Sau hơn 2 năm triển khai dịch vụ chuyển mạng giữ số, cho phép thuê bao giữ số điện thoại khi chuyển sang nhà mạng khác, thị phần viễn thông Việt Nam đã có nhiều biến động với 2 triệu lượt thuê bao chuyển mạng thành công.
Trong 4 nhà mạng tham gia cung cấp dịch vụ chuyển mạng giữ số, nhà mạng thắng lớn nhất là Viettel khi trong giai đoạn từ 16/11/2018 đến 21/2/2021, nhà mạng quân đội đón hơn 1 triệu thuê bao chuyển đến trong khi chỉ có 636.624 thuê bao chuyển đi.
Viettel thắng lớn, Vietnamobile gần thua trắng | |||||
Lượng thuê bao chuyển đến và đi thành công của các nhà mạng tham gia chuyển mạng giữ số (số liệu: Cục Viễn thông) | |||||
Nhãn | Viettel | VinaPhone | MobiFone | Vietnamobile | |
Chuyển đến thành công | Thuê bao | 1002548 | 693414 | 308108 | 408 |
Chuyển đi thành công | 636624 | 560712 | 353546 | 453596 |
Sau hơn 2 năm chuyển mạng giữ số, Viettel "lãi" 365.924 thuê bao, là nhà mạng hưởng lợi nhiều nhất từ dịch vụ này.
Nhà mạng tiếp theo cũng ghi nhận tăng trưởng lượng thuê bao nhờ chuyển mạng giữ số là VinaPhone. Trong giai đoạn trên, nhà mạng này đón 693.414 thuê bao chuyển đến thành công và ghi nhận 560.712 thuê bao chuyển đi. Sau hơn 2 năm, VinaPhone lãi 132.702 thuê bao, trở nhà mạng hưởng lợi nhiều thứ 2 từ chuyển mạng giữ số.
Ở chiều ngược lại, MobiFone sau hơn 2 năm giảm 45.438 thuê bao vì chuyển mạng giữ số. Cụ thể, nhà mạng này đón 308.108 thuê bao chuyển đến thành công nhưng ghi nhận tới 353.546 thuê bao chuyển đi.
Nhà mạng thiệt hại lớn nhất vì chuyển mạng giữ số là Vietnamobile. Trong hơn 2 năm tham gia chuyển mạng giữ số, nhà mạng này ghi nhận có 453.596 thuê bao chuyển đi nhưng chỉ đón về thành công 408 thuê bao.
Tính trung bình, mỗi tháng Vietnamobile mất gần 17.000 thuê bao chuyển đi và chỉ đón về khoảng 15 thuê bao mỗi tháng từ các nhà mạng khác.
Chênh lệch lớn giữa lượng đi và lượng đến đồng nghĩa doanh nghiệp gần như mất trắng hơn 450.000 thuê bao vì chuyển mạng giữ số. Con số này có thể không đáng kể với các nhà mạng lớn nhưng mang ảnh hưởng rõ rệt tới thị phần của Vietnamobile.
Theo chia sẻ từ lãnh đạo doanh nghiệp, Vietnamobile nắm khoảng 3% thị phần viễn thông Việt Nam, hiện có tổng lượng thuê bao khoảng 132 triệu thuê bao theo thống kê của Cục Viễn thông. Điều này đồng nghĩa doanh nghiệp có tổng lượng thuê bao vào khoảng 3,1 triệu. Số thuê bao chuyển đi tác động mạnh tới kinh doanh của nhà mạng này khi tương đương khoảng 14,5% tổng lượng thuê bao.
Hiện Vietnamobile đang áp dụng chiến lược thu hút người dùng bằng các gói cước giá rẻ, tuy nhiên chịu nhiều phản ánh về chất lượng sóng yếu ở ngoài các khu vực thành phố lớn. Ngoài ra doanh nghiệp còn gặp khó vì lượng băng tần được cấp hạn chế, ảnh hưởng tới trải nghiệm của người dùng.
Năm 2019, doanh nghiệp này từng gửi kiến nghị đến 5 bộ, ngành Thủ tướng nêu việc bị đối xử không công bằng và đề xuất các chính sách quản lý thị trường viễn thông, phân bổ, đấu giá băng tần hợp lý hơn.
Dù gặp nhiều khó khăn trong năm 2020, Vietnamobile vẫn có dấu hiệu khởi sắc về kinh doanh khi ghi nhận doanh thu khoảng 1.940 tỷ đồng, tăng 67% so với năm 2019 và lãi gần 60 tỷ. Tuy nhiên, lợi nhuận này vẫn rất nhỏ bé so với kết quả kinh doanh của 3 nhà mạng lớn là Viettel, MobiFone và VNPT Vinaphone.