Theo đó, Vietravel sẽ mua lại toàn bộ lô trái phiếu (mã trái phiếu: VTRH2123001) trị giá 500 tỷ đồng, phát hành vào ngày 21/12/2021 với kỳ hạn 24 tháng, ngày đáo hạn 21/12/2023.
Trong đó, lãi suất áp dụng cho 2 kỳ 6 tháng đầu tiên là 8,2%/năm. Các kỳ sau được tính bằng 2,5% cộng với lãi suất trung bình tiền gửi tiết kiệm trả sau thông thường, kỳ hạn 12 tháng dành cho khách hàng cá nhân được công bố trên website của 4 ngân hàng gồm Agribank, BIDV, Vietinbank và Vietcombank hoặc mức 8,2%/năm, tùy thuộc vào mức lãi suất nào cao hơn.
Như vậy, Vietravel trả nợ cho trái chủ trước hạn một năm. Đây là một tín hiệu tích cực cho thấy Vietravel đã có thể cân đối dòng tiền để thanh toán cho các khoản nợ trước hạn, nhờ vào sự phục hồi của ngành du lịch Việt Nam.
Trước đó, Vietravel là đơn vị lữ hành chịu sự tác động nặng nề của Covid-19. Do vậy vào cuối tháng 12/2021, công ty này đã phát hành 500 tỷ đồng trái phiếu nhằm bổ sung nguồn tài chính, chuẩn bị khôi phục lại hoạt động kinh doanh của công ty.
Sau khi hoàn tất mua lại trái phiếu 500 tỷ đồng trước hạn, khoản vay của Vietravel giảm xuống còn 60% so với số liệu báo cáo tài chính quý I (kết thúc 30/9) và chỉ bằng 63% so với thời điểm báo cáo tài chính năm 2021, kết thúc vào ngày 31/12/2021.
Theo báo cáo tài chính quý III được công bố, lợi nhuận sau thuế của Vietravel là hơn 51 tỷ đồng. Sau khi hợp nhất với các công ty con và công ty liên kết, lợi nhuận trong quý của công ty đạt gần 7 tỷ đồng.
So với khoản lỗ 108 tỷ đồng hồi quý I và 191 tỷ cùng kỳ năm 2021, khoản lợi nhuận này là một con số rất tích cực cho thấy sự phục hồi của ngành du lịch và hàng không.
Riêng mảng hoạt động kinh doanh chính là du lịch của Vietravel cho thấy kết quả đạt được trong quý III vượt trội so với dự báo. Doanh thu đạt gần 1.500 tỷ đồng, vượt 21% so với kế hoạch đã đặt ra. Con số này cũng tăng 25% so với kết quả kinh doanh của cả 6 tháng đầu năm. Tính chung 9 tháng đầu năm 2022, Vietravel đạt doanh thu 2.700 tỷ đồng ở mảng kinh doanh du lịch.
Trong tháng 9, doanh thu từ hoạt động du lịch nước ngoài chiếm 50% trong tổng cơ cấu doanh thu của doanh nghiệp. Con số này trước khi xảy ra Covid-19 (năm 2019) là 66%.
Theo Vietravel, hoạt động kinh doanh du lịch có nhiều chuyển biến tích cực, tour giá trị cao được khách hàng ưu tiên lựa chọn, ngoài ra du khách cũng đang có xu hướng đặt tour từ rất sớm trước ngày khởi hành.
Đối với mảng hàng không, Vietravel và Vietravel Airlines đang thực hiện những khâu chuẩn bị cuối cùng để đưa vào khai thác đường bay quốc tế đầu tiên của hãng là chặng Hà Nội - Bangkok vào ngày 16/12.
Mới đây, Hiệp hội Vận tải Hàng không Quốc tế (IATA) dự báo sau quãng thời gian thua lỗ nặng nề do tác động của đại dịch Covid-19, các hãng hàng không trên thế giới dự kiến bắt đầu có lãi trở lại trong năm 2023. Sau khi cắt lỗ trong năm nay, các hãng hàng không có thể sẽ thu về 4,7 tỷ USD lợi nhuận ròng vào năm 2023, đánh dấu năm có lãi đầu tiên kể từ 2019, thời điểm trước khi đại dịch Covid-19 bùng phát. Lưu lượng hành khách cũng được dự báo sẽ đạt 4,2 tỷ lượt, bằng 85,5% mức của năm 2019.
Độc giả có thể tìm thêm nhiều câu chuyện truyền cảm hứng về những gương doanh nhân thành công, kinh nghiệm điều hành doanh nghiệp và những kiến thức mới mẻ thời đại 4.0 ở tuyển tập sách của Zing tại Tủ sách kinh tế
Vé bay Tết khan hiếm, chỉ còn vé thương gia đắt đỏ
Ở một số chặng, chỉ có vài chuyến bay còn vé hạng phổ thông khiến hành khách phải mua vé nối chuyến hoặc vé thương gia lên đến 10-15 triệu đồng.
Báo cáo tài chính quý III của Vietravel ghi nhận những con số tích cực cho thấy sự phục hồi của ngành du lịch và hàng không.
Vietravel Airlines bổ nhiệm lãnh đạo mới
Sau khi ông Đào Đức Vũ về Bamboo Airways, Vietravel Airline đã bổ nhiệm lãnh đạo ban khai thác bay mới.