Theo dữ liệu cập nhật từ Sở Giao dịch Chứng khoán TP.HCM (HoSE), trong nhóm 10 mã chứng khoán có giá trị niêm yết lớn nhất thị trường hiện nay có tới một nửa là cổ phiếu ngân hàng.
Trong đó, Vietcombank vẫn là ngân hàng có quy mô vốn hóa lớn nhất thị trường chứng khoán Việt Nam với giá trị đến cuối ngày 7/5 đạt gần 360.000 tỷ đồng, tương đơng 7,67% vốn hóa thị trường sàn HoSE.
Đáng chú ý, trong nhóm 4 ngân hàng còn lại thuộc top 10 về giá trị vốn hóa, Techcombank đã vượt trên cả BIDV và VietinBank để trở thành ngân hàng lớn thứ 2 về chỉ số này.
Cụ thể, giá trị vốn hóa của Techcombank hiện đạt gần 165.000 tỷ đồng, tương đương hơn 7,1 tỷ USD và chiếm 3,51% tỷ trọng giá trị niêm yết sàn HoSE. Với giá trị vốn hóa này, Techcombank là doanh nghiệp có vốn hóa lớn thứ 6 trên sàn chứng khoán và lớn thứ 2 nếu tính riêng nhóm ngân hàng.
Đây là lần đầu tiên vốn hóa của ngân hàng tư nhân này vượt BIDV và VietinBank kể từ khi niêm yết vào tháng 7/2018.
10 DOANH NGHIỆP VỐN HÓA LỚN NHẤT SÀN HOSE | |||||||||||
Nguồn: HoSE | |||||||||||
Nhãn | Vingroup | Vietcombank | Vinhomes | Hòa Phát | Vinamilk | Techcombank | BIDV | VietinBank | PV Gas | VPBank | |
Giá trị niêm yết | tỷ đồng | 446480 | 359761 | 325237 | 201447 | 181826 | 164905 | 163495 | 163085 | 160772 | 151090 |
Tỷ trọng trên sàn HoSE | % | 9.52 | 7.67 | 6.93 | 4.29 | 3.88 | 3.51 | 3.48 | 3.48 | 3.43 | 3.22 |
Cùng với đà tăng của thị trường và nhóm cổ phiếu ngân hàng, cổ phiếu TCB cũng là một trong những mã tăng mạnh nhất trong vòng 6 tháng gần đây.
Trước tuần giao dịch gần nhất (4-7/5), thị giá TCB đã tăng một mạch từ vùng 20.000 đồng/cổ phiếu, lên vùng 41.000 đồng/cổ phiếu trong chưa đầy nửa năm, tương đương mức tăng ròng hơn 100% giá trị.
Trong tuần giao dịch gần nhất, trong khi VN-Index tăng chưa tới 1%, thì thị giá TCB đã tăng tới gần 18%. Hiện một cổ phiếu TCB được giao dịch với giá 47.050 đồng (cuối ngày 7/5). Nếu tính từ đầu năm 2021 đến nay, thị giá TCB cũng đã tăng trên 42%.
Điều này là nguyên nhân chính đẩy vốn hóa của ngân hàng tư nhân này vượt cả những “ông lớn” quốc doanh tại Việt Nam như BIDV (163.495 tỷ) và VietinBank (163.085 tỷ).
Tuy vậy, nếu so với Vietcombank, giá trị vốn hóa của Techcombank vẫn thấp hơn gần 55%, tương đương thấp hơn khoảng 200.000 tỷ đồng.
Tương tự các cổ phiếu ngân hàng khác, đà tăng của cổ phiếu TCB cũng đến một phần từ kết quả kinh doanh ấn tượng của ngân hàng trong năm 2020 và quý I/2021 vừa qua.
Diễn biến giá cổ phiếu TCB từ đầu năm 2021 đến nay. Nguồn: Tradingview. |
Trong năm liền trước, Techcombank đã thu về hơn 15.800 tỷ đồng lợi nhuận trước thuế, tăng 23% so với năm 2019, và là con số cao kỷ lục.
Trong năm nay, ban lãnh đạo ngân hàng tiếp tục đặt mục tiêu lợi nhuận tăng 25%, ước đạt 19.800 tỷ đồng.
Theo báo cáo tài chính quý I, ngân hàng này đã thu về 5.518 tỷ đồng lợi nhuận trước thuế sau 3 tháng đầu năm, tăng tương ứng 77% so với cùng kỳ năm trước. Kết quả này cũng hoàn thành 28% kế hoạch lợi nhuận cả năm ngân hàng đã đề ra.
Ngoài ra, đà tăng của cổ phiếu TCB còn đến từ tham vọng rất cụ thể của lãnh đạo ngân hàng, khi đặt mục tiêu tăng trưởng bình quân 20%/năm trong cả giai đoạn 2021-2025.
Nếu theo đúng kế hoạch, lợi nhuận trước thuế của Techcombank có thể vượt mức 1 tỷ USD vào năm 2022 và cán mốc 1,8 tỷ USD vào năm 2025. Ngân hàng này hiện cũng là tổ chức tín dụng duy nhất đặt mục tiêu tăng trưởng cụ thể cho từng năm trong giai đoạn 5 năm tiếp theo.
Kỳ vọng kể trên của lãnh đạo ngân hàng cũng đi kèm mức vốn hóa có thể đạt 20 tỷ USD vào năm 2025.
Nói với Zing, ông Jens Lottner, Tổng giám đốc Techcombank cho biết đây là mức vốn hóa kỳ vọng của ban lãnh đạo ngân hàng, nhưng quan trọng nhất là Techcombank phải duy trì được đà tăng trưởng bình quân 20%/năm với cả tổng thu nhập hoạt động và lợi nhuận trước thuế.
Tại mức vốn hóa 20 tỷ USD này, Techcombank sẽ trở thành một trong 10 ngân hàng lớn nhất khu vực ASEAN vào năm 2025.