Lãnh đạo Vinasun cho biết số tài xế nghỉ việc trong 3 tháng đầu năm là hơn 4.300 người. Tuy nhiên, trò chuyện với Zing.vn, không ít tài xế hãng này cho hay con số lái xe nghỉ việc có khi còn nhiều hơn. Lý do khiến các tài xế bỏ việc hầu hết đến từ những bức xúc trong quá trình “đàm phán” cùng công ty.
Thời điểm áp dụng hình thức khoán xe, công ty tuyên bố khoán trắng cho mỗi xe từ 600.000 đến 800.000 đồng trong một ngày. Theo cánh tài xế, mức khoán xe tùy loại xe và đời xe. Riêng với những đời từ Hyundai i10 trở đi, giá áp dụng khoảng 775.000 đồng trở lại.
Vốn dày mới được chạy khoán
Anh H. (quận 9, TP.HCM), một tài xế lâu năm tại Vinasun, vừa cầm trên tay hợp đồng khoán xe không lâu. Anh H. cho hay tiền thuê mỗi ngày là 750.000 đồng đổ lại, đã bao gồm mọi chi phí cho công ty.
"Riêng cánh tài xế lo liệu thêm chi phí xăng xe, bảo trì, chi phí đi lại, 'phạt nóng, phạt nguội'", anh H. cho biết. Mỗi ngày, anh chạy được khoảng 1,8-2,2 triệu đồng/ca. Trừ khoảng 700.000-800.000 đồng tiền thuê xe và khoảng 700.000-900.000 đồng tiền xăng, anh bỏ túi khoảng 300.000-700.000 đồng.
Nhiều tài xế Vinasun bức xúc với chế độ khoán xe của công ty. Ảnh minh họa: Anh Quân. |
Dù vậy, theo anh H., mức thu nhập cao nhất của cánh tài xế hiện tại chỉ khoảng 3 triệu đồng/ca. Và để đạt được mức này, tài xế phải chạy "bán mạng" trong suốt 24 tiếng. Tính ra, trừ hết chi phí, số tiền bỏ túi được khoảng 1 triệu đồng.
So với thời kỳ trước, khi Vinasun là hãng "thống trị" TP.HCM và tài xế bỏ túi trung bình 1,3 triệu đồng/ca sau khi đã trừ đi chi phí, mức này khá khiêm tốn. Thời điểm anh H. nhắc đến là khoảng những năm 2015.
Ngoài tiền thuê xe hàng ngày, hãng còn đưa ra nhiều yêu cầu tương đối ngặt nghèo. Để có thể thuê xe, anh H. cho hay tài xế phải bỏ ra 3 triệu đồng tiền "gối đầu" và khoảng hơn chục triệu tiền khoán xe đặt trước.
“Nói trắng ra, khoán xe chỉ dành cho những tài xế có vốn. Còn những ai không có nhiều tiền thì khả năng là bắt buộc phải chọn phương thức ăn chia thông thường chứ mấy ai dám khoán", tài xế này chia sẻ.
Anh cho biết những người mới vào nghề tài xế không dám bỏ ra số tiền lớn như vậy một lúc. Bản thân anh cũng chưa dám chắc số "cuốc" một ngày có đủ để bù lại chi phí ban đầu bỏ ra hay không.
"Có nhiều ngày ế đến mức trắng tay coi như làm tài xế miễn phí, móc thêm ít tiền túi nữa mới đủ bù lỗ. Nói chung là hên xui may rủi vô cùng”, anh H. chia sẻ.
Bị "đối xử tệ bạc"?
Không thoải mái với chính sách mới của Vinasun, anh Cường (quận 4, TP.HCM), một tài xế hoạt động tầm 5 năm tại hãng cho biết anh không ký vào hợp đồng khoán xe vì phản đối chính sách “đối xử tệ bạc” với nhân viên, tài xế của công ty.
Tài xế này cho rằng chuyện khoán xe tương ứng với việc cánh tài xế không có bảo trợ về các loại bảo hiểm, trợ cấp xã hội. "Khoán xe thì ai đóng bảo hiểm cho chúng tôi. Bản thân chúng tôi phải bỏ thêm một khoản phí khác thay vì trước đây thì công ty phải chịu", anh nói.
Thứ hai, theo anh, không phải tài xế nào cũng chạy đủ "cuốc" xe mỗi ngày. Mức khoán 800.000 đồng, theo đánh giá của anh Cường, không cao so với mức khoán của các hãng khác.
Lợi nhuận của Vinasun giảm từ năm 2016 và dự kiến giảm mạnh trong năm 2017. Đồ họa: Đức Huy. |
"Tuy nhiên với một hãng xe mà hầu hết ôtô đều đã xuống cấp trầm trọng như Vinasun thì có phải quá thiệt thòi cho chúng tôi? Chính đồng nghiệp tôi hiện tại còn phải chật vật khi lỡ khoán xe và vớ phải chiếc xe cũ rích, mối mọt gián la liệt, ghế thì bốc mùi. Với chiếc xe xuống cấp như vậy thì liệu ai dám bước lên?", anh Cường đặt câu hỏi.
