Ngân hàng Nhà nước vừa có thông báo chấp thuận đề nghị tăng vốn điều lệ của Ngân hàng TMCP Công thương Việt Nam – VietinBank (CTG).
Theo đó, cơ quan quản lý tiền tệ đồng ý để nhà băng này thực hiện tăng vốn điều lệ từ 37.234 tỷ đồng hiện nay lên 48.058 tỷ đồng theo phương án phát hành cổ phiếu trả cổ tức từ lợi nhuận sau thuế, sau trích lập các quỹ năm 2017-2018 và phần lợi nhuận còn lại năm 2019 sau trích quỹ và chia cổ tức tiền mặt.
Sau khi hoàn tất các thủ tục theo quy định pháp luật về phát hành cổ phiếu để tăng vốn điều lệ, VietinBank phải có trách nhiệm trình NHNN hồ sơ đề nghị sửa đổi mức vốn điều lệ tại Giấy phép theo quy định.
Như vậy, sau gần 2 tuần từ khi HĐQT VietinBank ban hành nghị quyết phê duyệt phương án tăng vốn thông qua phát hành cổ phiếu để trả cổ tức và trình cơ quan Nhà nước có thẩm quyền phê duyệt, nhà băng này đã chính thức được chấp thuận kế hoạch tăng vốn.
Theo đó, ngân hàng sẽ phát hành thêm khoảng 1,08 tỷ cổ phiếu mới để trả cổ tức cho các cổ đông hiện hữu, tương đương tỷ lệ phát hành thêm là 29% (mỗi cổ đông sở hữu 100 cổ phiếu nhận về 29 cổ phiếu mới).
VietinBank đã được NHNN chấp thuận tăng vốn thông qua phát hành cổ phiếu trả cổ tức. Ảnh: Quỳnh Trang. |
Thông qua giao dịch, vốn điều lệ của ngân hàng dự kiến tăng thêm 10.823 tỷ đồng.
Thời gian phát dự kiến diễn ra trong quý III và IV năm nay, thời gian hoàn thành được thực hiện theo quy định tại giấy phép/chấp thuận của các cơ quan có thẩm quyền.
Sau thông tin này, giá cổ phiếu CTG của VietinBank đang ghi nhận mức tăng kịch biên độ ngày hôm nay gần 7%, hiện giao dịch ở mức 52.900 đồng/cổ phiếu. Bên cạnh đó, giao dịch cổ phiếu này hiện vẫn còn gần 1,2 triệu đơn vị dư mua tại mức giá trần này.
Tính từ đầu năm, thị giá CTG đã tăng một mạch từ 35.500 đồng/cổ phiếu lên vùng hiện tại, tương đương mức tăng ròng gần 50%. Còn nếu so với một năm trước, giá cổ phiếu này đã tăng tới 130%.
Theo lãnh đạo VietinBank, vốn điều lệ là cơ sở để xác định giới hạn đầu tư tài sản cố định, đầu tư góp vón, cơ sở xác định giới hạn cấp tín dụng… Do đó, việc tăng vốn điều lệ là điều kiện tiên quyết để đáp ứng nhu cầu mở rộng hoạt động kinh doanh của ngân hàng.
Diễn biến giá cổ phiếu VietinBank một năm gần đây. Nguồn: Tradingview. |
Bên cạnh đó, việc tăng vốn điều lệ cũng là yêu cầu cần thiết đối với VietinBank nhằm đáp ứng yêu cầu về tỷ lệ an toàn vốn tối thiểu theo chuẩn mức Basel II quy định tại Thông tư 41. Đồng thời, nâng cao mức độ tín nhiệm của ngân hàng theo đánh giá của các tổ chức xếp hạng tín nhiệm quốc tế.
Cũng theo kế hoạch đã được HĐQT ngân hàng đưa ra, sau khi hoàn tất tăng vốn lên trên 48.000 tỷ, VietinBank sẽ tiến hành chia cổ tức năm 2020 bằng tiền mặt với tỷ lệ 5% và cổ phiếu tỷ lệ 12,6%.
Với phương án này, ngân hàng dự kiến chi 2.400 tỷ đồng để trả cổ tức tiền mặt và hơn 6.000 tỷ đồng để trả cổ tức cổ phiếu. Sau chia, vốn điều lệ của ngân hàng sẽ tăng tiếp lên hơn 54.000 tỷ đồng, và trở thành ngân hàng có vốn điều lệ cao nhất hệ thống đến cuối năm 2021.
Năm nay, VietinBank dự kiến thu về 16.800 tỷ đồng lợi nhuận trước thuế riêng ngân hàng mẹ, tăng 2% so với năm 2020. Ngân hàng cũng dự kiến dùng toàn bộ số lợi nhuận này để chia cổ tức cho cổ đông bằng cả tiền mặt và cổ phiếu.