Những quán cà phê Wi-Fi ra đời ở Việt Nam hơn 10 năm trước. Từ 2002 đến 2006, cà phê Wi-Fi trở nên thịnh hành. Theo đó, các tiệm đồ ăn, thức uống ở Việt Nam cài đặt các hotspot để khách hàng truy cập. Lâu dần, sóng Wi-Fi miễn phí trở nên phổ biến, người dùng coi đó là thứ bắt buộc phải có ở các đơn vị kinh doanh, thậm chí quán trà đá, trên xe khách cũng có Wi-Fi.
Gần 10 năm trước, các chiến dịch cài đặt Wi-Fi miễn phí của FPT Telecom, Nokia... tại các quán cà phê khiến dịch vụ kết nối này phổ biến hơn. Cùng với quá trình bùng nổ của smartphone, các thiết bị điện tử cá nhân, người dùng ngày càng có nhu cầu truy cập vào các tụ điểm Internet công cộng.
Việt Nam không phải quốc gia có chất lượng Internet cao. Theo báo cáo từ Hiệp hội Viễn thông Quốc tế (ITU), chỉ số chất lượng Internet Việt Nam xếp thứ 102 trên toàn cầu, giảm 8 bậc so với 5 năm trước, đạt điểm 4,28 trên thang điểm 10. Tuy nhiên, đây lại là một trong những nơi người dùng có thể kết nối Internet dễ dàng nhất thế giới. Thậm chí, thời gian gần đây, người dùng smartphone, tablet trong nước còn truyền tay nhau các ứng dụng chia sẻ Wi-Fi chùa, khiến gần như tại bất cứ địa điểm nào, họ cũng có thể truy cập các mạng có mật khẩu.
Ứng dụng này hoạt động theo hình thức người dùng chia sẻ, tức là bất cứ ai biết mật khẩu một mạng Wi-Fi nào đó quanh mình đều có thể chọn chia sẻ cho tất cả những người khác (những người cùng cài ứng dụng). Khi bắt gặp một mạng Wi-Fi nào đó, ứng dụng sẽ cho hiển thị sẵn mật khẩu để người dùng truy cập miễn phí.
Wi-Fi miễn phí khắp mọi nơi là một trong những "đặc sản" tại Việt Nam. Ảnh: Thành Duy. |
Nhiều người dùng trong nước khi đi du lịch nước ngoài, thậm chí là các nước phát triển, tỏ ra ngạc nhiên khi không tìm đâu ra mạng Wi-Fi miễn phí để sử dụng như tại Việt Nam. Trên thực tế, cơ sở hạ tầng Internet tại những nước này rất tốt. Tuy nhiên, người dùng chỉ có thể truy cập Wi-Fi tại một số địa điểm công cộng lớn như nhà ga, sân bay, các địa điểm du lịch nổi tiếng, nhưng bắt buộc phải khai báo thông tin hoặc truy cập theo giờ.
Lấy Nhật Bản làm một ví dụ. Theo Japan Times, sở dĩ những đất nước như Nhật Bản không cung cấp nhiều điểm phát Wi-Fi miễn phí là vì chất lượng mạng 3G hoặc 4G tại đây đủ đáp ứng nhu cầu người dùng.
“Tại một số nước, người dùng mang theo laptop để sử dụng mạng Wi-Fi ở tất cả mọi nơi. Tại Nhật, những người như vậy sẽ mang theo các gói dữ liệu 3G hoặc Wi-Fi Router để kết nối với laptop, smartphone hay tablet. Họ không cần đến Wi-Fi miễn phí nhiều”, trang này cho hay. Khi nhu cầu sử dụng Wi-Fi miễn phí của người dùng không cao, việc thiết lập và cung cấp mạng Wi-Fi miễn phí là một điều lãng phí trong suy nghĩ của họ.
Trên thực tế, ngoài các địa điểm công cộng nổi tiếng cung cấp Wi-Fi miễn phí, các nước như Nhật Bản, Hàn Quốc, Đài Loan hay Trung Quốc cung cấp các gói dịch vụ Wi-Fi có trả tiền. Theo đó, người dùng khi đăng ký các gói Wi-Fi này theo tháng, tuần hoặc dung lượng sẽ nhận được mã đăng nhập tại hầu hết các địa điểm phổ biến do đơn vị cung cấp dịch vụ bố trí sẵn Wi-Fi hotspot. Chẳng hạn, người dùng Nhật phải trả 500 - 800 yen (khoảng 90.000 - 145.000 đồng) cho 24 tiếng truy cập Wi-Fi Internet theo dạng này. Đây là cách đảm bảo người dùng có thể truy cập Internet tại mọi địa điểm nhưng sẽ sử dụng một cách có trách nhiệm nhất.
Theo nhiều chuyên gia, Wi-Fi miễn phí từ lâu phổ biến ở Việt Nam, rất khó để thay đổi mô hình này hoặc bắt người dùng trả tiền. Tại một số trung tâm thương mại, nhà cung cấp Wi-Fi công cộng đang tiến hành thử nghiệm việc cho người dùng miễn phí mạng, nhưng phải đăng ký, hoặc xem quảng cáo. Dù vậy, hình thức này vẫn không được nhiều khách hàng ủng hộ, chưa kể chất lượng kết nối khá phập phù.
Theo khuyến cáo của hãng bảo mật Kaspersky, Wi-Fi công cộng không có mật khẩu, thông tin không được mã hoá nên dễ dàng bị những người có kiến thức về máy tính hoặc hacker nhìn thấy, thu thập và sử dụng cho những mục đích bất chính. Do đó, người dùng khi sử dụng Wi-Fi công cộng không nên đăng nhập vào tài khoản ngân hàng hoặc những dịch vụ cá nhân như email, Facebook, Skype... Tuy nhiên, việc này khá khó ở Việt Nam, bởi người dùng thường không có nhiều kiến thức để bảo vệ chính mình.