Tiếp quản vị trí lãnh đạo cao nhất ban điều hành Techcombank từ tháng 8/2020, ông Jens Lottner đã có những chia sẻ liên quan kế hoạch phát triển ngân hàng trong giai đoạn từ nay đến 2025 với kỳ vọng đưa Techcombank trở thành một trong 10 ngân hàng thương mại quy mô nhất khu vực ASEAN.
- Trên thị trường, rất nhiều ngân hàng đang đẩy mạnh cho vay cá nhân mua nhà ở, mảng kinh doanh vốn là thế mạnh của Techcombank. Ngân hàng có chiến lược gì để giữ thị phần trong lĩnh vực này và lợi thế cạnh tranh của Techcombank là gì?
- Trước đây, Techcombank luôn là ngân hàng có ưu thế rất lớn trong lĩnh vực cho vay mua nhà thế chấp, nhưng hiện nay, các ngân hàng khác cũng đang cố gắng để bắt kịp chúng tôi trong mảng này. Tuy vậy, như ông Hồ Hùng Anh - Chủ tịch HĐQT - đã chia sẻ chiến lược của chúng tôi trong lĩnh vực này là rủi ro thấp nhưng mang lại lợi nhuận cao.
Để làm được điều này, chúng tôi phải hiểu rõ đối tác của mình là các chủ đầu tư, hiểu rõ rủi ro có thể gặp phải liên quan đến cả chủ đầu tư và khách mua nhà.
Ông Hồ Hùng Anh, Chủ tịch HĐQT Techcombank và ông Jens Lottner, Tổng giám đốc ngân hàng. Ảnh: TCB. |
Thực tế cho thấy, các chủ đầu tư rất quan tâm đến việc có thể bán những sản phẩm căn hộ, biệt thự nhanh ra thị trường với giá tốt nhất hay không. Chúng tôi không chỉ cho vay mà còn tham gia tư vấn cho các chủ đầu tư để họ có ưu thế trong hoạt động bán hàng này.
Về phía người mua, Techcombank nhận thấy dù nhu cầu mua nhà ở rất lớn, nhưng giá sản phẩm là một thách thức lớn với nhiều người. Vì vậy, chúng tôi lại đứng vai trò hỗ trợ người mua để họ có thể vay và mua các sản phẩm bất động sản với lãi suất phù hợp nhất.
Techcombank làm được điều này nhờ tỷ lệ CASA (tiền gửi không kỳ hạn) cao. Với điều kiện này, chi phí vốn của chúng tôi ở mức thấp hơn thị trường, nhờ vậy, lãi suất cho vay ra cũng có thể thấp tương ứng.
Ngoài ra, ngân hàng còn áp dụng công nghệ vào việc tìm hiểu khách hàng và đánh giá từng phân khúc khách hàng phù hợp với từng sản phẩm bất động sản chuyên biệt của các chủ đầu tư có hoạt động tín dụng với Techcombank.
Vai trò của tỷ lệ CASA
- Cả ông Hồ Hùng Anh và ông đều nhắc đến các chuỗi giá trị cho vay, ông có thể nói rõ hơn về khái niệm này?
- Mỗi một lĩnh vực kinh tế nhất định đều có một chuỗi giá trị đi kèm. Nhiệm vụ của chúng tôi là tìm hiểu xem có những chủ thể nào trong chuỗi giá trị đó, các chủ thể tương tác với nhau thế nào. Từ đó, chúng tôi đứng vai trò thúc đẩy sự tương tác giữa các chủ thể một cách nhanh nhất và hiệu quả nhất.
Ví dụ trong chuỗi giá trị bất động sản, một bên là chủ đầu tư và một bên là người mua nhà. Ngân hàng sẽ đóng vai trò kết nối 2 chủ thể này đến với nhau một cách thuận lợi và nhanh nhất thông qua các thông tin có sẵn và các sản phẩm tài chính chuyên biệt dành cho cả 2.
Tương tự với chuỗi giá trị hàng tiêu dùng nhanh, cũng có nhà cung cấp, nhà phân phối và người tiêu dùng cuối cùng. Ngân hàng cũng đóng vai trò kết nối giữa các chủ thế này.
