Thời gian gần đây, nhà văn Trần Thanh Cảnh chuyển sang đề tài tiểu thuyết lịch sử. Với Đức Thánh Trần và mới đây là Trần Thủ Độ, ông đã đem đến cho bạn đọc những phát hiện mới mẻ, thú vị cùng cái nhìn trọn vẹn hơn về nhân vật lịch sử và thời cuộc.
Viết tiểu thuyết lịch sử rất kỳ công
- Tiểu thuyết lịch sử "Trần Thủ Độ” mới ra mắt được công chúng đón nhận. Ông có thể chia sẻ về ý tưởng và quá trình viết tiểu thuyết này?
- Sau khi viết xong cuốn Đức Thánh Trần, tôi cảm thấy khá mệt mỏi nên ngại viết tiếp tiểu thuyết lịch sử. Bởi, viết đề tài lịch sử phải đọc rất nhiều sách sử để tham khảo và trong quá trình viết lại luôn phải tra cứu tài liệu để có cái nhìn tương đối chính xác về các sự kiện đã diễn ra.
Thế nhưng, vào một ngày hè năm 2017, tôi cùng mấy người bạn đi chơi, vô tình rẽ vào thăm đồi Lim ở Tiên Du (Bắc Ninh) gần nhà tôi, thấy trên đỉnh đồi có ngôi đền thờ Thống quốc Thái sư Trần Thủ Độ. Một ông bạn đi cùng vốn giỏi chữ Nho đã dịch các bức đại tự, hoành phi, câu đối…
Có một cái bia đá cổ hầu như đã mờ tịt chữ, nhưng bằng linh cảm và dựa vào các nét chữ còn sót lại, ông bạn tôi đoán rất có thể tấm bia này có từ thời nhà Trần, thậm chí được lập ngay sau khi Trần Thủ Độ mất.
Tôi đứng trên đồi Lim thấy rưng rưng cảm động và thốt nhiên trong đầu nảy ý tưởng viết về cuộc đời vị thái sư tài ba lỗi lạc nhưng cũng để lại rất nhiều tranh cãi cho đến tận hôm nay.
Từ hôm đó, tôi đi sưu tầm, đọc nhiều tài liệu sử sách về Đức ông Trần Thủ Độ. Tôi đã đến tận đình Ngừ quê ông ở Hưng Hà, Thái Bình thắp hương.
Tôi đã lang thang trên mảnh đất Long Hưng, Hải Ấp khi xưa, ngắm ba con sông vây quanh: Sông Hồng, sông Thái Bình, sông Luộc để tưởng tượng quang cảnh khi nhà Trần khởi nghiệp từ đất này tiến về Thăng Long tham dự triều chính rồi lập triều đại Đông A vang lừng trong sử sách.
Cũng phải mất khá lâu đọc tài liệu, đi điền dã, tham khảo những câu chuyện huyền sử, rồi nghiền ngẫm mãi, tôi mới mở máy viết được những trang đầu tiên.
Thế nhưng, khi đã hình thành ý tưởng trong đầu, tôi lại viết khá nhanh. Từ tháng 6/2019 đến đầu năm 2020, tôi cơ bản hoàn thành bản thảo với hơn 82.000 chữ.
- Tiểu thuyết lịch sử “Đức Thánh Trần” gây hiệu ứng tốt khi những nhân vật lịch sử được miêu tả rất sống động, rất con người. Viết về những nhân vật lịch sử tầm vóc như thế, ông có cảm xúc gì?
- Khi viết về các nhân vật lịch sử lừng lẫy đã khẳng định được dấu ấn của mình với tầm vóc khổng lồ như Hưng Đạo Đại Vương Trần Quốc Tuấn, Thống Quốc Thái Sư Trần Thủ Độ, tôi có khá nhiều cảm xúc.
Khi bắt đầu viết, tôi đã phải nghiền ngẫm, đọc “nát sách” về họ. Tôi soi chiếu nhân vật của mình dưới nhiều góc nhìn và tôi tự cảm nhận được sự vĩ đại của họ. Từ một con người bằng xương bằng thịt, Trần Quốc Tuấn đã hiển thánh trong tâm thức của dân tộc Việt bằng công đức vẻ vang của mình.
