Không lâu sau khi VietinBank thông báo chốt ngày đăng ký cuối cùng để cổ đông nhận cổ tức tiền mặt từ phần lợi nhuận sau thuế năm 2020, cả Vietcombank và BIDV đều đã có thông báo tương tự gửi tới các cổ đông ngân hàng.
Cụ thể, HĐQT BIDV đã chốt ngày 24/12 là ngày đăng ký cuối cùng để cổ đông nhận cổ tức tiền mặt của ngân hàng với tỷ lệ 2%/cổ phiếu (1 cổ phiếu nhận về 200 đồng). Theo kế hoạch, ngày thanh toán sẽ là 24/1/2022, nguồn vốn chi trả được lấy từ lợi nhuận sau thuế, sau trích quỹ của năm 2020 để lại.
Với hơn 4,022 tỷ cổ phiếu đang lưu hành, dự kiến nhà băng này sẽ phải chi hơn 800 tỷ đồng để hoàn tất việc chi trả cổ tức tiền mặt này cho các cổ đông.
Ngoài kế hoạch trả cổ tức tiền mặt này, BIDV cũng cho biết đã nhận được văn bản chấp thuận của Ngân hàng Nhà nước cho phép ngân hàng tăng vốn điều lệ thêm tối đa hơn 10.365 tỷ đồng.
Việc tăng vốn sẽ được thực hiện qua phát hành cổ phiếu trả cổ tức từ nguồn lợi nhuận sau thuế chưa phân phối đến năm 2019 và lợi nhuận sau thuế, sau trích quỹ và cổ tức tiền mặt năm 2020.
Vietcombank dự kiến chi hơn 4.450 tỷ đồng để trả cổ tức tiền mặt cho các cổ đông đợt này. Ảnh: Nam Khánh. |
Với tỷ lệ chi trả 25,77% (cổ đông sở hữu 100 cổ phiếu nhận thêm 25,77 cổ phiếu mới), BIDV sẽ phát hành gần 1,036 tỷ cổ phiếu mới để trả cổ tức cho cổ đông. Thời gian phát hành dự kiến trong năm nay hoặc năm sau.
Nếu hoàn tất đợt phát hành này, vốn điều lệ của BIDV sẽ tăng lên hơn 50.585 tỷ đồng và trở thành ngân hàng có vốn điều lệ cao nhất thị trường.
Tương tự, HĐQT Vietcombank mới đây cũng đã phê duyệt kế hoạch chia trả cổ tức năm 2019-2020 bằng cả tiền mặt và cổ phiếu với tổng tỷ lệ 39,6%.
Trong đó, Vietcombank sẽ chia cổ tức tiền mặt cho phần lợi nhuận sau thuế năm 2020 với tỷ lệ 12% (1 cổ phiếu nhận về 1.200 đồng), ngày chốt danh sách cổ đông nhận cổ tức là 23/12 và ngày thanh toán là 5/1/2022.
Với hơn 3,7 tỷ cổ phiếu VCB đang lưu hành, nhà băng này sẽ dành khoảng 4.450 tỷ đồng lợi nhuận sau thuế chưa phân phối để thanh toán cho các cổ đông.
Bên cạnh đó, Vietcombank cũng sẽ phát hành hơn 1 tỷ cổ phiếu mới để trả cổ tức cho phần lợi nhuận sau thuế chưa phân phối đến năm 2019 và phần lợi nhuận còn lại của năm 2020. Tỷ lệ phát hành này tương đương 27,6%, và mỗi cổ đông sở hữu 100 cổ phiếu VCB sẽ nhận thêm 27,6 cổ phiếu mới.
Sau phát hành, vốn điều lệ của Vietcombank cũng sẽ tăng lên hơn 47.000 tỷ đồng.
VỐN ĐIỀU LỆ CÁC NGÂN HÀNG THEO KẾ HOẠCH ĐÃ CÔNG BỐ | ||||||||
Nguồn: BC NH; Tổng hợp | ||||||||
Nhãn | BIDV | VietinBank | Vietcombank | VPBank | MBBank | Techcombank | Agribank | |
Vốn điều lệ | tỷ đồng | 50585 | 48058 | 47325 | 45057 | 37783 | 35049 | 30614 |
Đáng chú ý, đây là lần đầu tiên kể từ năm 2011, nhà băng này mới thực hiện chia cổ tức bằng cổ phiếu. Trước đó, Vietcombank thường xuyên chọn hình thức chia cổ tức bằng tiền mặt cho các cổ đông với tỷ lệ 7-8%/năm.
Trước đó, VietinBank đã thông qua nghị quyết về việc chi trả cổ tức năm 2020 bằng tiền mặt với tỷ lệ 8%/cổ phiếu, tương đương mức chi trả khoảng 3.845 tỷ đồng.
Như vậy, tổng số tiền 3 nhà băng quốc doanh dự kiến chi ra đợt này lên tới gần 9.100 tỷ đồng. Khoản tiền mặt này sẽ được trừ thuế và chuyển trực tiếp vào tài khoản giao dịch chứng khoán của các cổ đông sở hữu cổ phiếu VCB, BID và CTG.
Đáng chú ý, riêng Ngân hàng Nhà nước - đại diện sở hữu vốn Nhà nước tại 3 ngân hàng này - sẽ nhận về khoảng 6.459 tỷ đồng từ việc sở hữu đa số vốn tại đây. Cụ thể, hiện NHNN đang đại diện sở hữu gần 65% vốn tại VietinBank; 75% vốn tại Vietcombank và 81% vốn tại BIDV.
Ngoài ra, các cổ đông chiến lược của nhóm nhà băng này cũng sẽ nhận về hàng trăm tỷ đồng tiền mặt. Bao gồm, cổ đông chiến lược của VietinBank - The Bank of Tokyo Mitsubishi UFJ - với gần 20% vốn nắm giữ sẽ nhận về khoảng 760 tỷ; KEB Hana Bank - cổ đông chiến lược của BIDV - nhận khoảng 120 tỷ từ 15% vốn; và Mizuho Bank tại Vietcombank nhận khoảng 667 tỷ với tỷ lệ sở hữu tương tự.