Kết nối ở đây có thể là giữa doanh nghiệp và người tiêu dùng hoặc doanh nghiệp với doanh nghiệp, để từ đó, họ có thể làm việc với nhau một cách thuận lợi nhất. Điều này cũng giúp Techcombank có nhiều khách hàng hơn và cung cấp các sản phẩm tài chính hiệu quả hơn.
- Các chiến lược kể trên của ngân hàng đều được đưa ra với lợi thế từ nguồn vốn giá rẻ CASA. Nhưng hiện nhiều ngân hàng cũng đang đưa ra các chính sách để tăng hệ số này, Techcombank có kế hoạch gì để duy trì lợi thế đó?
- Trước giờ, Techcombank luôn duy trì được tỷ lệ CASA cao vì là ngân hàng đầu tiên đưa ra chương trình zero free, miễn phí chuyển khoản trên Internet banking và Mobile banking. Nhưng hiện nay, chúng tôi không còn là ngân hàng duy nhất nữa, nhiều nhà băng khác đã “copy” mô hình này rất nhanh.
CHỈ TIÊU CASA CỦA TECHCOMBANK HÀNG NĂM | |||||||
Nhãn | 2015 | 2016 | 2017 | 2018 | 2019 | 2020 | |
Số dư CASA | tỷ đồng | 29300 | 39400 | 41200 | 57800 | 79800 | 127900 |
Tỷ lệ CASA/Tổng tiền gửi | % | 20.6 | 22.7 | 24.1 | 28.7 | 34.5 | 46.1 |
Tuy nhiên, chúng tôi vẫn liên tục có các chính sách mới nhằm thu hút và giữ chân khách hàng như nâng cao trải nghiệm dịch vụ Internet và Mobile banking, chính sách khách hàng thân thiết, hoàn tiền 1% không giới hạn chi tiêu trên thẻ thanh toán… Đây đều là những chương trình rất thành công tại Techcombank.
Khi khách hàng tin tưởng và cảm thấy hài lòng với các giao dịch trên hệ thống của Techcombank, chúng tôi có thể giữ chân họ nhiều hơn. Khi họ giao dịch nhiều hơn, ngân hàng cũng có cơ hội để hiểu họ hơn về cả nhu cầu, hành vi, sở thích, thói quen…
Đương nhiên, điều này sẽ mất thời gian, nhưng chúng tôi đang đầu tư vào dữ liệu và năng lực phân tích dữ liệu. Từ đó giúp ngân hàng có những định vị khác biệt so với các đối thủ.
Trong 5 năm tới, chúng tôi dự kiến đầu tư 10.000 tỷ đồng vào phát triển công nghệ. Trong đó, chi phí thiết lập cơ sở hạ tầng dữ liệu mất khoảng 1.500 tỷ.
Chúng tôi muốn tạo ra sự khác biệt và vai trò dẫn đầu chứ không muốn tham gia các cuộc cạnh tranh về giá.
- Tuy nhiên, với tính chất không ổn định của tiền gửi không kỳ hạn, việc duy trì tỷ lệ CASA cũng có thể xem như con dao hai lưỡi nếu dòng tiền này rời khỏi Techcombank. Ngân hàng làm gì để hạn chế rủi ro này?
- Chúng ta biết rằng cá nhân, doanh nghiệp tại một thời điểm luôn có sự dư thừa về thanh khoản. Số dư này có thể được các cá nhân, doanh nghiệp dùng để gửi tiền hoặc lưu trữ ở các kênh khác nhau. Vì vậy, dòng tiền này chỉ chảy từ túi của người này sang túi người khác, chứ không hề mất đi khỏi nền kinh tế. Vấn đề là nó nằm ở đâu, tại túi của người dân, doanh nghiệp hay kênh cất trữ nào khác.
Vì vậy, chúng tôi tạo ra một nơi tin cậy để các chủ thể này khi có thanh khoản dư thừa sẽ chọn việc để vào tài khoản của Techcombank, phục vụ giao dịch hàng ngày của họ.
Số dư này có thể biến động nhanh theo ngày, có thời điểm lên cao, có thời điểm xuống thấp nhưng nếu tạo được niềm tin Techcombank sẽ có lợi thế để thu hút và giữ chân khách hàng.
Kỳ vọng vốn hóa đạt 20 tỷ USD vào năm 2025
- Với các kế hoạch tài chính kể trên, ban lãnh đạo Techcombank kỳ vọng vốn hóa ngân hàng có thể đạt 20 tỷ USD vào năm 2025, tức gấp hơn 3 lần hiện tại. Con số này liệu có khả thi?
