Việt Nam và Thái Lan có số lần lọt vào bán kết nhiều nhất AFF Cup
Thứ hai, 15/10/2018 12:16 (GMT+7)
12:16 15/10/2018
Trong khi "Voi chiến" từng 5 lần vô địch Đông Nam Á thì Việt Nam mới chỉ có một lần đăng quang năm 2008 và một lần về nhì trước đó tròn 10 năm.
Cầu thủ đầu tiên ghi bàn tại giải đấu: K. Sanbagaraman (Malaysia). AFF Cup, giải bóng đá lớn nhất ở khu vực Đông Nam Á bắt đầu diễn ra từ năm 1996. Sau 75 phút thi đấu, Tiger Cup (tiền thân của AFF Cup) mới có bàn thắng mở màn do pha lập công của Sanbagaraman vào lưới đội chủ nhà Singapore. Thế nhưng gần 44.000 khán giả nhà vẫn được nở nụ cười sau khi Fandi Ahmad có bàn thắng gỡ hòa vào phút cuối cùng của trận đấu. Tuy nhiên, Singapore sau đó vẫn bị loại từ vòng bảng, trong khi Malaysia tiến vào vòng bán kết. Ảnh: AFF Cup.
Giải đấu duy nhất luôn có bàn thắng trong mỗi trận: 1996. Khá bất ngờ khi chính giải đấu đầu tiên tổ chức lại là lần duy nhất mà mọi trận đấu đều có cầu thủ lập công. Trong năm đó, không có trận đấu nào khán giả phải ngồi qua phút 75 để chứng kiến một bàn thắng. Trận hòa không bàn thắng đầu tiên diễn ra vào năm 1998 tại vòng bảng giữa Malaysia và Lào được tổ chức tại Hà Nội, ngay sau đó cũng là trận đấu mà các thủ môn đều giữ sạch lưới giữa Việt Nam và Singapore trên cùng một sân vận động. Năm 2007 thậm chí còn tệ hơn với 4 trận "hạn hán" bàn thắng.
Ảnh: AFF Cup.
Cầu thủ ghi bàn tốt nhất trong một trận đấu: Noh Alam Shah (Singapore). Năm 1997, Shah ghi tên vào sách kỷ lục bằng 7 bàn thắng vào lưới Lào trong một trận đấu và ghi tổng cộng 10 bàn cả giải. Điều thú vị là tại giải đấu này không có đội nào vượt qua được thành tích ghi bàn của cá nhân Shah. Đội về nhì Thái Lan và đội tuyển Việt Nam lọt vào bán kết chỉ ghi được 10 bàn, trong khi Malaysia và Indonesia có được 6 pha lập công. Trong khi đó, Philippines rời giải mà không có nổi bàn thắng nào được ghi.
Ảnh: AFF Cup.
HLV vô địch nhiều nhất: Raddy Avramovic (đội tuyển Singapore). HLV người Serbia đang nắm giữ kỷ lục 3 lần vô địch cùng đảo quốc sư tử vào các năm 2004, 2007 và 2012. Cùng với đó còn có HLV Peter Withe và Kiatisuk Senamuang cùng có cú đúp đăng quang cùng Thái Lan.
HLV châu Phi duy nhất: Hatem Soussi (thứ 2 từ trái sang). Giải bóng đá khu vực Đông Nam Á quy tụ khá nhiều HLV trên toàn thế giới, tuy nhiên mới chỉ có duy nhất một HLV đến từ lục địa đen, đó là ông Soussi người Tunisia. Soussi được giao sứ mệnh đưa Malaysia vô địch trong năm 1998. Tuy nhiên, ông chỉ mang đến thất vọng với thành tích dẫn dắt nghèo nàn: để thua 0-2 trước Singapore, hòa không bàn thắng với Lào và nhận thất bại 0-1 trước Việt Nam. Ảnh: Rizalhashim Blogspot.
HLV dẫn dắt nhiều đội tuyển nhất: David Booth (3 đội). Năm 1996, nhà cầm quân người Anh dẫn dắt Brunei thi đấu đúng một trận tại AFF Cup, sau đó giữ chức vụ HLV trưởng của Myanmar trong chiến dịch năm 2000 và 2002. Booth tiếp tục xuất hiện tại AFF Cup vào năm 2010 trên băng ghế huấn luyện của đội tuyển Lào với trận hòa 2-2 nổi tiếng trước Thái Lan. Ảnh: AFF Cup.
Đội tuyển vô địch nhiều nhất: Thái Lan (5 lần). Trong 11 lần được tổ chức, Thái Lan là đội đăng quang nhiều nhất với 5 lần vô địch vào các năm 1996, 2000, 2002, 2014 và mới đây là 2016. "Voi chiến" cũng là đội có số lần lọt vào chung kết nhiều nhất (8 lần), trong đó có 3 lần về nhì vào năm 2007, 2008 và 2012. Ảnh: AFF Cup.
Đội tuyển lọt vào bán kết nhiều nhất: Thái Lan và Việt Nam (9 lần). Trong khi Thái Lan 8 lần lọt vào chung kết, Việt Nam lại có tới 6 lần thua ở bán kết, là đội bỏ lỡ nhiều nhất cơ hội được vào chơi ở trận đấu cuối cùng. Việt Nam mới chỉ duy nhất một lần vô địch năm 2008, về nhì năm 1998 và 6 lần xếp hạng 3 vào các năm 1996, 2002, 2007, 2010, 2014 và 2016. Ảnh: AFF Cup.
Đội tuyển thua ở chung kết nhiều nhất: Indonesia (5 lần). Xứ sở vạn đảo là đội bóng có tới 5 lần gục ngã trên ngưỡng cửa vinh quang vào các năm 2000, 2002, 2004, 2010 và 2016, trong đó có 3 lần để thua trước người Thái. Dù có 8 lần lọt vào danh sách 4 đội mạnh nhất, Indonesia lại chưa từng một lần vô địch giải đấu. Đó là lý do khiến quốc gia vừa đăng cai tổ chức ASIAD lại hạ quyết tâm rất lớn giành thắng lợi tại AFF Cup năm nay.
Ảnh: AFF Cup.
Đội tuyển có thành tích tốt nhất khi thi đấu trên sân nhà: Thái Lan. "Voi chiến" rất ít khi mắc sai lầm khi nhận được sự ủng hộ của các khán giả quê hương. Sân vận động Rajamangala tại Bangkok là nơi người Thái chơi hầu hết trận đấu trên sân nhà, trong đó có những trận chung kết đưa họ tới ngôi vô địch vào năm 2000, 2014 và 2016. Trong 24 trận đấu trên sân nhà, Thái Lan chỉ mới để thua đúng một trận, đó là tại chung kết lượt đi trước Việt Nam vào năm 2008, khi Lê Công Vinh có bàn thắng quyết định nâng tỷ số lên 2-1 cho đội khách. Tại vòng bảng năm nay, Thái Lan còn nhận được ưu thế chơi 3 trong 4 trận trên sân nhà do sân vận động của Đông Timor không đủ điều kiện tổ chức thi đấu. Ảnh: AFF Cup.
Darren Sidoel, cầu thủ đang khoác áo Reading của giải hạng nhất xứ sở sương mù, mới đây bày tỏ ý định sẵn sàng phục vụ cho đội tuyển Indonesia nếu nhận được lời mời.