Cuối cùng, theo anh này, hãng đòi hỏi khoán và phải có một số tiền lớn. Do đó, giới tài xế không phải ai cũng dám bỏ chi phí ban đầu để "gối đầu". Chưa kể, anh cho hay công ty cũng khẳng định rằng “lời ăn lỗ chịu” thì ít người dám đăng ký.
Anh Cường còn cho rằng với chính sách mới hiện tại, công ty đang dồn ép tài xế phải chuyển hẳn sang hình thức khoán và không lâu sau sẽ bỏ hẳn phương thức ăn chia tỷ lệ (58-63%) truyền thống trước đó.
Theo lời anh này, chính điều này khiến cho không ít tài xế nghỉ việc “thẳng tay”.
“Giờ tài xế quyết định chuyển sang khoán cũng phải ngồi 'đợi chờ là hạnh phúc' thôi. Một số đồng nghiệp kháo nhau rằng ngày 15/7 tới đây hãng sẽ nhập xe mới về khi 90% xe cũ được khoán hết. Khi đó mới dám xin khoán xe mới. Hiện tại thì đố ai dám đăng ký khoán? Trễ quá rồi, khoán giờ chỉ có nước ôm xe 'nát' lui tới xưởng mà sửa chứ chạy chọt gì”, anh Cường than thở.
Chung cảnh ngộ, anh Thành, tài xế hãng taxi Vinasun tại TP.HCM kể ngay khi vào hãng, anh phải đóng tiền “thế chân” 10 triệu đồng.
Ngoài ra, tài xế chạy vẫn được phép nghỉ một ngày mỗi tuần. Doanh số yêu cầu thấp nhất là 1,8 triệu một ngày cho xe 7 chỗ theo tỷ lệ chia 58-62% và xăng xe thì người lái tự đổ.
Nếu thu được dưới 1,8 triệu đồng, mức chia tài xế nhận về còn thấp hơn nữa. Còn trong trường hợp nhiều ngày liên tục tài xế thu được dưới 1,8 triệu đồng thì hãng sẽ phạt và nếu tài xế "không cày" nổi nữa thì sẽ bị cắt hợp đồng.
Không chịu nổi tỷ lệ ăn chia có phần “khắc nghiệt” trong khi tình hình cuốc chạy ngày một giảm sút và cạnh tranh không lành mạnh, anh Thành đã quyết định nộp hẳn đơn xin nghỉ việc.
“Hôm lên nộp đơn nghỉ việc thấy anh em giống mình đứng sắp hàng đông, nghe nói lên tới 8.000 người chứ 4.000 là quá ít", anh chia sẻ.
Tài xế này cho hay sắp tới, khả năng lớn người lái sẽ chuyển hết sang khoán nên cạnh tranh sẽ xảy ra trong trường hợp lao động vẫn muốn lái cho Vinasun.
"Mình không chen lại nên thôi rút cho an toàn. Vậy mà theo hãng thì 2 tháng sau mình mới nhận lại được hợp đồng và tiền gối đầu, giờ cảm thấy rất bức xúc mà không biết làm sao”, anh Thành nói thêm.
Trước đó, trao đổi với Zing.vn, ông Tạ Long Hỷ - Phó tổng giám đốc Vinasun - cho biết số lao động nghỉ việc có thể tăng lên 6.000 người rồi 8.000 người trong tương lai. Ông Hỷ từ chối giải thích thêm về chênh lệch trong con số do Vinasun công bố và số liệu trên báo cáo tài chính.
Trong văn bản gửi Thủ tướng mới đây, Vinasun cho hay hơn 4.000 lao động đã nghỉ việc, nguyên nhân có phần từ việc ứng dụng Uber, Grab vào Việt Nam.
Mô hình cho thuê xe (khoán xe) là quyết sách lớn được Đại hội cổ đông Vinasun thông qua.
Với mô hình này, lái xe nhận toàn bộ doanh thu và trả cho Vinasun một khoản phí thuê cố định từ 600.000 đồng đến 800.000 đồng mỗi ngày. Tài xế chịu các chi phí khác liên quan đến xe gồm xăng dầu, bảo dưỡng, sửa xe, bến đỗ. Trong mô hình này, hãng sẽ không chịu trách nhiệm nộp bảo hiểm xã hội cho lái xe.
Còn với mô hình truyền thống, Vinasun sẽ sở hữu xe, thuê người lái, chia sẻ doanh thu với lái xe. Lái xe nhận doanh thu 40-60% nhưng phải chịu tiền xăng. Vinasun trả phần còn lại, các chi phí khác liên quan xe như phí điểm đón, bảo dưỡng, sửa chữa. Lái xe là nhân viên công ty, được đóng bảo hiểm.
Cuối tháng 4, ông Đặng Phước Thành, Chủ tịch HĐQT Vinasun, cho biết đã có 1.335 xe hoạt động theo mô hình cho thuê xe và kỳ vọng tăng lên 3.000 xe, tương đương 47% tổng số lượng xe vào cuối tháng 6.