- Đây là kỳ vọng của chúng tôi, nhưng quan trọng nhất là ngân hàng phải duy trì được đà tăng trưởng bình quân 20%/năm với cả tổng thu nhập hoạt động và lợi nhuận trước thuế. Ngoài ra, còn rất nhiều điều kiện khác về chỉ số tài chính.
Với một ngân hàng nhỏ và xuất phát điểm thấp, việc tăng trưởng 20%/năm không phải vấn đề. Tuy nhiên, với một ngân hàng đã lớn, vốn hóa khá cao như Techcombank, việc duy trì tốc độ tăng trưởng 20%/năm trong 4-5 năm liên tiếp không phải chuyện dễ.
Tuy vậy, với các điều kiện và lợi thế đang có, chúng tôi tin mình có thể làm được.
KẾT QUẢ KINH DOANH HÀNG NĂM CỦA TECHCOMBANK | |||||||||||
Lợi nhuận giai đoạn 2022-2025 dựa trên giả định tăng trưởng 20%/năm của lãnh đạo ngân hàng | |||||||||||
Nhãn | 2016 | 2017 | 2018 | 2019 | 2020 | 2021 kế hoạch | 2022 | 2023 | 2024 | 2025 | |
Lợi nhuận trước thuế | tỷ đồng | 3997 | 8036 | 10661 | 12838 | 15800 | 19800 | 23760 | 28500 | 34200 | 41000 |
Mức vốn hóa 20 tỷ USD cũng không phải con số tùy tiện mà tại đó nó sẽ giúp Techcombank trở thành một trong 10 ngân hàng lớn nhất khu vực ASEAN vào năm 2025.
Nó được đưa ra dựa trên những tính toán về vốn hóa hiện tại, và tăng trưởng bình quân mỗi năm. Trong giai đoạn này, nếu có những cú hích và điều kiện thuận lợi khác, vốn hóa có thể khác đi.
Tôi không muốn nói quá nhiều về con số vốn hóa thị trường, nếu đạt cao hơn thì tốt, nhưng với cương vị là người điều hành, chúng tôi tập trung nhiều vào đòn bẩy giá trị chứ không tập trung vào con số vốn hóa sẽ đạt được.
- Vậy còn kế hoạch kết nối dịch vụ tài chính với các cửa hàng tiện lợi để phát triển mô hình ngân hàng đại lý. Được biết, Techcombank có kế hoạch triển khai mô hình này cùng Masan, đến nay nó đã được thực hiện tới đâu, thưa ông?
- Chúng ta đều biết Ngân hàng Nhà nước có một định hướng quan trọng là tăng khả năng tiếp cận dịch vụ tài chính của mọi người, hay còn gọi là tài chính toàn diện.
Hiện nay, chúng ta thấy nhiều chủ tiệm tạp hóa với quy mô nhỏ có nhu cầu nhưng bị hạn chế tiếp cận dịch vụ ngân hàng. Đây là xuất phát điểm giải thích tại sao Techcombank lại có ý tưởng kết hợp với Masan, các cửa hàng tiện lợi Vinmart+ để cung cấp sản phẩm dịch vụ tài chính.
Thực tế, mô hình này đã được áp dụng tại nhiều nước trên thế giới, như Thái Lan với chuỗi cửa hàng tiện lợi 7-Eleven, Singapore cũng có mô hình tương tự.
Các cửa hàng tiện lợi sẽ đóng vai trò như một đại lý của ngân hàng trong việc cung cấp các sản phẩm tài chính cơ bản, đơn giản cho những người có nhu cầu, theo một cách tiện lợi với chi phí thấp nhất.
Tuy nhiên, đây mới chỉ là ý tưởng sơ khai. Hiện chúng tôi đang tìm hiểu và phân tích, thí điểm ở cấp độ hạn chế. Sau này nếu ý tưởng đó phát huy tác dụng, ngân hàng sẽ nhân rộng.
Đồng thời chúng tôi cũng đang phải xin ý kiến và hướng dẫn của NHNN về vấn đề này vì tại Việt Nam, đây vẫn là lĩnh vực khá mới.
- Cảm ơn ông!