Ông Lưu Đức Khánh, Giám đốc điều hành Vietjet vừa ký văn bản trình Bộ trưởng Bộ GTVT xem xét chấp thuận cho Học viện Hàng không Vietjet được tiếp nhận tàu bay Boeing 727 -200 của hãng Royal Khmer Airlines về phục vụ công tác đào tạo huấn luyện chuyên ngành.
“Nếu được Bộ trưởng cho phép, Vietjet sẽ làm việc với các cơ quan hữu quan để xin được tiếp nhận, đền bù một phần chi phí và di dời, sử dụng tàu bay nói trên”, ông Khánh cho biết.
Học viện Hàng không Vietjet chính thức đi vào hoạt động từ năm 2018 và được Cục Hàng không Việt Nam phê chuẩn tự đào tạo và đủ năng lực đào tạo các chuyên ngành chính như: Phi công (trên buồng lái mô phỏng), kỹ thuật bảo dưỡng tàu bay, tiếp viên hàng không, điều độ, khai thác bay, nhân viên mặt đất…
Chiếc Boeing 727 - 200 bị bỏ rơi nhiều năm tại Nội Bài. |
Trong năm 2018, Học viện này đã tổ chức được 924 khóa huấn luyện ban đầu, định kỳ, nâng bậc cho 21.161 lượt học viên, trong đó có 20 lớp phi công với 297 học viên; 27 lớp tiếp viên mới với 541 học viên.
Vietjet cho rằng chiếc tàu bay Boeing 727- 200 của Royal Khmer Airlines bỏ quên tại sân bay Nội Bài nhiều năm nay là học cụ quý trong công tác đào tạo, huấn luyện các chuyên ngành hàng không đặc thù như: kỹ thuật bảo dưỡng tàu bay, phi công, tiếp viên hàng không…
Máy bay Boeing 727-200 từng thuộc sở hữu của Hãng hàng không Royal Khmer Airlines - Campuchia. Sau khi khai thác được vài chuyến bay trên chặng Siêm Riệp - Hà Nội thì gặp sự cố kỹ thuật và ngừng bay, đỗ lại sân bay quốc tế Nội Bài từ ngày 1/5/2007. Chiếc Boeing B727 bị “bỏ rơi” tại Nội Bài là loại máy bay hành khách dân sự có 3 máy phản lực đuôi đầu tiên trên thế giới, chở được tối đa 134 hành khách.
Trước đó, từng có doanh nghiệp muốn đổi hàng hóa lấy chiếc máy bay để làm quán cà phê, nhà hàng, địa điểm vui chơi... nhưng Cục Hàng không Việt Nam cho rằng không có cơ sở pháp lý để trao đổi máy bay bằng hàng hóa trị giá 3 tỉ đồng và từ chối.
Cục Hàng không Việt Nam cũng từng nhờ một doanh nghiệp thẩm định giá chiếc máy bay Boeing 727 bị bỏ rơi ở sân bay Nội Bài nhưng không thẩm định được giá vì không có căn cứ để thẩm định. Đến nay, sau 12 năm, Cục Hàng không Việt Nam vẫn chưa quyết định phương án xử lý máy bay bị bỏ rơi này.