Bạn có thể chuyển sang phiên bản mobile rút gọn của Tri thức trực tuyến nếu mạng chậm. Đóng

VietinBank muốn chốt số phận của dự án trụ sở tại Ciputra

Đến cuối quý I/2021, đã có 21 nhà đầu tư ký thỏa thuận bảo mật thông tin với VietinBank để tiếp cận hồ sơ và thẩm định dự án. Trong đó, 2 nhà đầu tư đã đề xuất tài chính sơ bộ.

Tại Đại hội đồng cổ đông thường niên năm 2021 sáng nay (16/4), ông Lê Đức Thọ, Chủ tịch HĐQT VietinBank đã có cập nhật mới nhất về quá trình tái cấu trúc dự án trụ sở mới VietinBank Tower trên khu đất rộng 3 ha tại khu đô thị Ciputra, Tây Hồ, Hà Nội.

Cụ thể, ông Thọ cho biết sau nhiều năm lỡ hẹn, ban lãnh đạo ngân hàng đang xem xét, đánh giá lại các phương án tài chính để việc xây dựng phương án chuyển nhượng và tái cơ cấu dự án VietinBank Tower.

Trong đó, ngân hàng đã tổ chức mời các nhà đầu tư tiềm năng thẩm định nhằm đánh giá nhu cầu, điều kiện của các nhà đầu tư để xây dựng phương án, quy trình chuyển nhượng phù hợp với thực tế của dự án và thông lệ thị trường.

Tính đến hết quý I/2021, đã có 29 nhà đầu tư quan tâm tới dự án trụ sở mới của ngân hàng. Trong đó, 21 nhà đầu tư đã ký thỏa thuận bảo mật thông tin để tiếp cận hồ sơ và thẩm định dự án.

Đặc biệt, ông Thọ cho biết hiện đã có 2 nhà đầu tư đề xuất tài chính sơ bộ và một số nhà đầu tư khác với kinh nghiệm và tiềm lực tài chính mạnh đang thẩm định để sớm đưa ra đề xuất tài chính.

VietinBank muon chot so phan du an tru so moi 3 ha tai Ciputra anh 1

Hiện trạng dự án VietinBank Tower của VietinBank tại khu đô thị Ciputra, Tây Hồ, Hà Nội. Ảnh: Sakiform.

Chia sẻ về lý do khiến quá trình tái cơ cấu dự án không hoàn thành đúng kế hoạch (cuối năm 2020), lãnh đạo VietinBank cho biết dịch Covid-19 bùng phát trong năm 2020 và việc áp dụng các biện pháp giãn cách xã hội dẫn tới gián đoạn quá trình làm việc với các nhà đầu tư.

Ngoài ra, dịch Covid-19 cũng làm thay đổi phương thức và nhu cầu sử dụng văn phòng làm việc, hoạt động thương mại, hội nghị, hội họp… dẫn tới điều chỉnh về chiến lược và kế hoạch đầu tư của một số nhà đầu tư trong, ngoài nước trong lĩnh vực bất động sản văn phòng, trung tâm thương mại…

“Đây là lý do VietinBank cần thêm thời gian để có thể hoàn thành được phương án tái cơ cấu dự án. Ngoài ra, ngân hàng cũng có kế hoạch xây dựng các phương án dự phòng trong một số trường hợp nhất định để đề xuất cổ đông phê duyệt, đảm bảo sớm hoàn thành và đưa công trình vào vận hành”, ông Thọ thông tin thêm.

Vị chủ tịch ngân hàng cũng nhấn mạnh quan điểm của VietinBank với dự án trụ sở mới là tiếp tục đầu tư để có trụ sở đủ tầm vóc với chiến lược phát triển của ngân hàng và phù hợp thông lệ quốc tế.

Ban lãnh đạo ngân hàng ưu tiên phương án tái cấu trúc theo hướng bán toàn bộ dự án và mua lại tòa nhà trụ sở nhưng phải đảm bảo hài hòa lợi ích chính đáng của các bên. Trong đó bao gồm chủ đầu tư hiện tại là VietinBank, chủ đầu tư mới nếu lựa chọn được, nhà thầu thi công, đã giao kết, nhà tư vấn, đối tác…

“VietinBank luôn giữ quan điểm tái cơ cấu dự án nhưng vẫn đảm bảo hài hòa lợi ích các bên liên quan và tuân thủ đúng quy định của pháp luật”, ông Thọ nhấn mạnh.

Dự án VietinBank Tower là dự án đầu tư xây dựng trụ sở mới được xây dựng trên khu đất gần 3 ha tại Khu đô thị Ciputra, Tây Hồ, Hà Nội. Theo phê duyệt, dự án bao gồm 2 tòa tháp 48 và 68 tầng, tổng vốn đầu tư 10.267 tỷ đồng.

Dự án được khởi công từ năm 2010 và dự kiến hoàn thành năm 2014, nhưng lỡ hẹn và rời đến năm 2018. Trong giai đoạn này, VietinBank cho biết ngân hàng gặp một số khó khăn về vốn đầu tư dự án nên phải tái cấu trúc.

VietinBank dự kiến lãi 16.800 tỷ đồng năm nay

Với kế hoạch tăng trưởng dư nợ tín dụng tối đa 7,5% theo phê duyệt của Ngân hàng Nhà nước, VietinBank dự kiến lợi nhuận trước thuế riêng ngân hàng mẹ năm nay sẽ đạt 16.800 tỷ đồng.

VietinBank muốn chia toàn bộ lợi nhuận năm 2021

Không công bố kế hoạch lợi nhuận cụ thể năm 2021 nhưng VietinBank dự kiến trình cổ đông kế hoạch chia cổ tức với toàn bộ phần lợi nhuận thu được năm nay.

Quang Thắng

Bạn có thể quan tâm