Bạn có thể chuyển sang phiên bản mobile rút gọn của Tri thức trực tuyến nếu mạng chậm. Đóng

Việt Nam thu về 2,6 tỷ USD từ IPO năm 2018, cao nhất Đông Nam Á

Năm 2018, thị trường chứng khoán Việt Nam đã huy động được 2,6 tỷ USD từ các thương vụ IPO, vượt Singapore và Thái Lan để dẫn đầu khu vực Đông Nam Á.

Trong bối cảnh số vốn huy động được từ các thương vụ phát hành cổ phiếu lần đầu ra công chúng (IPO) tại Đông Nam Á giảm, thị trường chứng khoán Việt Nam lại nổi lên như một điểm sáng của khu vực.

Theo số liệu của hãng kiểm toán Ernst & Young, tổng số tiền huy động được từ các thương vụ IPO của sàn chứng khoán Việt Nam năm 2018 là 2,6 tỷ USD, cao gấp 3,7 lần so với năm 2017. 2 trong 3 thương vụ IPO có giá trị lớn nhất Đông Nam Á thuộc về Vinhomes với 1,34 tỷ USD và Ngân hàng TMCP Kỹ thương Việt Nam Techcombank với 923 triệu USD.

Chung khoan Viet Nam dung dau nam 2018 anh 1
Nguồn: Ernst & Young

Sự nổi lên của Việt Nam như là một trong những thị trường IPO hấp dẫn nhất khu vực là “kết quả đồng bộ với sự hỗ trợ của chính phủ, cải cách thị trường, dòng tiền của các quỹ đầu tư ngoại và tốc độ tăng trưởng kinh tế cao”, bà Margaret Yang, chuyên gia kinh tế người Singapore nhận định trên tờ Nikkei.

Các chuyên gia quốc tế cũng thể hiện sự lạc quan đối với thị trường Việt Nam trong những năm tới. Theo một báo cáo của Oxford Economics và Baker McKenzie, thị trường Việt Nam sẽ giữ vững ngôi đầu Đông Nam Á về số tiền huy động được từ các thương vụ IPO cho đến năm 2021. 

Chung khoan Viet Nam dung dau nam 2018 anh 2
Nguồn: Oxford Economics và Baker McKenzie.

Ở chiều ngược lại, tổng số tiền thu về từ các thương vụ IPO tại Đông Nam Á trong năm 2018 giảm 34% so với cùng kỳ năm trước, đạt 7,1 tỷ USD. Số lượng thương vụ IPO cũng giảm 7% xuống còn 115. Trong số này, có 56 doanh nghiệp IPO huy động ít hơn 10 triệu USD.

Xếp thứ hai sau Việt Nam là Thái Lan với số tiền thu về từ các thương vụ IPO là 2,5 tỷ USD, giảm 28% so với năm ngoái. Đứng thứ ba là Indonesia với 1,2 tỷ USD, tăng 66%. Trong khi đó, số tiền huy động của sàn chứng khoán Singapore chỉ còn 500 triệu USD, giảm tới 85% so với năm trước.

Theo Max Loh, chuyên gia kinh tế đang làm việc tại Ernst & Young, những nguyên nhân tạo nên một năm im ắng với thị trường IPO của các nước Đông Nam Á bao gồm bất ổn kinh tế, căng thẳng thương mại, những vấn đề tồn tại dai dẳng với các thị trường mới nổi.

Các nước Đông Nam Á đều có quan hệ thương mại chặt chẽ với Trung Quốc. Vì vậy chiến tranh thương mại Mỹ - Trung đã ảnh hưởng đến thị trường vốn của khu vực.

Đà giảm của thị trường Đông Nam Á cũng phản ánh xu thế chung của thị trường toàn cầu. Số lượng thương vụ IPO trên thế giới năm nay giảm 21%  xuống còn 1.359 thương vụ. Tổng số vốn huy động được là 204,8 tỷ USD, tăng 6%. Tuy nhiên, kết quả này lại đến từ các thương vụ IPO "khủng" như của SoftBank Corp hay Tencent Music Entertainment Group. 

Mặc dù có một năm không mấy sôi động, thị trường IPO Đông Nam Á vẫn sẽ được các nhà đầu tư để mắt tới trong năm 2019 với những startup kỳ lân (có giá trị vốn hóa trên 1 tỷ USD) hứa hẹn như Grab hay Go-Jek, theo Nikkei.

Những đại gia 'kiếm đậm, thua sâu' trên thị trường chứng khoán 2018

Từ việc TTCK Việt đạt đỉnh lịch sử rồi lao dốc, cho tới những thương vụ niêm yết tỷ USD... ảnh hưởng tới khối tài sản của các đại gia Việt.




Việt Đức

Bạn có thể quan tâm