Đây là nội dung tờ trình Tái cấu trúc phần vốn của Tổng công ty CP Xuất nhập khẩu và Xây dựng Việt Nam (Vinaconex) tại Công ty liên doanh TNHH Phát triển đô thị mới An Khánh, dự kiến sẽ được trình cổ đông để thông qua.
Hiện tại, Công ty An Khánh là pháp nhân được thành lập để làm chủ sở hữu, đầu tư dự án Khu đô thị mới Bắc An Khánh (Splendora) với diện tích đất lên tới 264 ha tại huyện Hoài Đức - Hà Nội.
Theo đánh giá của ban lãnh đạo Vinaconex, đây là dự án khu đô thị rất tiềm năng, có hạ tầng và cảnh quan đẹp để phát triển thành một dự án khu đô thị có quy mô lớn.
Trong đó, vốn điều lệ của pháp nhân này là hơn 680 tỷ đồng do Vinaconex góp 50%, và 50% còn lại thuộc sở hữu của Công ty CP Địa ốc Phú Long, một doanh nghiệp thành viên của Sovico (do nữ tỷ phú Nguyễn Thị Phương Thảo làm chủ).
Theo lãnh đạo công ty, toàn bộ 264 ha đất tại dự án này (đất chưa triển khai là 195 ha) đều là "đất sạch", đã thực hiện xong việc giải phóng mặt bằng, hoàn thành điều chỉnh quy hoạch 1/500 và đã thực hiện đầy đủ nghĩa vụ tài chính nộp tiền sử dụng đất với Nhà nước.
Tuy nhiên, dự án này mới triển khai được gần 51 ha trên tổng số 264 ha đất. Nguyên nhân chính là do cơ cấu vốn góp 50/50 của 2 thành viên tại Công ty An Khánh JVC.
“Điều này có bất lợi về mặt thời gian trong việc triển khai dự án do các vấn đề trọng yếu đều phải đạt được sự đồng thuận của 2 thành viên”, tài liệu của Vinaconex nêu.
Một phần dự án 264 ha Khu đô thị Splendora của Vinaconex và Địa ốc Phú Long. Ảnh: Splendora. |
Trong khi đó, khoản nợ vay tài chính của An Khánh JVC đến nay đã là 3.406 tỷ đồng, làm phát sinh chi phí tài chính hàng năm rất lớn, tăng áp lực tài chính và tăng số lỗ lũy kế hàng năm của công ty. Vì vậy, ban lãnh đạo Vinaconex đề xuất phương án tái cấu trúc phần vốn tại dự án bất động sản này theo hướng thống nhất 1 đầu mối triển khai.
Cụ thể, với phương án 1, Vinaconex sẽ đàm phán để chuyển nhượng toàn bộ phần vốn sở hữu tại An Khánh JVC cho thành viên góp vốn còn lại (Địa ốc Phú Long) hoặc các nhà đầu tư khác có nhu cầu để thu hồi vốn, đầu tư vào các dự án khác.
Ngược lại, Vinaconex cũng sẽ đàm phán mua lại toàn bộ vốn góp của Địa ốc Phú Long tại dự án để một mình triển khai. Lãnh đạo doanh nghiệp cũng xin cổ đông ủy quyền cho HĐQT lựa chọn phương án tái cấu trúc bao gồm cả việc chọn đối tác, giá mua bán và cấu trúc giao dịch.
Khoảng 1 năm trước, mâu thuẫn nội bộ tại Vinaconex trở lên căng thẳng khi một số cổ đông lớn đã yêu cầu tòa án dừng hoạt động của HĐQT doanh nghiệp. Theo nhiều nguồn tin, dự án Splendora chính là nguồn cơn gây ra mâu thẫu giữa hai nhóm cổ đông lớn tại đây.
Ông Đào Ngọc Thanh, Chủ tịch HĐQT Vinaconex từng cho biết đây là miếng đất lớn nhất của Hà Nội đã có chủ sở hữu, chỉ cần xây nhà lên và bán. Tuy nhiên, dự án gặp không ít vướng mắc vì các cổ đông không tìm được tiếng nói chung.
Theo ông Thanh, mâu thuẫn chính tại dự án 264 ha này là khác nhau về ý tưởng triển khai dự án, nổi cộm là cách thức xử lý hồ điều hòa trung tâm.
Trong khi Vinaconex muốn giữ nguyên quy hoạch cũ và bổ sung thêm cây xanh, dịch vụ đi kèm. Nhóm cổ đông còn lại đề xuất xây hồ theo dạng bao quanh các căn biệt thự để tối đa hóa diện tích mặt hồ và tăng giá sản phẩm xây dựng.
Hiện tại, Địa ốc Phú Long không chỉ có lợi ích tại dự án Splendora, mà còn có cả lợi ích tại Vinaconex sau khi mua lại 29% vốn tại tổng công ty này từ các đợt thoái vốn của Viettel và SCIC thông qua 2 cổ đông Cường Vũ và Star Invest.