Theo quyết định được Tổng giám đốc HNX chấp thuận, VietABank sẽ đăng ký giao dịch hơn 444,9 triệu cổ phiếu trên sàn UPCoM với mã chứng khoán VAB. Số cổ phiếu đăng ký giao dịch này tương ứng với vốn điều lệ 4.449 tỷ đồng của ngân hàng hiện nay.
Hiện tại, ngân hàng chưa chốt giá tham chiếu và ngày đăng ký giao dịch đầu tiên trên UPCoM.
Kế hoạch kể trên cũng là phương án đã được ban lãnh đạo ngân hàng trình và được cổ đông thông qua tại Đại hội đồng cổ đông thường niên 2021 diễn ra trước đó của VietABank.
Việc đưa cổ phiếu lên giao dịch trên sàn UPCoM được lãnh đạo ngân hàng kỳ vọng sẽ gia tăng thương hiệu, hình ảnh, đồng thời nâng cao khả năng tài chính cũng như minh bạch hóa thông tin của ngân hàng.
Lãnh đạo VietABank cũng kỳ vọng đây sẽ là tiền đề cho sự tăng trưởng của ngân hàng trong giai đoạn tiếp theo.
Nếu hoàn thành kế hoạch kể trên, VietABank sẽ trở thành ngân hàng thứ 27 đăng ký giao dịch hoặc niêm yết cổ phiếu trên sàn chứng khoán (HoSE, HNX và UPCoM). Trong đó, VAB là mã chứng khoán ngân hàng thứ 8 đăng ký giao dịch trên UPCoM.
GIÁ MỘT SỐ CỔ PHIẾU NGÂN HÀNG ĐANG GIAO DỊCH TRÊN UPCOM | ||||||||
Nhãn | KLB | ABB | BVB | PGB | NAB | SGB | VBB | |
Giá thị trường | đồng/cổ phiếu | 26200 | 23400 | 23100 | 22300 | 22300 | 19700 | 19100 |
Lợi nhuận trước thuế năm 2020 | tỷ đồng | 158 | 1403 | 201 | 212 | 1005 | 121 | 380 |
Trong hệ thống ngân hàng hiện nay, VietABank được xếp vào nhóm ngân hàng thương mại cổ phần quy mô nhỏ với tổng tài sản dưới 100.000 tỷ đồng, tương đương nhóm NCB, Vietcapital Bank, Kienlongbank…
Hiện cổ phiếu của nhóm ngân hàng này cũng phổ biến giao dịch trên UPCoM với giá thị trường trên dưới 20.000 đồng/cổ phiếu. Tuy nhiên, so với nhóm ngân hàng cùng quy mô đang giao dịch trên sàn chứng khoán, lợi nhuận của VietABank có phần khiêm tốn hơn.
Tính đến cuối năm 2020, ngân hàng có tổng tài sản cân đối với nguồn vốn đạt trên 86.500 tỷ đồng, tăng 13% so với năm 2019. Các chỉ tiêu tài chính quan trọng của ngân hàng gồm tiền gửi khách hàng đạt gần 59.300 tỷ, tăng 25% và cho vay khách hàng đạt 48.400 tỷ đồng, tăng 13,5% so với năm liền trước.
Cùng thời điểm, ngân hàng này có khoảng 1.112 tỷ đồng nợ xấu (nợ nhóm 3-5), tăng gấp đôi so với cuối năm 2019 và chiếm 2,3% tổng dư nợ cho vay. Trong năm 2019, tỷ lệ này của VietABank đạt khoảng 1,2%.
Với các chỉ tiêu tài chính kể trên, nhà băng này ghi nhận 407 tỷ đồng lợi nhuận trước thuế cả năm 2020, tăng 47% so với năm liền trước. Lợi nhuận sau khi trừ thuế Thu nhập doanh nghiệp là 332 tỷ đồng, cũng tăng tương ứng.
Đến cuối năm 2020, VietABank còn gần 1.000 tỷ đồng lợi nhuận sau thuế chưa phân phối. Tuy nhiên, ngân hàng đã có kế hoạch dùng nguồn tiền này để tăng vốn từ 4.450 tỷ đồng lên 5.400 tỷ thông qua việc phát hành 95 triệu cổ phiếu để trả cổ tức cho cổ đông, tương đương tỷ lệ 21,35%.
Năm nay, VietABank đặt mục tiêu lợi nhuận trước thuế đạt 658 tỷ đồng, tăng 62% so với năm liền trước. Các chỉ tiêu tài chính gồm tổng tài sản dự kiến tăng 12,2%, đạt 97.975 tỷ đồng, trong đó, huy động vốn tăng 9,1%, đạt 66.150 tỷ và dư nợ tín dụng tăng 15%, đạt 55.654 tỷ đồng.
Sau quý I, ngân hàng đã thu về 125 tỷ đồng lợi nhuận trước thuế, tăng 54% so với cùng kỳ năm trước và hoàn thành 19% kế hoạch cả năm.