Đây là thông tin được ông Phạm Quang Dũng, Chủ tịch HĐQT Ngân hàng TMCP Ngoại thương Việt Nam - Vietcombank (VCB) chia sẻ tại hội nghị tổng kết hoạt động kinh doanh năm 2021 diễn ra sáng nay.
Cụ thể, ông Dũng cho biết tính đến cuối năm 2021, tổng tài sản hợp nhất của Vietcombank ước đạt 1,7 triệu tỷ đồng, tăng 6,6% so với cuối năm 2020. Trong đó, dư nợ tín dụng đạt hơn 963.000 tỷ, tăng gần 15% so với đầu năm, số dư huy động vốn tăng trưởng phù hợp với nhu cầu sử dụng.
Về cơ cấu nợ, chủ tịch Vietcombank cho biết đến cuối năm qua, nợ nhóm 2 của ngân hàng chiếm 0,34% tổng dư nợ, tỷ lệ nợ xấu nội bảng ở mức 0,63% và được trích lập đầy đủ theo Thông tư 03/NHNN.
Đáng chú ý, ông Dũng cho biết hiện Vietcombank có tỷ lệ bao phủ nợ xấu nội bảng lên tới 424%, cao nhất toàn ngành. Điều này đồng nghĩa với việc cứ mỗi đồng nợ xấu nội bảng, Vietcombank đang dành hơn 4 đồng dự phòng.
Về kết quả kinh doanh, lãnh đạo nhà băng này không tiết lộ cụ thể con số lợi nhuận năm 2021 vừa qua nhưng khẳng định hoàn thành kế hoạch lợi nhuận và là ngân hàng có hiệu quả hoạt động tốt nhất.
KẾT QUẢ KINH DOANH CỦA VIETCOMBANK | |||||||||
Nhãn | 2014 | 2015 | 2016 | 2017 | 2018 | 2019 | 2020 | 2021 ước tính | |
Lợi nhuận trước thuế | tỷ đồng | 5843 | 6827 | 8523 | 11341 | 18269 | 23122 | 23050 | 25200 |
Năm 2021, Vietcombank đặt kế hoạch lợi nhuận trước thuế đạt 25.200 tỷ đồng, tăng 9% so với năm 2020.
Ngoài ra, số tiền ngân hàng đã nộp vào ngân sách Nhà nước năm vừa qua là gần 11.000 tỷ bao gồm tiền thuế phí, cổ tức.
Đến nay, Vietcombank là ngân hàng thương mại quốc doanh cuối cùng tuyên bố hoàn thành kế hoạch lợi nhuận năm 2021. Trước đó, cả VietinBank và BIDV đều thông tin về việc hoàn thành kế hoạch kinh doanh này nhưng cũng không tiết lộ số lãi cụ thể. Trong khi đó, lãnh đạo Agribank cho biết mức lợi nhuận trước thuế năm vừa qua là hơn 14.000 tỷ đồng, tăng 6%.
Ngoài kết quả kinh doanh kể trên, lãnh đạo Vietcombank cho biết đã trích tổng cộng 7.400 tỷ đồng lợi nhuận năm vừa qua để thực hiện giảm lãi suất cho vay với doanh nghiệp, người dân chịu ảnh hưởng bởi dịch bệnh Covid-19. So với năm 2020, số trích lợi nhuận này đã tăng gấp hai lần.
Hiện tại, Vietcombank cũng đã trích lập đủ với phần dư nợ cơ cấu do dịch Covid-19 theo Thông tư 01 trước 2 năm.
Trong năm 2022, Vietcombank đề xuất Ngân hàng Nhà nước cho phép giữ lại lợi nhuận để chia cổ tức bằng cổ phiếu nhằm mục đích tăng vốn điều lệ. Ngoài ra, nhà băng này cũng đề xuất có lộ trình tăng tỷ lệ sở hữu của nhà đầu tư nước ngoài từ 30% lên 35%.