Bạn có thể chuyển sang phiên bản mobile rút gọn của Tri thức trực tuyến nếu mạng chậm. Đóng

Viết Tuyên ngôn Độc lập là lúc hạnh phúc nhất trong đời Hồ Chí Minh

Theo Đại tướng Võ Nguyên Giáp, niềm vui rạng rỡ hiện lên trên khuôn mặt Chủ tịch Hồ Chí Minh khi viết Tuyên ngôn Độc lập. Đó là những ngày vui nhất trong cuộc đời của Người.

Bản Tuyên ngôn Độc lập được Chủ tịch Hồ Chí Minh đọc trước công chúng tại quảng trường Ba Đình ngày 2/9/1945, khai sinh ra nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa. Câu chuyện Người soạn thảo bản tuyên ngôn lịch sử đọc trong ngày Quốc khánh được kể lại ở một số cuốn sách.

“Ông cụ ở dưới quê lên”

Những ngày Hồ Chí Minh tới ở căn nhà số 48 Hàng Ngang viết bản Tuyên ngôn Độc lập là những ký ức thiêng liêng cao quý với chủ nhà - bà Hoàng Thị Minh Hồ. Ký ức của bà Hồ được ghi lại trong cuốn Hồ Chí Minh và bản Tuyên ngôn Độc lập (NXB Thanh Niên).

Tháng 8/1945, bấy giờ mất mùa, đói kém trầm trọng. Người chết đói đầy đường, người ăn xin không đếm xuể. Một củ khoai củ sẵn giúp đỡ Cách mạng lúc này quý hơn bao giờ hết. Gia đình ông Trịnh Văn Bô - bà Hoàng Thị Minh Hồ đã góp rất nhiều của công cho cách mạng. 

Ho Chi Minh viet Tuyen ngon Doc lap nhu the nao anh 1
Căn nhà số 48 Hàng Ngang của gia đình ông bà Trịnh Văn Bô là nơi Bác Hồ viết Tuyên ngôn Độc lập. 

Một chiều cuối tháng 8 năm đó, Tổng bí thư Trường Chinh đến tìm gặp vợ chồng nhà tư sản Trịnh Văn Bô, rồi thông báo: “Anh chị thu xếp cho một phòng để chiều tối ta đón một ông cụ ở dưới quê lên”. Hai vợ chồng ông bà Bô thu dọn đồ đạc, lau sạch sẽ một căn phòng ở tầng 3 và chờ đợi “ông cụ ở dưới quê”.

6h tối hôm ấy, Tổng bí thư Trường Chinh cùng ba người đồng chí đến căn nhà số 48 Hàng Ngang. Bà Hồ chỉ biết hai trong số ba người là Trần Đăng Ninh và Lan Sơn. Người còn lại, Tổng bí thư Trường Chinh chỉ nói đó là “ông cụ ở dưới quê”.

Bà Hồ nhớ rất rõ hôm ấy, “ông cụ” mặc áo sơ mi, quần soóc nâu, đội mũ can bạc, chân đi dép có in hình con hổ màu trắng. Ông cụ cao gầy, trán ngời sáng, gương mặt sạm nắng nhưng dáng đi nhanh nhẹn đặc biệt có đôi mắt rất sáng.

Căn nhà số 48 phố Hàng Ngang của gia đình ông bà Trịnh Văn Bô làm nghề buôn bán lụa - một đại lý lớn bậc nhất miền Bắc. Từ khi các đồng chí chính quyền cách mạng trung ương đến ở, tầng 1 của căn nhà vẫn dùng để buôn bán.

Gia đình họ bố trí cho các đồng chí ở tầng 2, và tầng 3. Hàng ngày, để bồi dưỡng sức khỏe cho các đồng chí, bà Hồ lo liệu cơm nước chu đáo, đến đặt cơm ở các hiệu nổi tiếng như Hoa Kiều (Tây Nam, Hàng Buồm), Phú Gia (Lạc Xuân)… Những buổi họp  khuya, bà chủ động nấu cháo sẵn, đợi lúc các đồng chí nghỉ ngơi thì bưng vào. 

Ho Chi Minh viet Tuyen ngon Doc lap nhu the nao anh 2
Chủ tịch Hồ Chí Minh đọc bản Tuyên ngôn Độc lập. 

Có lần, 3 vị khách người Mỹ đến tìm gặp “ông cụ”. Bà Hồ thấy “ông cụ” nói tiếng Pháp, tiếng Anh rất sành, chẳng cần sử dụng thông ngôn.

Từ khi “ông cụ” đến ở, căn phòng làm việc ở gác hai luôn đỏ đèn rất khuya. Sau này, bà Hồ mới biết “ông cụ” đó chính là Bác Hồ, và những gì “ông cụ” viết là bản Tuyên ngôn Độc lập.

