ sở hữu chuỗi siêu thị Ocean Mart) và đổi tên thành Công ty CP Siêu thị Vinmart. Vingroup cũng đồng thời công bố hai thương hiệu mới là Vinmart và Vinmart+ do tập đoàn sở hữu toàn bộ.
Vinmart và Vinmart+ đang là chuỗi bán lẻ có số điểm bán lớn nhất Việt Nam. Ảnh: Hiếu Đam. |
Cùng với việc sáp nhập hệ thống siêu thị của Ocean Mart và mở mới hàng loạt siêu thị, điểm bán mới, doanh thu mảng bán lẻ của Vingroup tăng lên mức 423 tỷ đồng ngay trong năm 2014.
Bán lẻ nhanh chóng trở thành mảng kinh doanh lớn thứ 2 tại Vingroup từ năm 2015 khi đóng góp gần 13% tổng doanh thu tập đoàn. Số thu từ mảng kinh doanh này cũng chỉ xếp sau mảng kinh doanh chính là chuyển nhượng bất động sản với tỷ trọng 62% tổng doanh thu hợp nhất.
Trong năm gần nhất (2018), chuỗi Vinmart và Vinmart+ cùng với VinPro mang về cho tập đoàn này 19.333 tỷ đồng doanh thu, lớn thứ 2 sau chuyển nhượng bất động sản và đóng góp 16% tổng doanh thu hợp nhất toàn.
Đến trước thời điểm công bố sáp nhập hai chuỗi bán lẻ này vào Masan, VinCommerce (công ty vận hành Vinmart và Vinmart+) đang quản lý 115 siêu thị Vinmart cùng gần 2.500 cửa hàng Vinmart+. Đây đồng thời là nhà bán lẻ hàng tiêu dùng có số điểm bán lớn nhất tại Việt Nam, gấp nhiều lần so với chuỗi Bách hóa Xanh của Thế giới Di động với 866 cửa hàng (đến cuối tháng 10).
Nhờ số điểm bán lớn, 9 tháng từ đầu năm, tổng doanh thu thuần bộ phận bán lẻ đóng góp 23.571 tỷ đồng vào tổng doanh thu hợp nhất của Vingroup, cao hơn 11% so với doanh thu bộ phần này cả năm 2018 trước đó. Doanh số bán lẻ của Vingroup (chủ yếu là Vinmart và Vinmart+) cũng gấp 3 lần Bách hóa Xanh của Thế giới Di động.
Đến cuối tháng 9, tổng giá trị tài sản của mảng bán lẻ tại Vingroup đạt 15.845 tỷ đồng với nợ phải trả là 3.981 tỷ.
Chưa đạt điểm hòa vốn thì bán
Là nhà bán lẻ có số điểm bán lớn nhất Việt Nam nhưng hiệu quả kinh doanh chuỗi bán lẻ của Vingroup đến nay vẫn chưa đạt điểm hòa vốn.
9 tháng từ đầu năm, bán lẻ là mảng kinh doanh thua lỗ lớn thứ 2 tại tập đoàn này với khoản lỗ trước thuế theo bộ phận 3.461 tỷ đồng, lớn thứ 2 sau sản xuất.
Ghi nhận hàng chục nghìn tỷ doanh thu trong những năm trước đó, nhưng bán lẻ của Vingroup đều thua lỗ hàng nghìn tỷ đồng mỗi năm. Riêng năm 2018, lỗ trước thuế theo bộ phận của bán lẻ là hơn 5.000 tỷ, số lỗ trong năm 2017 cũng là gần 3.800 tỷ đồng.
Việc thua lỗ được Vingroup giải thích là doanh nghiệp vẫn đang trong quá trình đầu tư, mở rộng quy mô.
Trong khi đó, VinEco được Vingroup thành lập từ năm 2015 với mục tiêu trực tiếp sản xuất các sản phẩm nông nghiệp cung cấp cho hệ thống siêu thị và bán lẻ của mình.
Hiện tại, VinEco đang sở hữu 14 nông trường công nghệ cao, hơn 800 hợp tác xã liên kết và tổng diện tích sản xuất hơn 3.300 ha.
Trong báo cáo tài chính của Vingroup, mảng nông nghiệp được hạch toán vào bộ phận kinh doanh khác với tổng doanh thu thuần năm 2018 đạt 7.824 tỷ đồng và lãi trước thuế bộ phận 190 tỷ. 9 tháng từ đầu năm nay, nông nghiệp cùng các hoạt động kinh doanh khác của Vingroup ghi nhận 3.176 tỷ doanh thu và lỗ trước thuế theo bộ phận 627 tỷ đồng.
Sở hữu trực tiếp chuỗi Vinmart và Vinmart+ là Công ty CP Dịch vụ Thương mại Tổng hợp VinCommerce với vốn điều lệ 6.436 tỷ đồng. Trong đó, Vingroup nắm 99,99% tỷ lệ biểu quyết nhưng sở hữu 64,3% tỷ lệ lợi ích thông qua Công ty CP Phát triển thương mại dịch vụ VCM (công ty mẹ trực tiếp của VinCommerce).
Báo cáo tài chính quý III/2019 của Vingroup cũng cho biết tập đoàn đang sở hữu 64,3% vốn tại Công ty VCM với tổng giá trị đầu tư tại đây là 4.573 tỷ đồng, lớn thứ 4 trong các khoản đầu tư vào công ty con sau Vinhomes, VinFast, và Vinpearl.
Với VinEco, công ty có vốn điều lệ 2.000 tỷ đồng, trong đó Vingroup sở hữu 100% tỷ lệ biểu quyết nhưng tỷ lệ lợi ích được hưởng cũng là 64,3%.