Bạn có thể chuyển sang phiên bản mobile rút gọn của Tri thức trực tuyến nếu mạng chậm. Đóng

Vietjet Air muốn chào bán hơn 81 triệu cổ phiếu

Hãng bay dự kiến phát hành riêng lẻ tối đa 15% vốn điều lệ và phát hành trái phiếu quốc tế với tổng giá trị phát hành tối đa là 300 triệu USD.

Theo tài liệu họp Đại hội đồng cổ đông (ĐHĐCĐ) năm 2021 của Vietjet Air, Hội đồng quản trị của doanh nghiệp vừa đề xuất phương án tăng vốn điều lệ thông qua chào bán riêng lẻ cổ phần VJC giai đoạn 2021 - 2022. Số lượng chào bán tối đa tương đương 15% vốn điều lệ, tức là khoảng 81 triệu đơn vị cổ phiếu VJC.

Giá chào bán cụ thể sẽ do Hội đồng quản trị quyết định theo diễn biến thị trường chứng khoán nhưng không thấp hơn giá trị sổ sách theo báo cáo tài chính kiểm toán năm gần nhất. Tại ngày 31/12/2020, Vietjet có vốn chủ sở hữu trị giá 14.978 tỷ đồng trong khi số lượng cổ phiếu là 541,6 triệu đơn vị, tương đương với giá trị sổ sách khoảng 27.700 đồng/cổ phiếu.

Trong trường hợp đợt chào bán riêng lẻ diễn ra vào năm 2022, mức giá tối thiểu sẽ căn cứ theo báo cáo tài chính kiểm toán năm 2021. Kết thúc phiên giao dịch ngày 28/6, giá cổ phiếu VJC đang ở mức 115.500 đồng/cổ phiếu. Nếu phát hành theo mức giá này, Vietjet sẽ thu về khoảng 9.300 tỷ đồng.

vietjet chao ban co phieu anh 1

Vietjet Air mong muốn tăng vốn thông qua chào bán cổ phiếu cũng như chia sẻ dự định chào bán 300 triệu USD trái phiếu quốc tế. Ảnh: Khánh Huyền.

Hội đồng quản trị của doanh nghiệp sẽ quyết định danh sách nhà đầu tư, đáp ứng các tiêu chí là tổ chức, tập đoàn kinh tế hoặc quỹ đầu tư, nhà đầu tư tài chính trong và ngoài nước và các tổ chức có hoạt động trong lĩnh vực kinh doanh về công nghệ, logistic, dịch vụ, hàng không và/hoặc có khả năng hỗ trợ tài chính cho Vietjet.

Thời điểm chào bán cụ thể cũng sẽ do Hội đồng quản trị doanh nghiệp quyết định. Cổ phần được chào bán thành công sẽ bị hạn chế chuyển nhượng tối đa 3 năm kể từ ngày chào bán.

Phương án chào bán này cần phải được đại hội cổ đông thường niên tổ chức ngày 29/6 tới đây thông qua trước khi có hiệu lực thi hành.

Theo Vietjet, đợt chào bán cổ phần này nhằm giúp doanh nghiệp có thêm vốn chủ sở hữu, phục vụ các mục đích như mở rộng đầu tư tài sản, tàu bay, động cơ, phụ tùng máy bay và các tài sản khác; đầu tư mở rộng kinh doanh dịch vụ hàng không, đầu tư tài chính; đầu tư phát triển hạ tầng hàng không, xây dựng cơ cở vật chất, nhà xưởng sửa chữa máy bay, các dự án công nghệ tài chính, ví điện tử; tăng quy mô vốn hoạt động thông qua việc đầu tư, góp vốn vào công ty con, công ty liên doanh, liên kết và bổ sung nguồn vốn hoạt động kinh doanh chung của Vietjet.

Ngoài kế hoạch chào bán cổ phiếu riêng lẻ, Vietjet còn dự định phát hành tối đa 300 triệu USD trái phiếu quốc tế niêm yết trên Sở Giao dịch chứng khoán Singapore. Người sở hữu trái phiếu có quyền chọn nhận cổ phiếu VJC, trong khi giá và tỷ lệ thực hiện quyền chọn chưa được xác định.

Kể từ đầu năm 2021, Vietjet Air đã phát hành hai đợt trái phiếu trong nước, huy động tổng cộng 2.000 tỷ đồng. Quý I, Vietjet Air ghi nhận doanh thu thuần 4.048 tỷ đồng và lợi nhuận sau thuế đạt 123 tỷ đồng.

Vietnam Airlines, Vietjet và Bamboo Airways nợ ngắn hạn 36.000 tỷ đồng

Số liệu từ Hiệp hội Doanh nghiệp Vận tải Hàng không Việt Nam (VABA) cho thấy áp lực nợ tiếp tục đè nặng lên các hãng bay.

Ngô Minh

Bạn có thể quan tâm