Ông Nguyễn Văn Mỹ cho biết, nhiều tuần nay, ngành du lịch đang gặp nhiều khó khăn bởi lượng khách Trung Quốc vào Việt Nam sụt giảm. Sau những vụ gây rối đáng xấu hổ, lượng khách từ Đài Loan, Hong Kong giảm sút; các nước khác cũng dè chừng.
Trong bối cảnh đó, ngoài việc đẩy mạnh quảng bá, tuyền truyền, giảm giá… cũng cần đẩy mạnh thị trường nội địa. Tất cả đang chung sức chung lòng thì nhận được công văn 1099/TCTHK - CNMN (Tổng công ty Hàng không chi nhánh Miền Nam, gọi tắt là VNA - Vietnam Airlines). "Còn hơn gáo nước lạnh dội vào mặt!", ông Mỹ nhận định.
Vietnam Airlines cho biết chỉ phụ thu đối với những đoàn khách đặt chỗ sau ngày 22/5/2014. |
Cụ thể, công văn "lạnh lùng" thông báo VNA phụ thu 200.000 đồng/vé các chặng bay dài hoặc trọng điểm như Hà Nội - Nha Trang/Sài Gòn/Phú Quốc… và 150.000 đồng/vé các chặng khác như Hà Nội - Đà Nẵng; Sài Gòn/Đà Nẵng/Nha Trang/Phú Quốc… vào giờ vàngdo VNA quy định. Như vậy mỗi vé khứ hồi tăng từ 300.000 đến 400.000 đồng
Ông phân tích: "Trong kinh doanh, mua càng nhiều mà giá càng đắt thì đích danh là loại bao cấp hoặc bù lỗ. Lâu nay, VNA tham gia gói kích cầu của Tổng cục Du lịch với “hàng dạt”, chỉ khuyến mãi vào những giờ bay bất lợi. “Hết vé” là điệp khúc thường xuyên vào mùa cao điểm của những tuyến trọng điểm, đặc biệt là Phú Quốc, Côn Đảo…
Càng khó hiểu hơn, công văn ký ngày 21/5/2014 (chưa biết sáng hay chiều) nhưng hiệu lực áp dụng ngay ngày 22/5. Tốc độ cỡ đó tên lửa liên lục địa cũng thua. Các công ty có tour đường bay ký từ mấy tháng trước nhưng sau 22/5 mới đi chỉ còn biết khóc ròng và oán trách số phận!
"Việc điều chỉnh bằng hình thức phụ thu áp dụng cho một số đường bay/chuyến bay/ngày bay/giờ bay cụ thể trong giai đoạn ngắn hạn vào cao điểm hè 2014 nhằm đáp ứng nhu cầu đi lại vào dịp cao điểm của khách hàng trong nước. Nhu cầu tăng cao sẽ chỉ tập trung vào các chuyến bay cuối tuần, khung giờ đẹp trên một số đường bay nhất định đòi hỏi hệ thống phải tập trung nhiều nguồn lực, từ đó gây ra hiện tượng lệch đầu (một chiều rất đông, còn một chiều rất ít khách).
Do hạn chế về nguồn lực và bù đắp chi phí lệch đầu nên hãng đã áp dụng phụ thu trong ngắn hạn. Tuy nhiên, các mức điều chỉnh bằng phụ thu trên một số đường bay/chuyến bay/ngày bay/giờ bay nằm trong mức mà hãng hàng không được phép điều chỉnh, không vượt quá giá trần đã được quy định".
Về vấn đề khó tìm mua vé trong mùa cao điểm, VNA cho biết: "Thực tế trong mùa cao điểm vẫn có những chuyến bay thấp điểm và dải giá cao - thấp như thường lệ trên các chuyến đó. Song song với chính sách trên, VNA cũng áp dụng 2 chương trình bán cho khách du lịch nội địa áp dụng cả năm, kể cả mùa cao điểm hè gồm Chương trình kích cầu nội địa (Bay cùng cộng đồng) và Chương trình du lịch nội địa mở rộng. Giờ bay cho các chương trình tour cũng được cải thiện. Trên thực tế, nhiều tour trọn gói của các công ty du lịch trong và ngoài nước đều có sự chênh lệch giữa mùa cao điểm và thấp điểm, áp dụng phụ thu không phải là việc quá mới mẻ và lạ lẫm với các doanh nghiệp lữ hành".
"VNA cũng đã tích cực tham gia chương trình kích cầu du lịch nội địa ngay từ những năm đầu nhằm phát động du lịch nội địa, giải tỏa tâm lý “tour trong nước giá cao” của khách hàng.
VNA đã hợp tác với một số công ty du lịch chọn lọc, có thực lực (có nguồn khách, đầu tư quảng bá sản phẩm) để xây dựng các tour du lịch trọn gói (bao gồm vé máy bay và dịch vụ mặt đất, khách sạn…) với giá cả hợp lý để triển khai hiệu quả các chương trình kích cầu này".
Đồng thời VNA khẳng định "chỉ phụ thu đối với những đoàn khách đặt chỗ sau ngày 22/5/2014, những đoàn khách do các công ty du lịch đã đặt chỗ trước thời điểm thông báo của công văn phụ thu đều không bị ảnh hưởng".