Còn Trần Thủ Độ là nhân vật đa diện, phức tạp hơn. Đến nay, tranh cãi về ông vẫn không ngớt. Nhưng ở một góc độ nào đó, tôi là một hậu duệ của họ Trần.
Tiểu thuyết lịch sử Đức Thánh Trần của tác giả Trần Thanh Cảnh. |
Sau khi tìm hiểu kỹ về cuộc đời của những vị tiền nhân hiển hách, tôi cảm thấy tự hào. Tự hào vì dòng họ mình, nhân dân mình, đất nước mình đã sinh ra những con người vĩ đại đến như vậy. Những con người đã dám sống tận cùng với con người bản thể của mình.
Đã hành động tận hiến vì nhân dân, vì non sông Việt. Tôi bỗng cảm thấy mình như mắc một món nợ phải trả: Tôi phải viết về những bậc tiền nhân vẻ vang ấy.
Phải giải những điểm mờ của lịch sử về cuộc đời họ mà sử sách xưa hoặc là thất lạc, hoặc là được viết dưới quan điểm của Nho gia phong kiến nặng nề, đã đưa ra những nhận định thiên lệch dẫn đến người đời sau có nhận thức sai lệch về tiền nhân.
Vậy nên khi viết về các nhân vật này, cảm xúc trong tôi khá lẫn lộn: Có sự say mê khâm phục tự hào, cũng có sự tỉnh táo của lý trí để mổ xẻ, phân tích tâm lý nhân vật trong những cảnh huống cụ thể mà họ đối diện trong cuộc đời oanh liệt của mình. Tôi luôn nhìn họ như một con người với đầy đủ ái, ố, hỷ, nộ.
Nhưng trên hết, họ có “thiên mệnh” nào đó được đấng tối cao trao cho, nên trong những hoàn cảnh cụ thể họ sẽ phải hành động theo sự sắp đặt của thiên mệnh mà những kẻ hậu sinh cần hiểu họ, không phải chỉ là góc độ con người bình thường, mà còn là những vĩ nhân đã vượt ra khỏi cái bình thường của cuộc đời.
Vì vậy, có thể nói khi viết về các nhân vật này, đặc biệt là về nhân vật Trần Thủ Độ, cảm xúc của tôi rất khó tả. Tôi như được sống trong cuộc đời của họ. Yêu thương, buồn giận, căm thù, khinh ghét… cùng họ. Nên khi đóng cuốn sách lại, tôi phải mất khá nhiều thời gian để thoát ra khỏi những cảm xúc đó, trở về với đời sống thực tại.
Hãy đọc và tìm hiểu về nguồn cội lịch sử vẻ vang của dân tộc
- Chạm vào “giải thiêng”, một khuynh hướng sáng tác hậu hiện đại, nhà văn đi sâu khám phá bản chất người của nhân vật lịch sử, giúp công chúng có cái nhìn toàn diện hơn đối với những sự kiện, nhân vật lịch sử. Khi cầm bút viết về nhân vật lịch sử, ông ngại nhất điều gì?
- Khi viết, hầu hết nhà văn chẳng quan tâm việc mình viết theo khuynh hướng nào. Công việc sáng tác của nhà văn hầu như là vô thức. Khi thành tác phẩm thì nó là “hậu hiện đại” hay có “giải thiêng” một số điều là do sự tiếp nhận của bạn đọc và sự đánh giá của các nhà phê bình.
Nhưng nói thế không có nghĩa khi viết về các nhân vật lịch sử, tôi không có chủ kiến của mình. Ngay từ đầu, mặc dù không tâm niệm về ý đồ giải thiêng, tôi luôn đinh ninh rằng mình phải dùng con mắt của người hiện đại, có tri thức khoa học để nhìn nhận khách quan sự kiện, nhân vật lịch sử trong quá khứ.
Các sự kiện, các nhân vật đã làm nên lịch sử luôn là đối tượng để cho các nhà sử học đời sau nghiên cứu. Các sự kiện và nhân vật trong tiến trình lịch sử cũng luôn cần một độ lùi nhất định về không gian và thời gian, để hậu thế có nhiều góc nhìn soi chiếu vào mới đánh giá hết được tầm vóc.
Bởi thế, tôi luôn dùng con mắt của người thời nay để mổ xẻ, phân tích, nhận định… về các sự kiện, nhân vật mà sách của mình chạm đến.
