Ngày 30/9/2018, Viettel đánh bại Bình Phước để lên hạng V.League. HLV Nguyễn Hải Biên nhận được nhiều câu hỏi, một trong số đó là: “Viettel sẽ đầu tư thế nào để không đi vào sai lầm của HAGL?”
Viettel và HAGL có nhiều điểm tương đồng. Cả hai cùng loay hoay ở mùa giải trước, dù có nhiều tuyển thủ sáng giá cùng lứa “măng non” đầy tài năng.
Viettel cùng HAGL có thể tung ra đội hình với 11 cầu thủ đã hoặc đang khoác áo tuyển Việt Nam. Đây là hai đội có đóng góp tuyển thủ nhiều hàng đầu V.League, cùng với CLB Hà Nội. Ảnh: Minh Chiến. |
7 tuyển thủ, xếp nửa dưới bảng xếp hạng
Nếu không kể CLB Hà Nội, Viettel cùng HAGL là những đội đóng góp nhiều tuyển thủ quốc gia nhất V.League, với tổng cộng 7 cái tên trong danh sách 23 tuyển thủ cho trận đấu gần nhất (gặp Thái Lan ở vòng loại World Cup), chưa kể tiền đạo Nguyễn Việt Phong - tiền đạo được HLV Park Hang-seo triệu tập, song gạch tên giờ chót.
Nguyễn Tuấn Anh, Vũ Văn Thanh, Nguyễn Văn Toàn, Nguyễn Phong Hồng Duy (HAGL) được gọi từ năm 2016, còn Nguyễn Trọng Hoàng, Quế Ngọc Hải, Bùi Tiến Dũng (Viettel) là những mảnh ghép chất lượng ở tuyến phòng ngự hiện tại. Ở phần còn lại của V.League, không đội nào sở hữu quá 2 tuyển thủ quốc gia.
Thế nhưng, cả hai đều lao đao trong cuộc chiến trụ hạng mùa trước và chỉ thoát hiểm rồi bứt lên ở vài trận cuối, thành tích trái ngược với quá trình đầu tư kỹ lưỡng. Bầu Đức tốn rất nhiều tiền nuôi lứa “gà nòi” ở Học viện HAGL JMG hay Viettel mang về 3 ngôi sao đắt giá không phải để đứng ở những vị trí này.
Viettel và HAGL cũng là những đội V.League đầu tiên thay tướng ở mùa 2019. Một bên sa thải HLV Hàn Quốc để trao sa bàn cho trợ lý, một bên đẩy trợ lý về đúng vị trí, đưa GĐKT Hàn Quốc lên thay. Với cả hai đội, ổn định là điều xa xỉ. HAGL thay “tướng” 4 lần trong 4 năm, còn Viettel thay HLV 3 lần trong một mùa.
Sự bất ổn trên ghế chỉ đạo dẫn tới xáo trộn về chuyên môn. Không có đường đi nước bước rõ ràng, nên dù có nhiều tuyển thủ quốc gia, HAGL và Viettel vẫn thua liên miên. Nhiều cầu thủ giỏi chưa chắc tạo được tập thể hay.
Ngược lại, CLB TP.HCM cùng Than Quảng Ninh lần lượt cán đích ở vị trí á quân và hạng ba dù sở hữu đúng một tuyển thủ quốc gia và là cầu thủ chưa được ra sân phút nào (Nguyễn Hữu Tuấn). Cách xây dựng đội bóng mới là yếu tố tiên quyết cho thành công tại V.League.
Tuấn Anh vẫn là niềm hy vọng hàng đầu của HAGL mùa này. Tiền vệ 24 tuổi được đánh giá cao về chuyên môn, song chưa bao giờ “phát tiết" ở V.League do thường xuyên dính chấn thương. Ảnh: Minh Chiến. |
HAGL và Viettel tham vọng đến đâu?
Người ta vẫn nói nhiều về thực lực của cầu thủ HAGL. Nhưng một đội bóng chưa từng thuộc về nửa trên BXH (kể từ năm 2015) thì có bao nhiêu cầu thủ giỏi cũng vô nghĩa. Mùa này, tham vọng của đội bóng phố núi lại bị đặt dấu hỏi khi họ cho mượn 12 cầu thủ, trong đó có Nguyễn Công Phượng, Lê Văn Sơn, Trần Thanh Sơn, và chỉ bổ sung kiểu “thiếu đâu vá đấy”. Nhóm người mới như Damir Memovic, Trần Bửu Ngọc, Steven Đặng không chắc tốt hơn nhóm ra đi chứ chưa nói tới chuyện tốt hơn.
