Theo đó, do dịch Covid-19 diễn biến phức tạp ảnh hưởng đến khai thác các đường bay quốc tế và nội địa, Vietnam Airlines đặt mục tiêu doanh thu hợp nhất 40.586 tỷ đồng, giảm 40,5% so với thực hiện năm 2019.
Doanh nghiệp dự kiến lỗ sau thuế là 15.177 tỷ đồng, trái ngược với mức lãi năm 2019 là 2.517 tỷ. Lũy kế 6 tháng, Vietnam Airlines ghi nhận doanh thu 24.808 tỷ đồng, giảm 50% và lỗ sau thuế 6.642 tỷ. Nếu tính theo kế hoạch trình cổ đông, hãng hoàn thành 61% kế hoạch doanh thu.
Kế hoạch sẽ được vay 12.000 tỷ đồng
Cũng trong kế hoạch năm 2020, Vietnam Airlines ước tính số lượng khách vận chuyển dự kiến 14,5 triệu khách, giảm 36,8% và số lượng khách luân chuyển là 16,2 tỷ khách/km, giảm 57%. Sản lượng hàng hóa năm 2020 được doanh nghiệp ước tính là 204.800 tấn.
Vietnam Airlines trình kế hoạch lợi nhuận năm 2020 dự kiến âm 15.177 tỷ đồng vì dịch Covid-19. Ảnh: Việt Linh. |
Kế hoạch kinh doanh được hãng hàng không quốc gia đặt ra trên dự kiến tạm dừng khai thác các đường bay đi châu Âu và Australia hết năm 2020. Hãng dự kiến bắt đầu khai thác trở lại các đường bay trong khu vực Đông Bắc Á và Đông Nam Á từ tháng 10 với tần suất hạn chế 3-5 chuyến/tuần và khai thác ổn định từ tháng 12.
Về vận tải nội địa, hãng sẽ khai thác 13 đường bay mới từ Hải Phòng, Vinh, Cần Thơ. Hiện Vietnam Airlines có 63 đường bay nội địa.
Các kế hoạch về dòng tiền được doanh nghiệp xây dựng theo phương án được Chính phủ cho vay 12.000 tỷ đồng. Theo đó, dư tiền cuối kỳ của công ty mẹ dự kiến là 397 tỷ đồng. Hệ số nợ phải trả/vốn chủ sở hữu là 16,63 lần, so với 2,72 lần của năm 2019.
Kiến nghị Chính phủ cho vay 12.000 tỷ đồng với thời hạn 3 năm xuất phát từ việc dòng tiền thâm hụt tính đến giữa tháng 7 là 16.000 tỷ đồng. Hiện phương án giải ngân 12.000 tỷ đồng phù hợp với các quy định hiện hành đang được các bên liên quan thảo luận.
Kế hoạch kinh doanh trên được Vietnam Airlines xây dựng dựa trên thông tin giá dầu 5 tháng và kịch bản đưa ra bởi Reuter với ước tính giá nhiên liệu cả năm là 46,6 USD/thùng. Tỷ giá USD bình quân dự kiến cả năm là 23.484 VND/USD.
Sẽ không trả cổ tức năm 2019
Cũng theo báo cáo, ban lãnh đạo của hãng cho biết vẫn sẽ thực hiện dự án đầu tư 50 máy bay thân hẹp giai đoạn 2021-2025 và trình ĐHCĐ chủ trương bán 9 máy bay A321 CEO.
Đây đều là những máy bay có tuổi thọ hơn 12-13 năm với 6 máy bay dự kiến bán theo kế hoạch, còn 3 chiếc dự kiến đẩy sớm. Doanh nghiệp cũng dự phòng phương án thực hiện nghiệp vụ sales & leaseback (bán và thuê lại) cho 3 máy bay này nếu hiệu quả tài chính cao hơn.
Do khó khăn vì dịch Covid-19 ảnh hưởng nghiêm trọng tới dòng tiền, Vietnam Airlines cho biết sẽ không chia cổ tức 2019 cho cổ đông. |
Về kế hoạch đầu tư, công ty dự kiến chi 406 tỷ đồng cho kế hoạch đầu tư năm nay với 74% dành cho kế hoạch thực hiện đầu tư 23 dự án chuyển tiếp từ năm 2019.
Vietnam Airlines cũng dự trình việc không chia cổ tức năm 2019 cho cổ đông.
Thứ nhất, do dòng tiền rơi vào tình trạng thâm hụt ngay từ đầu tháng 2 khiến công ty không có nguồn tiền để trả cổ tức. Việc không chi trả cổ tức nhằm đảm bảo dòng tiền và cân đối tài chính cho hoạt động kinh doanh năm 2020 và các năm tiếp theo.
Thứ hai, công ty đang đàm phán với Tổ chức tín dụng xuất khẩu châu Âu và các ngân hàng trong và ngoài nước để gia hạn, giãn tiến độ thanh toán. Một trong những điều kiện tiên quyết để cho phép Vietnam Airlines giãn nợ là không chia cổ tức cho cổ đông.
Nhận định về những khó khăn kinh doanh trong năm tài chính 2019, theo Vietnam Airlines, tại thị trường quốc tế, hãng vấp phải sự cạnh tranh mạnh mẽ của các hãng hàng không giá rẻ khu vực, trong khi thị trường phát triển không như kỳ vọng.
Tại thị trường nội địa, doanh nghiệp tiếp tục vấp phải sự cạnh tranh từ hãng bay mới là Bamboo Airways cũng như Vietjet Air khiến số ghế cung ứng năm 2019 tăng 18%, các tháng cuối năm tăng 30% khiến thị trường rơi vào tình trạng thừa tải nghiêm trọng.
Đại hội đồng cổ đông thường niên 2020 sau nhiều lần trì hoãn dự kiến diễn ra vào ngày 10/8.