Năm 2013, tiến sĩ Giáp Văn Dương trở về Việt Nam sau hơn 10 năm học tập và làm việc tại nước ngoài. Giờ đây, sự quan tâm của nhà khoa học này không chỉ dành riêng cho vật lý.
Anh quyết định dấn thân vào một chặng đường mới và tập trung vào hoạt động trong lĩnh vực giáo dục. Cổng giáo dục trực tuyến theo hình thức MOOCs (Massive Open Online Courses) với tên gọi Giapschool là bước khởi đầu đầy mới mẻ và táo bạo.
Tiến sĩ Giáp Văn Dương mong muốn mang tới những phương pháp giáo dục mới mà ở đó người học chủ động và hào hứng hơn với việc lĩnh hội tri thức. Dành tâm huyết cho giáo dục, nhưng nhà khoa học trẻ này vẫn không quên đam mê với vật lý.
Bộ sách Trò chuyện khoa học 4.0 của anh là một “cuộc gặp gỡ” thú vị giữa hai niềm đam mê lớn. Vậy hành trình mang các công trình nghiên cứu đoạt giải Nobel đến với độc giả nhỏ tuổi có gì thú vị?
Giải Nobel không phải là điều quá cao siêu
- Các con của anh đều trở thành những nhân vật chính trong sách. Tác phẩm có phải là món quà đặc biệt mà anh muốn dành tặng 3 thiên thần của mình không?
- Nhiều người đã hỏi tôi câu hỏi này. Bộ sách này không phải là món quà mà tôi dành riêng cho các con mình. Tôi muốn gửi tặng chúng tới tất cả các bạn nhỏ ở lứa từ 9-14 tuổi, những đứa trẻ luôn tò mò và mong muốn được khám phá cả thế giới.
Tất nhiên, đặt câu chuyện trong bối cảnh gia đình với nhân vật chính là 3 đứa con đã tạo cho tôi nhiều thuận lợi. Bởi các con là những đứa trẻ mà tôi hiểu rõ nhất. Chính nhờ các con, tôi cũng hiểu được tâm lý của các bạn nhỏ khác. Từ đó, tôi tự đúc kết cho mình cách tiếp cận và trình bày sao cho phù hợp.
Lấy các con làm nhân vật trong sách cũng mang tới cho 3 bố con nhiều kỉ niệm thú vị. Chúng thường hỏi tôi: “Bố viết sắp xong chưa? Bao giờ bố viết xong? Bố viết nhanh lên nhé!”. Đó là nguồn động lực quý để tôi hoàn thành bộ sách này.
Tiến sĩ vật lý Giáp Văn Dương. Ảnh: NXB Kim Đồng. |
- Anh có e ngại điều gì khi viết sách khoa học dành cho thiếu nhi không?
- Viết sách về các công trình đạt giải Nobel cho bạn đọc nhỏ tuổi là điều mà trên thế giới ít nhà khoa học dám làm. Trong quá trình biên soạn, viết làm sao để các độc giả nhí cảm thấy dễ hiểu và gần gũi cũng không phải là điều đơn giản. Dẫu khó, chúng ta vẫn phải tìm cách làm thôi.
Ngoài việc phổ biến kiến thức về vật lý và hóa học cho các em, tôi còn muốn các bạn nhỏ hiểu được rằng: giải Nobel không phải là điều gì đó quá cao siêu, hay một điều gì đó xa vời vợi mà chúng ta không thể nắm bắt.
Những nghiên cứu đó có thể có mối quan hệ gần gũi với các kiến thức mà các em học ở trường. Bởi vậy, hãy học tập và đừng bao giờ đặt ra cho mình giới hạn.
- Ngoài việc xây dựng tình yêu với khoa học, qua bộ sách này anh còn muốn gửi tới các độc giả nhí thông điệp nào khác?
Tôi muốn nói với các con rằng: “Hãy học tập với niềm vui khám phá!”. Khi chúng ta học hỏi và cảm thấy vui vì biết thêm được nhiều điều mới, áp lực và sự mệt mỏi sẽ được giảm bớt.