Bầu Đức chỉ giữ lại Nguyễn Tuấn Anh, Nguyễn Văn Toàn, Vũ Văn Thanh, Trần Minh Vương, Nguyễn Phong Hồng Duy, Lương Xuân Trường, những người vốn là niềm tự hào của lò JMG. Với chất lượng nhân sự không hơn mùa trước, HAGL khó đột phá về thành tích.
Triết lý của HAGL đã thay đổi, minh chứng là khối phòng ngự dày đặc trước khung thành Lê Văn Trường trong chiến thắng 1-0 trước Quảng Ninh, nhưng HAGL là đội bóng được xây dựng từ đầu không phải để đá phòng ngự phản công. Hoặc nếu chấp nhận thay đổi bản sắc, HAGL phải đầu tư mạnh, thay vì thiếu định hướng, thiếu cả tiềm lực để cạnh tranh ngôi cao. Có 4, 5 tuyển thủ quốc gia, không lẽ chỉ đá tàng tàng như thế.
Khác với HAGL, Viettel đủ tiềm lực để mơ lớn. Sự xuất hiện của HLV Trương Việt Hoàng cùng Hồ Khắc Ngọc, Trần Nguyên Mạnh giúp Viettel nâng cấp, nhưng đổi lại, cơ hội thể hiện của “gà nhà” sẽ nhỏ đi. Chỉ 3 cầu thủ trưởng thành từ lò Viettel đá chính trong trận ra quân với Hồng Lĩnh Hà Tĩnh, thấp hơn con số trung bình 5-6 cầu thủ mùa trước.
Với đội hình đồng đều, Viettel muốn hướng tới vị trí cao mùa này, dù đây là mục tiêu khó khăn do HLV Trương Việt Hoàng cần thời gian lắp ghép đội hình và xây dựng “bộ nhận diện" về lối chơi cho đội bóng. Năm nay, họ đón thêm Hồ Khắc Ngọc (áo vàng), sự bổ sung chất lượng cho tuyến giữa. Ảnh: Minh Chiến. |
Không có chuyện cầu thủ Viettel dư dả cơ hội thể hiện, trải nghiệm như HAGL, khi tầm nhìn của hai đội khác nhau.
Viettel không muốn đi vào “vết xe đổ” của HAGL, lao đao với đội hình non kinh nghiệm và đổi thành tích lấy bóng đá đẹp. Đội bóng áo lính được đầu tư mạnh mẽ hơn để hướng tới cả hai mục tiêu. Tuy nhiên, vừa có thành tích tốt vừa tạo tạo được thứ bóng đá mang thương hiệu riêng của đội bóng như tuyên bố đầu giải là nhiệm vụ gian nan với HLV Trương Việt Hoàng.
CLB Hà Nội mất 10 năm xây móng để có thành công hôm nay. Viettel dẫu mạnh tay đầu tư, cũng sẽ phải tiêu tốn quãng thời gian không ít hơn để “hái quả”. Liệu họ có đủ kiên nhẫn?
Không phải sở hữu nhiều tuyển thủ quốc gia đã là “sướng”. Đôi khi, đó lại là sức ép cho các HLV cùng CLB. Ở cuộc so tài tối nay, Viettel và HAGL có thể tung ra tổng cộng 11 cầu thủ đã hoặc đang khoác áo tuyển Việt Nam, nhưng rất khó để nói đội nào có đủ nền móng vững vàng cho cuộc chơi ở V.League.
Một số cầu thủ HAGL và Viettel càng chơi tốt trên tuyển, càng sa sút ở CLB và ngược lại. Quế Ngọc Hải từng bị treo giò 4 trận ở giai đoạn đầu V.League, chủ yếu đến từ án phạt do vào bóng quá chân với hậu vệ Trần Văn Kiên của CLB Hà Nội. Trước đó, Ngọc Hải chơi tự tin, chắc chắn và lành tính trên tuyển quốc gia.
Văn Toàn thăng hoa ở HAGL với 9 bàn thắng, 11 đường kiến tạo, song mờ nhạt trên tuyển. Minh Vương hoàn thiện kỹ năng săn bàn và trở thành Vua phá lưới nội với 13 bàn thắng sau khi không còn được HLV Park Hang-seo triệu tập. Tuấn Anh từ khi có chỗ đứng trên tuyển (tháng 9/2019) lại chơi khá trầm trong giai đoạn cuối của HAGL, còn Xuân Trường khi đang thăng hoa ở HAGL lại dính chấn thương dây chằng trên tuyển.