Tính đến thời điểm này, Vietnam Airlines đã chốt lộ trình thoái vốn ngay trong năm 2013 đối với 4/10 đầu mối đầu tư ngoài ngành được Thủ tướng Chính phủ yêu cầu hoàn thành trước năm 2015.
Đây là những doanh nghiệp có độ ảnh hưởng đến Tổng công ty ở mức thấp, bao gồm các đơn vị kinh doanh chứng khoán, bảo hiểm, ngân hàng, bất động sản và một số doanh nghiệp làm ăn kém hiệu quả.
Cụ thể, Hãng Hàng không quốc gia Việt Nam sẽ hoàn thành thoái vốn trong quý III/2013 tại ngân hàng TMCP Kỹ thương Việt Nam (Techcombank, khoảng 32,2 triệu cổ phiếu); tại Tổng công ty cổ phần Bảo Minh (24 triệu cổ phiếu và 0,82 triệu trái phiếu chuyển đổi), tại công ty cổ phần Giao nhận kho vận hàng không (352.000 cổ phiếu) và France Telecom (126.000 cổ phiếu FTE).
Vietnam Airlines đã chốt lộ trình thoái vốn 4 đầu mối đầu tư ngoài ngành ngay trong năm 2013. |
“Hội đồng Thành viên Tổng công ty đã phê duyệt hồ sơ chào bán lượng cổ phiếu và trái phiếu chuyển đổi này ra công chúng để bán trong ít ngày tới”, ông Phạm Việt Thanh, Chủ tịch Hội đồng Thành viên Vietnam Airlines cho biết.
Với cổ phiếu FTE, Vietnam Airlines cũng đã trình Bộ Tài chính và Bộ Giao thông - Vận tải phương án bán cổ phiếu này thông qua các phương thức: khớp lệnh, đấu giá, thỏa thuận hoặc chào bán cạnh tranh trên 2 nguyên tắc không thấp hơn giá thị trường tại thời điểm bán và giá bán tối thiểu bằng mệnh giá cổ phiếu. Vietnam Airlines kỳ vọng, sẽ thu về khoảng 43 tỷ đồng từ việc bán loại cổ phiếu ngoại duy nhất mà Hãng đang nắm giữ, gấp 3 lần giá trị vốn thực tế đầu tư.
Được biết, hai “khúc xương” lớn nhất trong việc thoái vốn đầu tư ngoài ngành của Vietnam Airlines chính là việc xử lý phần vốn góp tại Công ty cổ phần Khách sạn Hàng không - một trong 8 công ty liên kết của hãng tính đến thời điểm ngày 31/12/2012 và tại công ty cổ phần Chứng khoán Hòa Bình.
Công ty cổ phần Khách sạn Hàng không có vốn điều lệ 96 tỷ đồng (trong đó Vietnam Airlines góp 42,24 tỷ đồng), được thành lập và hoạt động vào tháng 12/2006, với mục đích thực hiện Dự án Xây dựng khách sạn, văn phòng cho thuê tại khu đất 27B, Nguyễn Đình Chiểu, TP.HCM.
Tuy nhiên, sau 7 năm, Công ty vẫn chưa thể triển khai được dự án, do chưa có sự thống nhất giữa các cổ đông và chưa được các cơ quan quản lý nhà nước chấp thuận về công năng công trình, phương án thuê đất. Tình trạng “lùng nhùng” nói trên khiến Vietnam Airlines phải lùi mốc thoái vốn tại Công ty cổ phần Khách sạn Hàng không đến sát ngày 31/12/2015. Trong khi đó, do thị trường chứng khoán vẫn trong giai đoạn bĩ cực, nên việc bán 792.000 cổ phiếu tại công ty cổ phần Chứng khoán Hòa Bình (HBS) mà Vietnam Airlines đang nắm giữ hết sức khó khăn.
Được đánh giá là “thuận” hơn, việc thoái vốn, công tác cổ phần hóa công ty mẹ - trụ cột quan trọng bậc nhất trong Đề án Tái cơ cấu Vietnam Airlines, đang “chạy” tốt, và được đích thân Bộ trưởng Bộ Giao thông - Vận tải Đinh La Thăng đánh giá là “bám sát lộ trình đề ra”.
Theo đó, sau khi tiến hành ký kết hợp đồng tư vấn tài chính với Morgan Stanley, Citigroup và một số đơn vị trong nước, Tổng công ty đã tổ chức khởi động triển khai Hợp đồng tư vấn tài chính hồi cuối tháng 5/2013.
Hiện tại, Vietnam Airlines đã hoàn thành việc kiểm kê, đối chiếu công nợ và phân loại tài sản tại thời điểm 31/3/2013 và xây dựng xong phương án sản xuất, kinh doanh trong 5 năm sau cổ phần hóa, tạo nền tảng để tiến hành IPO vào quý II/2013. Một điểm thuận lợi đối với công tác tái cơ cấu hãng là tình hình kinh doanh của Vietnam Airline đang thu được kết quả rất khả quan. Tính đến ngày 30/6, tổng doanh thu của Hãng đạt 27.181 tỷ đồng, lợi nhuận trước thuế đạt 185 tỷ đồng, lần lượt tăng 5,3% và 4,8% so với cùng kỳ năm 2012.
“Việc thị trường hàng không ấm dần trong thời gian qua sẽ tăng thêm sức hấp dẫn cổ phiếu Vietnam Airlines”, một chuyên gia đánh giá.