Trong buổi lễ công bố phát sóng 5G, đưa vào khai thác hạ tầng kết nối vạn vật (IoT) và nền tảng phát triển xã hội số tại TP.HCM, Phó chủ tịch TP.HCM Trần Vĩnh Tuyến chia sẻ, việc đồng hành cùng Viettel giúp ông tiếp cận với nhiều điều mới.
Nếu chính quyền số, kinh tế số đã trở nên quen thuộc, xã hội số vẫn còn là khái niệm mới, dù nó là xu hướng và mục tiêu của doanh nghiệp, chính quyền nhằm phục vụ tốt nhất cho người dân.
Bé Quốc Minh (11 tuổi) ở quận Tân Bình trải nghiệm với kính VR được kết nối 5G. |
Là một trong 50 nhà mạng đầu tiên trên thế giới triển khai dịch vụ 5G, đồng thời sở hữu hệ sinh thái IoT, Viettel sở hữu mô hình xã hội số thu nhỏ gần như đầy đủ, phục vụ nhu cầu của hệ thống chính quyền, các cơ quan cung cấp dịch vụ công, doanh nghiệp, hộ gia đình cũng như từng cá nhân.
Các giải pháp tiện ích gần gũi cuộc sống như quản lý hành chính công, bán hàng, vận tải, thanh toán, giải trí, giải pháp doanh nghiệp lần đầu được Viettel mang đến triển lãm, cho phép người dân TP.HCM trải nghiệm và đăng ký dịch vụ ngay với những thao thác đơn giản.
Viettel trưng bày mô hình trung tâm điều hành thông minh của Thừa Thiên Huế - sản phẩm đoạt giải thưởng viễn thông châu Á ở hạng mục “Dự án thành phố thông minh sáng tạo nhất châu Á”. |
Cụ thể, với các ban ngành và cơ quan dịch vụ công, gian hàng giới thiệu về Trung tâm điều hành thông minh Thừa Thiên Huế và gian hàng NB-IoT. Đây là các giải pháp thiết thực trong hoạt động quản lý, điều hành, thu thập thông tin; tạo ra kết nối nhanh chóng giữa người dân và cơ quan quản lý có trách nhiệm.
Với các doanh nghiệp, giải pháp về Reputa A.I, Chatbot A.I, nhận diện khách hàng A.I hay Viettel A.I được giới thiệu tại triển lãm tạo nên hệ thống thông minh nhằm quản trị, điều hành doanh nghiệp hiệu quả.
Bên cạnh đó, giải pháp về thương mại số gồm Voso, Mygo cùng tiện ích ViettelPay đã và đang giải quyết được các bài toán vận tải đa năng toàn quốc, kết nối người bán và người mua không qua trung gian, hay thanh toán không dùng tiền mặt có liên kết với ngân hàng.
Mô hình nhà thông minh thu hút sự quan tâm của nhiều chị em tại triển lãm 5G và NB- IoT. |
Tại gian hàng về nhà thông minh, một mô hình thu nhỏ các tiện ích được lắp đặt cho người dùng tham quan chi tiết về ứng dụng của 5G trong việc nâng cao chất lượng cuộc sống, phục vụ tốt hơn yêu cầu về an ninh an toàn của hộ gia đình.
Qua một nút bấm trên mô hình, người dùng có thể điều khiển hệ thống rèm, cửa, tắt bật các thiết bị điện lạnh, điện tử, lựa chọn gói giải trí và quản lý hệ thống camera…
Dựa trên tốc độ kiểm nghiệm ngay tại gian hàng gần 750 Mbps (tốc độ thực của 5G Viettel), thậm chí lên tới hơn 1 GB nếu sử dụng thiết bị đo chuyên dụng, những thao tác gần như không có độ trễ và không bị giới hạn bởi khoảng cách của thiết bị đầu cuối.
Khách tham quan chăm chú nghe chuyên viên tư vấn giới thiệu về hệ sinh thái số của Viettel. |
Theo ông Tào Đức Thắng - Phó tổng giám đốc Tập đoàn Viettel, ngoài việc tự phát triển và mở rộng hệ sinh thái dịch vụ, ứng dụng của riêng mình, tập đoàn còn hướng đến mục tiêu tạo ra sân chơi để các nhà sáng tạo đưa ra giải pháp phục vụ nhu cầu của con người, xã hội dựa trên nền tảng kết nối IoT, cùng thế mạnh vượt trội của công nghệ 5G.
Việc phát triển 5G mang lại hiệu quả thay đổi nền sản xuất và đời sống thế nào phụ thuộc nhiều vào các nhà phát triển ứng dụng. Tốc độ truyền tải dữ liệu cao, độ trễ thấp và kết nối số lượng lớn là thế mạnh của 5G, sẽ giúp phát triển thêm nhiều ứng dụng, công nghệ để giải quyết các vấn đề của sản xuất và xã hội.
“Giữa 5G với 4G và 3G không đơn thuần là ‘hơn’ hay ‘kém’ về tốc độ truyền tải trong công nghệ mạng viễn thông, mà là sự khác biệt hoàn toàn, như giữa ‘có’ hay ‘không’. Muốn trở thành một trong những nước dẫn đầu cách mạng công nghiệp 4.0, Việt Nam nhất thiết phải có mạng 5G”, ông Thắng khẳng định.