Thúc đẩy thanh toán điện tử, hướng tới xã hội không tiền mặt, là xu hướng phát triển tất yếu trong bối cảnh của cuộc cách mạng công nghiệp 4.0, nhằm tạo ra tác động kép vừa thúc đẩy tăng trưởng kinh tế vừa hỗ trợ thực hiện chiến lược tài chính toàn diện.
Trong bối cảnh Ngân hàng Nhà nước (NHNN) cùng các bộ, ngành đang tập trung triển khai nhiệm vụ tại Nghị Quyết số 02/2019 của Chính phủ, hội thảo với chủ đề “Xã hội không tiền mặt: Chính sách và thực tiễn tại Việt Nam” có ý nghĩa khá quan trọng. Chương trình do Phó thủ tướng Vương Đình Huệ chỉ đạo trực tiếp, thu hút sự tham gia của nhiều đồng chí lãnh đạo các bộ, ngành và UBND TP.HCM.
Phó thủ tướng Chính phủ Vương Đình Huệ cùng Thống đốc NHNN Lê Minh Hưng và các đại biểu tham dự hội thảo. |
Theo Phó thống đốc NHNN Nguyễn Kim Anh, thanh toán không dùng tiền mặt tại Việt Nam đã có kết quả đáng ghi nhận trong năm 2018. Cụ thể, hệ thống thanh toán điện tử liên ngân hàng đã xử lý an toàn với giá trị 73 triệu tỷ đồng (gấp 13 lần GDP, xử lý khoảng 13 tỷ USD/ngày), tăng trưởng 25% so với năm 2017. Giá trị thanh toán qua thiết bị di động tăng trưởng 169,5% so với năm 2017.
Phó thống đốc NHNN Nguyễn Kim Anh phát biểu tại hội thảo. |
Khảo sát của PwC đối với 27 nước đã ghi nhận Việt Nam là thị trường tăng trưởng nhanh nhất về thanh toán di động trong năm 2018, với tỷ lệ người tiêu dùng thanh toán di động tăng từ 37% lên 61%.
Với phương châm lấy khách hàng làm trọng tâm, ứng dụng thành tựu của cuộc CMCN 4.0 làm nhân tố quyết định, NHNN Việt Nam định hướng xây dựng, sửa đổi, bổ sung hành lang pháp lý cho hoạt động ngân hàng nói chung và thanh toán nói riêng. Điều này nhằm đáp ứng yêu cầu đối với các mô hình kinh doanh và sản phẩm dịch vụ mới trên nền tảng công nghệ thông tin, trong đó tập trung vào ngân hàng số, thanh toán số.
Nội dung quan trọng khác được đưa ra tại hội thảo là xây dựng thành công hạ tầng thanh toán quốc gia, xử lý theo thời gian thực, vận hành 24/7, có khả năng kết nối, tích hợp và xử lý thanh toán cho tất cả đơn vị cung ứng hàng hóa, dịch vụ.
Hiện nay, các công nghệ mới, hiện đại trong thanh toán như áp dụng xác thực vân tay, nhận diện khuôn mặt, dùng mã phản hồi nhanh (QR Code), mã hóa thông tin thẻ (Tokenization), thanh toán phi tiếp xúc, công nghệ mPOS... đang được các ngân hàng nghiên cứu, hợp tác và ứng dụng.
Trong thời gian qua, Vietcombank cũng đã tích cực phối hợp với các cơ quan nhà nước đẩy mạnh triển khai thanh toán dịch vụ công. Kết quả, việc cung cấp dịch vụ công trực tuyến đạt mức độ cao nhất (mức độ 4), tạo thuận lợi tối đa cho phép người sử dụng thanh toán lệ phí (nếu có) thực hiện trực tuyến.
Là đơn vị đồng hành tổ chức hội thảo, bà Phùng Nguyễn Hải Yến - Phó tổng giám đốc Ngân hàng TMCP Ngoại thương Việt Nam, đã tham gia phiên thảo luận trong khuôn khổ sự kiện.
Phó tổng giám đốc Vietcombank Phùng Nguyễn Hải Yến (thứ 2 từ phải sang) giới thiệu và hướng dẫn Phó thủ tướng Vương Đình Huệ cùng các đại biểu tham quan gian hàng của VCB tại hội thảo. |
“Ở góc độ ngân hàng thương mại, Vietcombank đã chuẩn bị đầy đủ điều kiện để sẵn sàng đáp ứng cho việc mở rộng thanh toán dịch vụ công, từ các kênh thanh toán truyền thống đến hiện đại như QR Code, thanh toán không tiếp xúc…”, bà Yến cho hay.
Vừa qua, ngân hàng này đã phối hợp triển khai thanh toán dịch vụ hành chính công cho tỉnh Quảng Ninh với hơn 1.300 dịch vụ công trực tuyến và hàng nghìn loại thuế phí, dán mã QR Code tại các cơ quan hành chính tại Quảng Ninh. Nhà băng này cũng đang phối hợp với các tỉnh, thành khác trên toàn quốc để mở rộng mô hình trên.
Cũng tại hội thảo, đại diện VCB đã đề xuất một số giải pháp nâng cao hiệu quả trong cung ứng thanh toán dịch vụ công.
Cụ thể, các đơn vị hành chính công cần có sự vào cuộc của địa phương trong việc sẵn sàng về cơ sở dữ liệu, hạ tầng kỹ thuật, kết nối với hệ thống thanh toán của ngân hàng; xây dựng lộ trình đưa danh mục dữ liệu lên mức độ 3, 4 để tiến tới việc triển khai thanh toán không dùng tiền mặt đối với các dịch vụ công. Bên cạnh đó, việc đẩy mạnh tuyên truyền cho doanh nghiệp và khuyến khích người dân có thói quen sử dụng các dịch vụ thanh toán không dùng tiền mặt cũng là việc làm cần thiết.
Thống đốc NHNN Lê Minh Hưng cùng đại diện BTC tặng kỷ niệm chương cho đại diện các đơn vị đã tham gia và đồng hành cùng hội thảo. |
Về phía cơ quan quản lý nhà nước, cần ưu tiên rà soát và ban hành các văn bản liên quan để hoàn thiện hành lang pháp lý cho việc thanh toán dịch vụ công trực tuyến qua ngân hàng: Định danh khách hàng, chứng từ hóa đơn điện tử…