Tôi quan niệm rằng phàm đã là con người, về cơ bản, bậc vĩ nhân hay kẻ thường dân cũng khá giống nhau. Thế nhưng, với các vĩ nhân, bởi trời phú cho họ những năng lực thiên bẩm nên trong những hoàn cảnh cụ thể, họ sẽ hành động vượt lên những cái thông thường.
Vì thế, họ mới ghi tên mình một cách chói lọi hay dữ dội vào sử sách. Chính vì có quan niệm ngay từ đầu rất rõ ràng nên tôi hầu như không có sự e ngại nào trên trang sách của mình.
- Ông có lần tiết lộ với bạn đọc là đang nung nấu viết tiếp về nhân vật lịch sử nhà Trần, đó là nhân vật Trần Nguyên Hãn. Cơ duyên nào mà ông gắn bó với lịch sử đời Trần như thế?
- Nhà Trần lên ngôi năm 1225, đến năm 2025 tức là còn 5 năm nữa là kỷ niệm 800 năm thành lập vương triều Trần, một trong những triều đại vẻ vang nhất của nước Việt.
Thế nhưng, như một quy luật, triều đại nào cũng có khởi đầu, thịnh trị rồi suy vi kết thúc. Triều đình nhà Đông A cũng không nằm ngoài quy luật đó… Với tư cách là con cháu nhà Trần, tôi muốn viết nhiều, rất nhiều về cha ông mình.
Nhưng sức lực của mỗi người chỉ có hạn nên tôi tâm nguyện sẽ cố gắng viết về các nhân vật tiêu biểu của triều đại nhà Trần: Thời khai triều, đó là đức ông Trần Thủ Độ. Thời thịnh trị của nhà Đông A, đó là đức ông Hưng Đạo Đại Vương Trần Quốc Tuấn - Đức Thánh Trần.
Và thời mạt triều, đó là vị tướng quân Trần Nguyên Hãn, người đã góp công lớn cùng Lê Lợi đánh đuổi quân Minh. Tôi cho đó là ba nhân vật tiêu biểu cho lịch sử gần 200 năm của nhà Trần.
Hiện, tôi nung nấu về nhân vật Trần Nguyên Hãn. Tôi hy vọng cuốn sách này sẽ lập thành bộ ba tiểu thuyết lịch sử kỷ niệm 800 năm triều đại Đông A vẻ vang.
Tuy nhiên, sáng tác văn học là công việc không ai nói trước được điều gì. Tôi chỉ hy vọng mình có đủ cảm hứng, đam mê và động lực để có thể viết về Trần Nguyên Hãn.
- Đem đến cho bạn đọc những tác phẩm có giá trị về lịch sử, ông muốn nhắn gửi điều gì cho các thế hệ sau?
- Khi hai tiểu thuyết lịch sử: Đức Thánh Trần và Trần Thủ Độ ra đời, được đông đảo bạn đọc đón nhận, tôi rất vui. Bởi lịch sử nước Việt từ xưa đến nay có rất nhiều chiến công, những vị anh hùng vô cùng đáng ngưỡng mộ.
Tôi viết hai cuốn sách trên với tâm thế muốn truyền đến độc giả yêu quý của mình tình yêu mến, sự kính trọng với các vị anh hùng của dân tộc. Nhưng không phải chỉ như những vị thánh trên cao vợi mà như cả những con người thật của họ trong đời sống lịch sử đã diễn ra.
Tôi rất đỗi vui mừng khi cả hai cuốn sách được đón nhận nồng nhiệt bởi chứng tỏ có nhiều người chia sẻ, đồng cảm với tôi. Nhân đây tôi muốn nhắn gửi đến các thế hệ sau là hãy đọc và tìm hiểu về nguồn cội lịch sử vẻ vang của dân tộc Việt Nam, về những người anh hùng của dân tộc mình.
Hãy tự hào. Nhưng cũng từ cuộc đời, tấm gương của các nhân vật lịch sử quá khứ kia, hãy rút ra những bài học cho hiện tại. Và làm một điều gì đó, dù là nhỏ nhất góp phần thúc đẩy cho nước Việt Nam nhanh chóng được hùng cường, xứng đáng với quá khứ oai hùng của cha ông mình.