Trí não cũng từ đó mà tái tạo nguồn năng lượng mới một cách nhanh hơn. Đừng học vì điểm số hay các kì thi! Bởi cái đích cuối cùng của học vấn là lĩnh hội tri thức, rèn luyện kỹ năng để trở thành một người có ích cho xã hội.
Người đồng hành của con trên con đường tìm hiểu khoa học
- Lấy bối cảnh gia đình để bắt đầu câu chuyện về khoa học cho con trẻ, anh muốn kéo các bậc phụ huynh tham gia vào việc cùng con tìm hiểu khoa học?
- Đúng vậy! Không phải thầy cô mà cha mẹ mới là người ở bên con nhiều nhất và hiểu các cháu nhất. Hơn nữa, các bạn nhỏ rất thích được tham gia cùng cha mẹ trong các hoạt động nói chung.
Các con không biết sắp tới sẽ làm gì, việc đó thú vị ra sao... nhưng chỉ cần được làm cùng cha mẹ, lập tức lũ nhóc sẽ cảm thấy hào hứng. Hãy biến sự hào hứng này thành nguồn năng lượng tích cực trong con. Đừng đẩy tất cả trách nhiệm trong việc “con học được những gì” cho thầy cô và nhà trường.
Chúng ta có thể chơi thể thao, đánh cờ, hay đọc truyện cùng con, vậy tại sao chúng ta không thể cùng con tìm hiểu khoa học? Các kiến thức khoa học có mặt trong bài vở ở trường, trong cuộc sống hàng ngày và chúng là thứ mà bọn trẻ quan tâm.
Vậy tại sao các bậc cha mẹ không biến chúng thành chủ đề để nói chuyện với con? Tư duy của trẻ nhỏ rất khác với tư duy của chúng ta, đôi khi chúng nghĩ ra nhiều ý tưởng rất buồn cười. Vậy nên, trò chuyện về khoa học với con thú vị hơn các bạn tưởng rất nhiều.
Hai tập đầu trong bộ sách Trò chuyện khoa học 4.0. |
- Nếu cha mẹ không có hiểu biết về khoa học thì làm cách nào để trò chuyện cùng trẻ?
- Nếu không biết, chúng ta có thể học. Làm cha mẹ là quá trình học hỏi không ngừng. Chúng ta không chỉ cần học về những kĩ năng chăm sóc con cái, mà còn phải cập nhật những tri thức đương đại để có thể trò chuyện cùng con.
Trò chuyện và lắng nghe là cách để người với người hiểu nhau hơn và xây dựng sợi dây tình cảm tốt đẹp. Điều này đúng với nhiều người, ở nhiều hoàn cảnh chứ không riêng gì mối quan hệ giữa cha mẹ và con cái.
Hơn nữa, có câu nói rất hay rằng: “Con cái là tấm gương phản chiếu hình ảnh của cha mẹ”. Bởi vậy, cha mẹ cần làm gương cho con. Cha mẹ ham học hỏi và yêu quý tri thức sẽ tạo nên được những đứa trẻ hiếu học, thích tìm tòi.
- Anh có lưu ý nào cho các bậc phụ huynh khi cùng con học tập nói chung và tìm hiểu khoa học nói riêng?
- Sự kiên nhẫn và khả năng lắng nghe là điều mà cha mẹ cần có khi dạy con học cũng như cùng tìm hiểu các vấn đề phức tạp liên quan đến khoa học. Các bạn nên nhớ, chúng ta là con người mà con người thì ai cũng có thể phạm sai lầm. Người lớn cũng vậy, huống chi là bọn trẻ.
Hãy kích thích trí tò mò của con và khích lệ, khen ngợi con khi cần. Điều đó sẽ tạo nên một đứa trẻ tự tin và ham học hỏi. Nếu bé không hiểu và hỏi đi hỏi lại nhiều lần mà cha mẹ đã nổi cáu thì có thể lần sau bé sẽ không hỏi nữa.
Ngược lại, kĩ năng sư phạm của cha mẹ cũng không phải là chuyện ngày một, ngày hai mà có được. Kĩ năng này sẽ được hoàn thiện dần dần trong quá trình đồng hành cùng con.