Cụ thể, VABA cho biết doanh thu năm 2020 của các hãng hàng không Việt Nam giảm trên 60% (tương đương khoảng 100.000 tỷ đồng) do ảnh hưởng của dịch Covid-19.
Năm 2020, riêng về hoạt động hàng không, Vietnam Airlines, Vietjet Air và Bamboo Airways lỗ 16.000 tỷ đồng. Ba doanh nghiệp này ghi nhận nợ ngắn hạn và đến hạn phải trả tổng cộng 36.000 tỷ đồng. Riêng Vietnam Airlines nợ ngắn hạn 20.000 tỷ đồng.
Cũng theo VABA, do dịch Covid-19 tái bùng phát vào dịp Tết Nguyên đán 2021 và cao điểm hè, khiến doanh thu của các hãng tiếp tục giảm sâu, riêng giai đoạn tháng 5-6 giảm tới 80-90% so với cùng kỳ năm 2020.
"Trong khi đó, để duy trì hoạt động tối thiểu trong dịch, các hãng phải tốn chi phí trên 100 tỷ đồng/ngày", báo cáo của VABA nêu rõ.
Hiệp hội Vận tải hàng không Việt Nam khẳng định các doanh nghiệp hàng không đang rất khó khăn, cần sự hỗ trợ tài chính của Chính phủ. |
VABA gửi văn bản tới Bộ Kế hoạch và Đầu tư để bổ sung báo cáo trên, đồng thời đề xuất Bộ xem xét và kiến nghị với Chính phủ. Cụ thể, VABA đề xuất nên sớm xem xét sử dụng hộ chiếu vaccine cũng như nới lỏng quy định về đi lại, cách ly đối với người đã tiêm đủ liều vaccine. Hiệp hội cũng mong muốn Chính phủ sớm triển khai mở lại các đường bay quốc tế.
Bên cạnh đó, VABA cũng đề xuất Chính phủ hỗ trợ nguồn vốn vay với lãi suất ưu đãi cho các hãng hàng không Việt. Hiệp hội mong muốn Chính phủ mở rộng chương trình cho vay ưu đãi tương tự gói 4.000 tỷ đồng mà Vietnam Airlines được vay để các hãng hàng không khác cũng được tiếp cận nguồn vốn.
"Đề nghị dành cho các hãng hàng không vay gói tín dụng khoảng 25.000 tỷ đồng ưu đãi lãi suất 4%, thời hạn từ 3-5 năm để các hãng bay duy trì nguồn lực, có nguồn vốn phục hồi, phát triển", VABA đề xuất.
"Đồng thời, cho các doanh nghiệp hàng không nói chung được áp dụng mức lãi suất giảm 2% theo nghị quyết số 84 ngày 29/5/2020 của Chính phủ", hiệp hội nêu rõ.
Cũng trong văn bản, VABA đề xuất Chính phủ tiếp tục giảm thuế bảo vệ môi trường ở mức sâu hơn cho các hãng hàng không và tiếp tục giảm giá, phí dịch vụ hàng không tại các cảng hàng không cùng nhiều đề xuất khác.
Theo báo cáo của VABA, các chính sách hỗ trợ của Chính phủ cho ngành hàng không được đề ra kịp thời, những còn thiếu và chậm triển khai, trong khi các nguồn lực về tài sản, tài chính tích lũy của các hãng đã cạn kiệt, cơ hội tiếp cận vốn vay khó khăn, chi phí vay vốn cao.
Vận tải hành khách đường bộ cũng gặp khó
Áp lực nợ không chỉ đè nặng lên vận tải hàng không mà cả vận tải hành khách đường bộ. Ông Nguyễn Văn Quyền, Chủ tịch Hiệp hội Vận tải ôtô Việt Nam cho biết 6 tháng qua, vận tải khách tuyến cố định sụt giảm doanh thu trên 70-80%, taxi giảm 70%, xe hợp đồng du lịch giảm trên 90%, xe buýt giảm khoảng 30%.
Theo ghi nhận, nhiều doanh nghiệp vận tải hành khách đường bộ không được cơ cấu nợ, đã buộc phải bán bớt tài sản như xe, nhà đất khi dịch bệnh kéo dài ảnh hưởng nghiêm trọng đến nguồn thu, trong khi vẫn phải gánh chi phí bến bãi, trả lương người lao động.
Nhiều doanh nghiệp chia sẻ cần nhiều hỗ trợ hơn là giãn nợ 12 tháng vì khoảng thời gian này không đủ để vượt dịch, trong khi tới hạn thì doanh nghiệp phải chịu áp lực trả nợ dồn gấp đôi. "Các bộ ngành cần có các thông tư chi tiết hơn nữa, không để các ngân hàng đặt thêm các điều kiện gây khó cho doanh nghiệp", ông Quyền nói.
Bên cạnh đó, ông Quyền cũng cho rằng Chính phủ cần đưa phân loại các ngành với mức độ khó khăn khác nhau, ngành nào khó khăn hơn thì phải mức hỗ trợ cao hơn để tránh hỗ trợ dàn trải, ví dụ ngành vận tải hàng hóa chịu tác động ít hơn vận tải hành khách. Ông đề xuất Nhà nước cần giảm thuế VAT cho các doanh nghiệp, hợp tác xã kinh doanh vận tải về 0% trong năm 2021 và có gói vay ưu đãi đặc biệt để hỗ trợ đơn vị vận tải.