Đây là thông tin được ông Phạm Đức Ấn, Chủ tịch Hội đồng thành viên Ngân hàng Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn Việt Nam - Agribank, chia sẻ trong thư gửi khách hàng, đối tác và cán bộ, người lao động ngân hàng năm 2022.
Cụ thể, chủ tịch Agribank cho biết tính đến cuối năm 2021, tổng tài sản của ngân hàng ước đạt 1,68 triệu tỷ, tăng 7,3% so với đầu năm.
Hai chỉ tiêu tài chính quan trọng nhất là huy động vốn và dư nợ tín dụng đạt lần lượt 1,56 triệu tỷ và 1,316 triệu tỷ đồng. So với cuối năm 2020, cả 2 chỉ tiêu này của Agribank đều tăng trưởng tích cực, lần lượt ở mức 7,5% và 8,5%.
Trong hơn 1,3 triệu tỷ đồng dư nợ cho vay của ngân hàng, có gần 70% là dư nợ phục vụ phát triển nông nghiệp, nông thôn và nông dân, chiếm tỷ trọng lớn nhất, hơn 36% tổng dư nợ cho vay trong lĩnh vực này toàn ngành.
Với các chỉ tiêu tài chính kể trên, Agribank cho biết đã thu về hơn 14.000 tỷ đồng lợi nhuận cả năm 2021, tăng 6% so với số thu năm 2020.
Chủ tịch Agribank cũng cho biết đã dành 7.000 tỷ đồng lợi nhuận năm 2021 để điều chỉnh giảm lãi suất, phí dịch vụ thanh toán hỗ trợ khách hàng gặp khó khăn do dịch Covid-19.
KẾT QUẢ KINH DOANH HÀNG NĂM CỦA AGRIBANK | ||||||||
Nguồn: BCTC NH | ||||||||
Nhãn | 2015 | 2016 | 2017 | 2018 | 2019 | 2020 | 2021 | |
LNTT | tỷ đồng | 3183 | 3881 | 4507 | 7345 | 13934 | 13203 | 14000 |
Như vậy, Agribank là ngân hàng quốc doanh thứ hai công bố kết quả kinh doanh sơ bộ năm 2021 với khoản lợi nhuận trước thuế tăng trưởng dương.
Trước đó, VietinBank cũng công bố kết quả kinh doanh năm 2021 với lợi nhuận trước thuế vượt kế hoạch đề ra (16.800 tỷ đồng).
Chia sẻ tại cuộc họp tổng kết của ngành ngân hàng mới đây, lãnh đạo BIDV cũng cho biết ngân hàng đã hoàn thành các chỉ tiêu kế hoạch đề ra trong năm 2021, tuy nhiên số liệu cụ thể không được ngân hàng tiết lộ.
Trên thị trường, Agribank hiện là một trong 4 ngân hàng quốc doanh có quy mô lớn nhất. Theo số liệu của Công ty Chứng khoán ACB (ACBS), Agribank hiện chiếm khoảng 13,1% thị phần tín dụng toàn ngành, xếp thứ 2 chỉ sau BIDV với 13,4% thị phần.
Tương tự, ở thị phần huy động vốn, nhà băng này cũng xếp thứ 2 với 13,7% tổng huy động vốn toàn thị trường, chỉ sau BIDV với 12,3%.
Tuy vậy, Agribank lại là ngân hàng duy nhất trong nhóm Big 4 chưa thể cổ phần hóa. Mới đây, NHNN đã có yêu cầu đẩy mạnh hoạt động cơ cấu lại, cổ phần hóa, thoái vốn trong ngành ngân hàng năm 2022. Trong đó, tập trung đẩy nhanh tiến độ cổ phần hóa doanh nghiệp Nhà nước đối với Agribank.
Theo báo cáo NHNN gửi Quốc hội, đến ngày 31/8/2021, Bộ Tài chính đã phê duyệt phương án sắp xếp đối với 2.094/2.174 cơ sở nhà, đất của Agribank.
Với 80 cơ sở nhà đất chưa được Bộ Tài chính phê duyệt, NHNN đã chỉ đạo, hướng dẫn Agribank rà soát lại để xây dựng, đề xuất phương án sắp xếp theo quy định nhằm đẩy nhanh tiến độ cổ phần hóa.