Với giá trị thị trường đạt ngưỡng 10,9 tỷ USD, chỉ trong vòng 5 năm, giá trị của Vietcombank đã tăng gần 3 lần so với thời điểm 2015 - năm bắt đầu bước vào giai đoạn tái cơ cấu 2016-2020.
Các thương hiệu tại bảng xếp hạng được Forbes đánh giá bằng cách tính toán vai trò đóng góp của thương hiệu vào hiệu quả kinh doanh. Những thương hiệu giá trị nhất là thương hiệu đạt mức doanh thu lớn trong các ngành mà họ đóng vai trò chủ đạo.
Việc thu thập số liệu của các doanh nghiệp dựa trên báo cáo tài chính của các công ty, dữ liệu trên thị trường chứng khoán.
Chỉ trong vòng 5 năm, giá trị của Vietcombank đã tăng gần 3 lần so với thời điểm 2015, đạt ngưỡng 10,9 tỷ USD. |
Tài chính ngân hàng là ngành đứng đầu thế giới hiện nay, đóng góp 453 công ty, tương đương 1/5 danh sách Global 2000. Danh sách Global năm 2019 cũng ghi nhận doanh thu hàng năm hơn 40.000 tỷ USD, và chiếm 186.000 tỷ USD trong tổng tài sản toàn cầu của các doanh nghiệp.
Đặc biệt, vào năm 2016, danh sách Global 2000 ghi nhận sự góp mặt của Vietcombank cùng hai ngân hàng nội địa khác. Chỉ đứng thứ ba với thứ hạng 1.843 cùng doanh thu 1,8 tỷ USD và thị giá 5,5 tỷ USD, nhưng xét về thị giá của cả 3 ngân hàng, tổng giá trị thị trường của 2 ngân hàng còn lại vẫn chưa bằng Vietcombank (2,8 tỷ USD và 2,6 tỷ USD).
Tiếp đó, giai đoạn 2016-2018 cũng là quãng thời gian chứng kiến Vietcombank quyết liệt và bài bản hơn để hiện thực hoá vị trí số 1 trong hệ thống ngân hàng nội địa.
Mới đây nhất, danh sách 50 công ty niêm yết tốt nhất năm 2019 do Forbes Việt Nam xếp hạng lựa chọn các công ty có kết quả kinh doanh tốt nhất, đang niêm yết tại Sở giao dịch TP.HCM (HSX) và Sở giao dịch Hà Nội (HNX) cho thấy Vietcombank là đại diện duy nhất trong các tổ chức tín dụng quy mô lớn mà Nhà nước giữ cổ phần chi phối, liên tiếp có mặt trong danh sách bình chọn suốt 7 năm qua.
Năm qua, Vietcombank soán ngôi một tập đoàn lớn, trở thành nhà quán quân về lợi nhuận sau thuế khi tăng trưởng 60%. Con số lợi nhuận của riêng Vietcombank thậm chí cao hơn 2.000 tỷ đồng so với tổng lợi nhuận của cả 2 ngân hàng tiếp theo cộng gộp. Vượt qua các tên tuổi lớn, Vietcombank trở thành doanh nghiệp có vốn hóa lớn nhất thị trường với trên 10 tỷ USD.
Năm 2018 đồng thời là năm đánh dấu việc Vietcombank là ngân hàng Việt Nam duy nhất có mặt trong top 30 ngân hàng mạnh nhất khu vực châu Á - Thái Bình Dương, theo xếp hạng của The Asian Banker. Liên tục trong nhiều năm trở lại đây, Vietcombank được The Asian Banker đánh giá là “Ngân hàng có bảng cân đối tài chính mạnh nhất Việt Nam”.
Kể từ sau khi cổ phần hóa, 2018 cũng là năm đầu tiên Vietcombank đưa tỷ lệ nợ xấu về dưới 1% (0,97%), với dư nợ xấu nội bảng khoảng 6.181 tỷ đồng. Quỹ dự phòng rủi ro ở mức 10.490 tỷ đồng, tỷ lệ bao phủ nợ xấu nội bảng là 169,7% - cao nhất ngành ngân hàng. Các chỉ số ROAA, ROAE lần lượt đạt 1,37% và 25,42%.
Là ngân hàng đầu tiên mua toàn bộ nợ xấu từ AMC về để xử lý và đưa nợ xấu về một sổ trước 2 năm so với kế hoạch, Vietcombank cũng là ngân hàng đầu tiên đáp ứng chuẩn mực Basel 2 theo thông tư 41 trước một năm so với quy định.
Năm 2018, Vietcombank đã khai trương chi nhánh ngân hàng ngoài lãnh thổ đầu tiên tại Lào. Đặc biệt, Vietcombank trở thành ngân hàng Việt Nam duy nhất đến lúc này đáp ứng những chuẩn mực khắt khe của thị trường Mỹ, trở thành ngân hàng Việt Nam đầu tiên được Cục dữ trữ liên bang Mỹ (FED) chấp thuận cho mở văn phòng đại diện tại Mỹ.
Vietcombank đang xúc tiến mạnh mẽ để hoàn tất thủ tục mở chi nhánh đầu tiên tại thị trường Australia. |
Vietcombank đặt mục tiêu năm 2020 sẽ đạt cán mốc lợi nhuận trước thuế 1 tỷ USD, dù ngân hàng đã điều chỉnh giảm kế hoạch lợi nhuận để chia sẻ với doanh nghiệp.
“Vietcombank sẽ tiếp tục giảm lãi suất cho vay đối với các doanh nghiệp theo hướng mở rộng ở các đối tượng doanh nghiệp đang sử dụng tổng thể các sản phẩm, dịch vụ của ngân hàng này, thay vì chỉ trong phạm vi 5 lĩnh vực ưu tiên được giảm trước đây”, ông Nghiêm Xuân Thành, Chủ tịch HĐQT Vietcombank cho biết.