Như vậy, đợt giảm lãi suất của ngân hàng này sẽ được áp dụng trong vòng 3 tháng.
Theo lãnh đạo nhà băng, với các khách hàng doanh nghiệp bị thiệt hại nặng nề bởi dịch Covid-19, ngân hàng sẽ áp dụng giảm tới 10% số tiền lãi phải trả cho khoản vay phát sinh trong thời gian này. Còn với nhóm doanh nghiệp bị ảnh hưởng bởi đại dịch, Vietcombank giảm 5% số tiền lãi phải trong 3 tháng, thời hạn đến ngày 22/5.
Đối với khách hàng cá nhân, ngân hàng này cũng giảm lãi suất 0,2%/năm cho vốn vay phục vụ sản xuất kinh doanh. Tuy nhiên, nhóm được giảm lãi suất lần này không bao gồm các khoản dư nợ đang được áp dụng chính sách ưu đãi lãi suất của Vietcombank.
Theo tính toán của ngân hàng, tổng số khách hàng có thể được giảm lãi suất đợt này vào khoảng 105.000 khách với tổng tín dụng cho vay lên tới 350.000 tỷ đồng, tương đương hơn 40% dư nợ của Vietcombank.
Cuối tháng 12/2020, Vietcombank tuyên bố giảm 1%/năm lãi suất cho vay tiền VND với toàn bộ dư nợ hiện hữu và cho vay mới của khách hàng doanh nghiệp trong thời gian 3 tháng (áp dụng đến hết ngày 15/3/2021).
Nếu tính riêng năm 2020, nhà băng này có 5 đợt giảm lãi suất cho vay với người dân và doanh nghiệp chịu ảnh hưởng bởi dịch Covid-19 và thiên tai lũ lụt. Lãnh đạo ngân hàng cũng ước tính số tiền lãi mà ngân hàng cắt giảm để sử dụng cho 5 lần giảm lãi suất kể trên vào khoảng 3.700 tỷ đồng.
Vietcombank là ngân hàng đầu tiên giảm lãi cho vay quy mô lớn trong năm 2021. Ảnh: Hoàng Hà. |
Với việc giảm lãi suất cho vay từ nay đến 22/5, Vietcombank đang là nhà băng đầu tiên giảm lãi suất cho vay trên diện rộng với các khách hàng cá nhân và doanh nghiệp.
Tuy nhiên, với việc lãi suất huy động đã giảm đồng loạt tại nhiều nhà băng hồi đầu tháng 2 (trước kỳ nghỉ Tết Nguyên đán 2021), việc lãi suất cho vay giảm vào cuối tháng 2 là điều đã được nhiều chuyên gia dự báo trước.
Đặc biệt, trong bối cảnh dịch bệnh vẫn diễn biến phức tạp nhưng mục tiêu tăng trưởng tín dụng của các ngân hàng năm nay đều tương đương hoặc cao hơn năm 2020, nhiều nhà băng phải đẩy mạnh hoạt động cho vay ngay từ đầu năm.
Cuối năm 2020, nhiều ngân hàng lớn như BIDV, Agribank, SHB… tham gia vào việc giảm lãi suất cho vay với người dân và doanh nghiệp với từng gói tín dụng đặc thù, tổng dư nợ được giảm lãi suất lên tới hàng trăm nghìn tỷ đồng.
Trước đó, lãnh đạo một ngân hàng thương mại tư nhân cho biết việc các ngân hàng giảm lãi suất cho vay cuối năm 2020 và dự kiến tiếp tục vào đầu năm 2021 này chủ yếu nhằm mục đích đẩy mạnh tăng trưởng tín dụng.
Như tại Vietcombank, đợt giảm lãi suất cho vay trước đó của ngân hàng diễn ra ngay sau khi ngân hàng được Ngân hàng Nhà nước nới “room” tăng trưởng tín dụng từ 10% lên 14% cả năm.
“Việc tín dụng có dấu hiệu tăng nhanh những tháng gần đây cũng có nguyên nhân trực tiếp từ việc mặt bằng lãi suất cho vay ra có xu hướng giảm cùng thời gian. Nếu lãi suất cho vay cao quá, khách hàng không vay được thì các ngân hàng buộc phải giảm lãi để đẩy dòng vốn ra”, vị này nhấn mạnh.
Tuy nhiên, vị lãnh đạo ngân hàng này thừa nhận lãi suất cho vay không giảm nhanh và mạnh như lãi suất huy động.