Đây là thông tin về kế hoạch kinh doanh của VietinBank 5 năm tới mới được SSI Research nêu trong báo cáo đánh giá về triển vọng đầu tư vào ngân hàng.
Theo kế hoạch năm nay, lãnh đạo VietinBank dự kiến tăng trưởng chỉ tiêu tài sản, tín dụng và huy động vốn lần lượt ở mức 1-3%; 4-8,5%; và 5-10% so với năm 2019.
Trong đó, Nghị định 121 đã tạo hành lang pháp lý hỗ trợ cho các ngân hàng quốc doanh như VietinBank huy động vốn và cải thiện tăng trưởng kinh doanh. Trong kế hoạch giai đoạn 2021-2023, ngân hàng này đặt mục tiêu tăng trưởng tín dụng 8%/năm, nằm giữa mức 10-11%/năm, tương ứng theo các kịch bản cẩn trọng và lạc quan nhất.
Theo đánh giá của SSI Research, do tập trung vào mảng ngân hàng tổ chức (chiếm tỷ trọng lớn nhất) có lợi suất thấp nên NIM (chênh lệch giữa thu nhập lãi và chi phí lãi) của VietinBank thấp hơn so với các ngân hàng cùng hệ thống.
Trong khi đó, đóng góp của các phân khúc khách hàng SME và cá nhân đang tăng lên nhưng ngân hàng mới chỉ hướng đến nhóm khách có rủi ro thấp và áp dụng yêu cầu cao về tài sản thế chấp.
Theo kế hoạch, VietinBank sẽ giảm khẩu vị rủi ro đối với khách hàng SME và cá nhân để cải thiện lợi suất tài sản sinh lời, trong khi vẫn duy trì yêu cầu về tài sản thế chấp. Ngân hàng này dự báo tăng trưởng tín dụng quý cuối cùng năm 2020 sẽ tăng nhanh hơn quý III liền trước với lãi suất cho vay ổn định đến nửa đầu năm 2021 để hỗ trợ khách hàng.
KẾT QUẢ KINH DOANH CỦA VIETINBANK | ||||||||
Nhãn | 2014 | 2015 | 2016 | 2017 | 2018 | 2019 | 9T2020 | |
Lợi nhuận trước thuế | tỷ đồng | 7303 | 7345 | 8454 | 8206 | 6559 | 11781 | 10364 |
Tăng trưởng cho vay khách hàng | % | 17 | 23 | 23 | 19 | 9 | 8 | 2 |
Ở chiều ngược lại, ngân hàng dự tính lãi suất huy động sẽ giảm 10-20 điểm % trong quý cuối năm, xuống mức thấp kỷ lục và giữ nguyên cho đến hết 6 tháng đầu năm sau. Tuy nhiên, VietinBank sẽ bị giảm khoảng 400 tỷ đồng thu nhập lãi từ các khoản vay tái cơ cấu do bị thoái thu.
Trong 3 năm tới, ngân hàng cũng ước tính tăng tỷ lệ tiền gửi không kỳ hạn xấp xỉ 30%/năm, nâng tỷ lệ CASA từ mức 17-18% hiện tại lên 20%.
Trong vòng 5 năm tới (2021-2025), kế hoạch lợi nhuận cần được Ngân hàng Nhà nước phê duyệt nhưng VietinBank ước tính tăng trưởng hàng năm sẽ vào khoảng 10-12%. Chỉ tiêu này dựa trên tăng trưởng tín dụng tối thiểu 8%/năm và thu nhập từ phí ngân hàng bán lẻ trong khi áp lực trích lập dự phòng giảm bớt.
Về chất lượng tài sản, nợ Nhóm 2 – Nợ cần chú ý và nợ xấu (nhóm 3-5) được ngân hàng ước tính tăng trong nửa cuối năm nay. Tuy nhiên, nhà băng này cũng có kế hoạch giảm tỷ lệ nợ xấu xuống dưới 1,5% tổng dư nợ cho vay vào cuối năm và chi phí dự phòng ước tính ở mức 12.000-13.000 tỷ (không đổi so với cùng kỳ).
Năm 2021, ước tính chi phí dự phòng sẽ ở mức 10.000-12.000 tỷ do chịu tác động kéo dài của Covid-19. Tuy nhiên, mục tiêu nợ xấu vẫn duy trì dưới 2%. Đồng thời, VietinBank cũng đặt kế hoạch ghi nhận 2.000-3.000 tỷ/năm thu từ nợ xấu đã xóa trong giai đoạn 2021- 2022.
VietinBank cho biết ngân hàng đã trích lập dự phòng đầy đủ đối với các khoản nợ xấu của các công ty liên quan đến Bộ Công Thương.
Một số dự án BOT gần đây gặp khó khăn do lưu lượng giao thông giảm dần vì đại dịch và vướng mắc về quy định giá, phí. Ngân hàng tin rằng Chính phủ sẽ giải quyết những vấn đề này và thu nhập từ các dự án BOT sẽ cải thiện.
Về kế hoạch tăng vốn, VietinBank đang trong quá trình hoàn thiện thủ tục để trả cổ tức bằng cổ phiếu cho năm 2017 và 2018 với tổng tỷ lệ 28,8%, cộng với cổ tức bằng tiền mặt cho năm 2019 là 5% trên mệnh giá. Cổ tức ước tính thanh toán vào tháng 12 năm nay hoặc chậm nhất là quý I/2021.
Theo ước tính từ SSI Research, lợi nhuận trước thuế năm 2020 và 2021 của VietinBank sẽ đạt lần lượt 10.800 tỷ (giảm 8,1%) và 15.500 tỷ đồng (tăng 43,1%).