Đây là thông tin được ông Phạm Quang Dũng, Tổng giám đốc Vietcombank chia sẻ tại Đại hội đồng cổ đông thường niên năm 2021 diễn ra sáng nay (23/4).
Cụ thể, trả lời câu hỏi của cổ đông về dư nợ cho vay bất động sản hiện tại của ngân hàng, ông Dũng cho biết lĩnh vực bất động sản những năm qua luôn nằm trong nhóm lĩnh vực mà ngân hàng kiểm soát chặt chẽ.
“Trong các định hướng tín dụng theo ngành kinh tế hàng năm, bất động sản luôn được kiểm soát. Không chỉ kiểm soát định kỳ hàng năm, mà lĩnh vực này còn được kiểm soát định kỳ nhiều lần trong một năm”, ông Dũng nói.
Tính đến cuối năm 2020, dư nợ cho vay bất động sản đúng nghĩa – cho vay kinh doanh bất động sản – tại Vietcombank là trên 33.000 tỷ đồng. Theo vị tổng giám đốc, với tổng dư nợ cho vay đến cuối năm 2020 trên 840.000 tỷ đồng, tỷ lệ cho vay kinh doanh bất động sản tại ngân hàng không đáng ngại.
Còn nếu tính cả cho vay cá nhân để mua nhà, số dư nợ liên quan bất động sản tại Vietcombank hiện vào khoảng 230.000 tỷ đồng.
Tuy nhiên, ông Dũng cho biết danh mục cho vay cá nhân hiện nay của Vietcombank rất an toàn với tỷ lệ nợ xấu thấp và toàn bộ đều có tài sản bảo đảm giá trị cao.
DƯ NỢ CHO VAY THEO NGÀNH CỦA VIETCOMBANK | |||||||
Đến cuối năm 2020 | |||||||
Nhãn | Liên quan bất động sản | Thương mại, dịch vụ | Sản xuất và gia công chế biến | Xây dựng | Sản xuất phân phối điện, khí đốt và nước | Cho vay khác | |
tỷ đồng | 230000 | 202773 | 178521 | 71273 | 40333 | 116888 |
Với riêng các khoản vay mua nhà của cá nhân, tỷ lệ cho vay trên thu nhập người vay, tỷ lệ cho vay trên giá trị tài sản đảm bảo cũng được ngân hàng duy trì ở mức phù hợp để đảm bảo an toàn khoản vay.
Như vậy, đến cuối năm 2020, tổng dư nợ cho vay kinh doanh bất động sản chiếm khoảng 3,9% tổng dư nợ của ngân hàng, trong khi tỷ trọng nếu tính cả cho vay cá nhân để mua nhà vào khoảng 27,4%.
Cũng liên quan tới các khoản cho vay lĩnh vực bất động sản, ông Nghiêm Xuân Thành, Chủ tịch HĐQT Vietcombank cho rằng tỷ lệ cho vay kinh doanh bất động sản ở mức 3,9% tổng dư nợ của ngân hàng là không đáng ngại và 100% các khoản vay này đều có tài sản đảm bảo. Vì vậy, nợ xấu trong lĩnh vực bất động sản với Vietcombank là không đáng kể.
Vị chủ tịch ngân hàng cho biết thêm trong bối cảnh thị trường bất động sản đang sôi động hiện nay, với các tài sản đảm bảo có đầy đủ thủ tục pháp lý, định giá cho vay hợp lý thì gần như không phát sinh rủi ro. Nếu có khoản nợ xấu liên quan bất động sản, khả năng thu hồi cũng thuộc nhóm cao nhất.
Cập nhật về kết quả kinh doanh quý I/2021 của ngân hàng, ông Thành cho biết lợi nhuận trước thuế 3 tháng đầu năm của Vietcombank ước đạt trên 8.000 tỷ đồng, bao gồm cả phí trả trước từ hợp đồng bancassurance với FWD. So với cùng kỳ, lợi nhuận thu về quý này đã tăng 70%.
KẾT QUẢ KINH DOANH HÀNG QUÝ CỦA VIETCOMBANK | ||||||||||
Nhãn | I/2019 | II | III | IV | I/2020 | II | III | IV | I/2021 | |
Lợi nhuận trước thuế | tỷ đồng | 5878 | 5425 | 6309 | 5510 | 5222 | 5759 | 4983 | 7079 | 8000 |
Ngoài khoản phí trả trước từ đối tác, lợi nhuận kể trên của Vietcombank có được còn nhờ khoản tăng trưởng tín dụng 3,7% trong quý I, cao nhất trong hệ thống về doanh số cho vay tuyệt đối. Trong khi đó, tăng trưởng tín dụng chung toàn ngành quý vừa qua chỉ là 2,93%.
Với đà tăng trưởng như quý I, ông Thành và lãnh đạo Vietcombank cho rằng ngân hàng có thể đạt và vượt kế hoạch tăng trưởng lợi nhuận trước thuế 11% cho cả năm nay.
Cụ thể, năm 2021, Vietcombank đặt mục tiêu lợi nhuận trước thuế hợp nhất tăng 11% so với năm 2020, ước đạt 25.585 tỷ đồng. Trong đó, lợi nhuận trước thuế riêng ngân hàng mẹ là 25.000 tỷ đồng.
Lợi nhuận kể trên có được là nhờ kỳ vọng tổng tài sản cả năm tăng 5%. Trong đó, các chỉ tiêu huy động vốn từ nền kinh tế tăng xấp xỉ 7% và tín dụng tăng 10,5% (theo chỉ tiêu NHNN giao).
Ngoài ra, đóng góp vào số tiền lãi năm nay còn có khoảng 2.800 tỷ đồng từ hoạt động bảo hiểm. Trong đó, phí trả trước hạch toán năm nay là 1.700 tỷ và hoa hồng được chia từ việc bán độc quyền bảo hiểm nhân thọ cho FWD cả năm là 1.100 tỷ.