Chính phủ vừa yêu cầu xử lý phương án chuyển nhượng Công ty Nhiên liệu hàng không (Skypec) từ Vietnam Airlines về Tập đoàn Dầu khí Quốc gia Việt Nam (PVN)
Đây là chỉ đạo tại cuộc làm việc với Ủy ban Quản lý vốn Nhà nước tại doanh nghiệp và 19 tập đoàn, tổng công ty về sản xuất kinh doanh, đầu tư phát triển mới đây.
Nhiệm vụ chuyển Skypec từ Vietnam Airlines về PVN đã được Thủ tướng giao tại Thông báo số 114/TB-VPCP ngày 29/9/2022 nhằm hỗ trợ tái cơ cấu Vietnam Airlines và phát triển năng lực hiệu quả của PVN trong chuỗi sản xuất, cung ứng xăng dầu.
Trường hợp phát sinh nội dung vượt thẩm quyền, Ủy ban Quản lý vốn Nhà nước tại doanh nghiệp tổng hợp ý kiến các bộ, cơ quan, đề xuất hướng xử lý, báo cáo Phó thủ tướng Lê Minh Khái trước ngày 15/7.
Chính phủ cũng yêu cầu Vietnam Airlines tuân thủ quy luật cạnh tranh; rà soát, hoàn thiện phương án cơ cấu lại, bảo đảm hiệu quả, chú trọng tiết giảm chi phí, không để tiếp diễn tình trạng lỗ lớn hiện nay.
Hồi tháng 2, Vietnam Airlines đã mời các đơn vị tư vấn lập và triển khai phương án chuyển nhượng vốn của hãng tại Skypec. Kế hoạch bán vốn tại Skypec nhiều khả năng nằm trong Đề án tái cơ cấu tổng thể Vietnam Airlines giai đoạn 2021-2025 đã báo cáo cổ đông và trình cấp có thẩm quyền phê duyệt.
Skypec tiền thân là Công ty Xăng dầu Hàng không Việt Nam được thành lập và chính thức đi vào hoạt động năm 1993 với số vốn điều lệ 400 tỷ đồng do Vietnam Airlines là chủ sở hữu.
Skypec cùng Petrolimex Aviation hiện là 2 nhà cung cấp nhiên liệu hàng không chính tại thị trường trong nước. Skypec đã và đang cung cấp nhiên liệu cho tất cả hãng hàng không trong nước và hơn 100 hãng hàng không nước ngoài tại 18 sân bay dân dụng trên toàn lãnh thổ Việt Nam và 4 sân bay quốc tế lớn của Hàn Quốc như Korean Air, All Nippon Airways, Qatar Airways, Cathay Pacific, China Airlines, Vietjet Air, Bamboo Airways,…
Với sức chứa hơn 220.000 m3, Skypec sở hữu hệ thống kho cảng đầu nguồn tại các cảng biển lớn và kho sân bay tại 18 sân bay dân dụng trên toàn quốc. Công ty này có khả năng phục vụ trên 214.000 chuyến bay với tổng sản lượng hàng năm đạt trên 2 triệu tấn mỗi năm. Giai đoạn trước dịch, Skypec từng chiếm tới 30% tỉ trọng doanh thu của Vietnam Airlines.
Tuy nhiên, đại dịch Covid-19 đã khiến doanh thu và lợi nhuận của cả Vietnam Airlines và Skypec lao đáy trong các năm 2020-2021.
Hiện tại, Vietnam Airlines vẫn chưa công bố báo cáo tài chính kiểm toán năm 2022. Báo cáo kiểm toán năm 2022 sẽ quyết định khả năng duy trì niêm yết của cổ phiếu HVN. Hồi tháng 2, HoSE đã cảnh báo HVN có thể bị hủy niêm yết nếu báo cáo tài chính hợp nhất kiểm toán năm 2022 tiếp tục báo lãi sau thuế của cổ đông công ty mẹ, hoặc vốn chủ sở hữu là số âm.
Từ ngày 25/4, cổ phiếu này đã vào diện cảnh báo do doanh nghiệp trễ nộp quá 15 ngày.
Theo báo cáo tài chính hợp nhất quý IV/2022 tự lập, Vietnam Airlines ghi nhận lợi nhuận sau thuế của cổ đông công ty mẹ âm 10.452,6 tỷ đồng. Đến hết năm ngoái, lợi nhuận luỹ kế của cổ đông công ty mẹ âm 34.199,5 tỷ đồng. Vốn chủ sở hữu của hãng bay này âm 10.199,2 tỷ đồng.
Ngoài Vietnam Airlines, Chính phủ cũng yêu cầu Ủy ban Quản lý vốn không được chậm trễ hơn trong phê duyệt đề án cơ cấu lại các tập đoàn, tổng công ty giai đoạn 2021 - 2025; chiến lược đầu tư phát triển và sản xuất kinh doanh 5 năm của các tập đoàn, tổng công ty trong tháng 7.
Trong 5 tháng đầu năm, 19 tập đoàn, tổng công ty ghi nhận tổng doanh thu hơn 531.200 tỷ đồng, bằng 50% kế hoạch năm và tăng 3% so cùng kỳ 2022. Các tập đoàn nộp ngân sách 71.700 tỷ đồng. Lợi nhuận trước thuế khoảng 32.200 tỷ đồng, trong đó 1/3 đơn vị có lãi tăng so với cùng kỳ.
Độc giả có thể tìm thêm nhiều câu chuyện truyền cảm hứng về những gương doanh nhân thành công, kinh nghiệm điều hành doanh nghiệp và những kiến thức mới mẻ thời đại 4.0 ở tuyển tập sách của Zing tại Tủ sách kinh tế