Hội đồng Quản trị Tổng công ty Hàng không Việt Nam (Vietnam Airlines) vừa thông báo về ngày đăng ký cuối cùng của cổ đông để thực hiện quyền tham dự Đại hội đồng cổ đông bất thường năm 2020.
Theo đó, hãng hàng không quốc gia Việt Nam đã có thông báo đến Trung tâm Lưu ký Chứng khoán Việt Nam (VSD) để chốt danh sách cổ đông tham gia phiên họp bất thường. Ngày đăng ký cuối cùng sẽ là 15/12, ngày diễn ra phiên họp bất thường là 29/12.
Tuy nhiên, trong thông báo mới nhất, Vietnam Airlines chưa tiết lộ địa điểm và nội dung họp cụ thể. Hãng bay cho biết nội dung cuộc họp bất thường sẽ được thông báo cụ thể trong giấy mời họp gửi tới cổ đông doanh nghiệp.
Việc Vietnam Airlines triệu tập họp cổ đông bất thường diễn ra không lâu sau khi Quốc hội đồng ý phương án “giải cứu” do ảnh hưởng của đại dịch Covid-19.
Cụ thể, Quốc hội nhất trí với đề nghị của Chính phủ về các giải pháp tháo gỡ khó khăn cho Vietnam Airlines theo phương án cho phép Ngân hàng Nhà nước tái cấp vốn và gia hạn không quá 2 lần cho tổ chức tín dụng (không bao gồm các tổ chức tín dụng đang được kiểm soát đặc biệt) để cho Vietnam Airlines vay bổ sung vốn phục vụ sản xuất, kinh doanh.
KẾT QUẢ KINH DOANH HÀNG NĂM CỦA VIETNAM AIRLINES | |||||||||||
Nhãn | 2011 | 2012 | 2013 | 2014 | 2015 | 2016 | 2017 | 2018 | 2019 | 9T2020 | |
Lợi nhuận sau thuế | tỷ đồng | 241 | 143 | 258 | 417 | 480 | 2105 | 2659 | 2599 | 2537 | -10675 |
Đồng thời, Quốc hội cho phép hãng bay này chào bán thêm cổ phiếu cho cổ đông hiện hữu để tăng vốn điều lệ khi đáp ứng đủ quy định.
Chính phủ giao Tổng công ty Đầu tư và Kinh doanh vốn Nhà nước (SCIC) thay mặt đầu tư mua cổ phiếu Vietnam Airlines thuộc quyền mua cổ phần của cổ đông Nhà nước theo phương thức chuyển giao quyền mua; đồng thời, cho phép xác định việc đầu tư nêu trên thuộc dự án nhóm A.
Trước đó, hãng bay này đề xuất Chính phủ gói cứu trợ 12.000 tỷ đồng hỗ trợ thanh khoản doanh nghiệp, số này bao gồm 4.000 tỷ thông qua cho vay và 8.000 tỷ đồng bổ sung vốn chủ sở hữu qua phát hành cổ phiếu tăng vốn.
Trước khi được Quốc hội phê duyệt phương án “giải cứu”, lãnh đạo SCIC cũng khẳng định cơ quan này đã chuẩn bị đủ tiền để đầu tư vào Vietnam Airlines nếu được cho phép.
Về hoạt động kinh doanh, Vietnam Airlines là hãng hàng không nội địa chịu ảnh hưởng nặng nhất từ dịch Covid-19 với khoản thua lỗ hàng chục nghìn tỷ từ đầu năm.
Theo đó, doanh thu 9 tháng từ đầu năm của hãng bay này chỉ ghi nhận hơn 32.400 tỷ đồng, giảm gần 60% so với cùng kỳ năm trước. Lợi nhuận sau thuế Thu nhập doanh nghiệp trong thời gian này ở mức âm 10.676 tỷ đồng, lỗ sau thuế của công ty mẹ - Vietnam Airlines là 10.472 tỷ.
Khoản lỗ ròng hơn chục nghìn tỷ kể trên đã xóa sạch thành quả 5 năm trước đó của hãng hàng không này khi tổng lợi nhuận giai đoạn 2015- 2019 mới đạt 10.380 tỷ.
Tính đến cuối tháng 9, lỗ lũy kế trên bảng cân đối kế toán của Vietnam Airlines là 8.874 tỷ đồng, số này khiến vốn chủ sở hữu của hãng giảm từ hơn 18.600 tỷ đầu năm xuống 6.600 tỷ đồng tại ngày 30/9.