Ngày Độc lập 2/9, tại quảng trường Ba Đình, trong niềm xúc động khôn tả, bà Hồ nghĩ đến hình ảnh Bác những đêm ngồi đăm chiêu bên ngọn đèn dầu để thảo bản Tuyên ngôn.

“Tôi đâu có ngờ, ông cụ dáng cao gầy mà đêm đêm chong đèn thức đánh máy trong căn phòng tầng 2 nhà mình chính là Chủ tịch Hồ Chí Minh. Tôi đâu có ngờ bản Tuyên ngôn được thế giới biết đến, bản tuyên ngôn khai sinh ra nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa, mở ra kỷ nguyên mới cho dân tộc lại được ra đời trong những ngày sống đơn sơ và giản dị ở căn nhà này”, bà Hồ nhớ lại.

Những giờ phút hạnh phúc nhất trong đời Hồ Chủ tịch

Trong cuốn Những năm tháng không thể nào quên của Võ Nguyên Giáp (NXB Quân Đội Nhân Dân) cũng kể câu chuyện, hồi ức về sự kiện Chủ tịch Hồ Chí Minh viết Tuyên ngôn Độc lập.

“Anh chị chủ nhà ở phố Hàng Ngang đã dành cho chúng tôi tầng gác hai. Bác được mời lên tầng ba làm việc cho tĩnh. Nhưng Bác không thích ở một mình, cùng ở với chúng tôi”.

Tầng gác này vốn là phòng ăn và buồng tiếp khách nên không có bàn viết. Bác ngồi viết ở bàn ăn rộng thênh thang. Chiếc máy chữ của Bác đặt trên cái bàn vuông nhỏ, mặt bọc nỉ xanh kê ở góc buồng. Hết giờ làm việc, mỗi người kiếm một chỗ nghỉ luôn tại đó.  

Ngày 28 (28/8/1945), danh sách Chính phủ lâm thời được công bố trên các báo chí Hà Nội. Ban Thường vụ Trung ương Đảng đã quyết định ngày ra mắt của Chính phủ lâm thời cũng là ngày nước Việt Nam chính thức công bố giành quyền độc lập và thiết lập chính thể dân chủ cộng hòa.

Ngoài đường lối, chính sách của Chính phủ, phải chuẩn bị cả những lời thề để đưa ra trước nhân dân. Bác và Thường vụ trao đổi về một việc hệ trọng cần bắt tay vào làm ngay: thảo bản Tuyên ngôn Độc lập.

Trong căn buồng nhỏ của ngôi nhà nằm giữa một trong 36 phố phường cổ kính, Bác ngồi làm việc, khi thì viết, khi thì đánh máy.

Theo Đại tướng Võ Nguyên Giáp, những người giúp việc trong gia đình không biết ông cụ có cặp mắt sáng, chiếc áo nâu bạc thường để hở khuy ngực, hay hút thuốc lá, ngồi cặm cụi ở đó làm gì. Mỗi lần họ tới hỏi cụ có cần gì, cụ quay lại mỉm cười, chuyện trò đôi câu. Lần nào cụ cũng nói không có gì cần phải giúp đỡ.

Ho Chi Minh viet Tuyen ngon Doc lap nhu the nao anh 3
Ngày 2/9/1945 được coi là ngày Quốc khánh đầu tiên.

Trong sách Những năm tháng không thể nào quên, Đại tướng Võ Nguyên Giáp viết: “Một buổi sáng, Bác và anh Nhân gọi anh em chúng tôi tới.

Bản Tuyên ngôn lịch sử đã thảo xong, Bác mang đọc để thông qua tập thể. Như lời Bác nói lại sau này, đó là những giờ phút sảng khoái nhất của Người. Hai mươi sáu năm trước, Bác đã tới Hội nghị hòa bình Versailles, nêu lên những yêu cầu cấp thiết về dân sinh, dân chủ cho những người dân thuộc địa. Cả những yêu cầu tối thiểu đó cũng không được bọn đế quốc mảy may chấp nhận.

Người đã thấy rõ sự thật là không thể trông chờ ở lòng bác ái của các nhà tư bản. Người biết chỉ còn trông cậy vào cuộc đấu tranh, vào lực lượng của bản thân dân tộc mình.

Giờ phút này, Người đang thay mặt cho cả dân tộc hái quả của 80 năm đấu tranh. Bữa đó, chúng tôi thấy rõ niềm vui rạng rỡ trên khuôn mặt còn võ vàng của Người”.





Thu Hiền

Bạn có thể quan tâm