Bạn có thể chuyển sang phiên bản mobile rút gọn của Tri thức trực tuyến nếu mạng chậm. Đóng

Không dễ ứng dụng 5G cho doanh nghiệp

Bên cạnh kết quả tích cực ban đầu với người dùng cá nhân, triển khai 5G cho doanh nghiệp vẫn là thách thức lớn với nhà mạng.

Tốc độ 5G của một nhà mạng khi đo trên Speedtest.net. Ảnh: Minh Khôi.

Tọa đàm “Thương mại hóa 5G, ứng dụng vào ngành công nghiệp thông minh” được Câu lạc bộ Nhà báo Công nghệ thông tin Việt Nam (ICT Press Club) tổ chức tại Hà Nội ngày 26/12.

Theo đánh giá, 5G và tự động hóa dựa trên trí tuệ nhân tạo (AI) là những công nghệ đột phá, có tiềm năng lớn trong cách mạng hóa ngành sản xuất. Trong đó, 5G đóng vai trò then chốt nhằm thúc đẩy đổi mới, hiệu quả với các ngành sản xuất, nhà máy thông minh, cảng biển, Internet vạn vật công nghiệp (IIoT).

Việt Nam đang bước vào kỷ nguyên băng thông rộng và IoT khi các nhà mạng triển khai 5G trên toàn quốc. Ứng dụng 5G có thể giúp Việt Nam bắt kịp thế giới trong các lĩnh vực như sản xuất công nghiệp, cảng biển, khai khoáng, giao thông... Tuy nhiên, vẫn còn nhiều thách thức trong việc triển khai công nghệ trên quy mô lớn.

Những con số tích cực

Sau thời gian thử nghiệm, các nhà mạng lớn tại Việt Nam dần triển khai 5G trên toàn quốc, mở đầu là Viettel từ giữa tháng 10. Tiếp theo, VNPT triển khai chính thức 5G từ 20/12.

5G tại Việt Nam ghi nhận nhiều kết quả tích cực với người dùng cá nhân. Ông Lê Bá Tân, Trưởng ban kỹ thuật Tập đoàn Viettel, cho biết có 4 triệu người dùng 5G sau 2 tháng triển khai. Con số này tương đương 70% thiết bị đầu cuối 5G trong vùng phủ của 6.500 trạm phát sóng.

Lưu lượng dữ liệu của 4 triệu thuê bao 5G Viettel đạt khoảng 21 GB/tháng, gấp 1,7 lần so với thời gian đầu.

Với khách hàng doanh nghiệp, Viettel có khoảng 100 doanh nghiệp đang làm việc để thử nghiệm, tìm kiếm giải pháp triển khai phù hợp.

Trong buổi ra mắt 5G ngày 20/12, đại diện VinaPhone cho biết thời gian đầu sẽ tập trung cung cấp dịch vụ tại các trung tâm hành chính, khu công nghiệp, cảng biển, sân bay, trường học, bệnh viện… Nhà mạng dự kiến tiếp tục mở rộng phủ sóng 5G trong năm 2025, đặt mục tiêu sớm phủ 85% dân số.

ICT Press Club,  Viettel trien khai 5G,  VinaPhone trien khai 5G,  phu song 5G anh 1

Ông Nguyễn Tuấn Huy, Trưởng ban Chuyển đổi số Tổng công ty MobiFone. Ảnh: TK.

Ông Nguyễn Tuấn Huy, Trưởng ban Chuyển đổi số Tổng công ty MobiFone, tiết lộ nhà mạng sẽ chính thức triển khai 5G trong những tháng tới.

“MobiFone đã được cấp giấy phép băng tần C3 và nhanh chóng, khẩn trương làm các thủ tục để thương mại hóa 5G”, ông Huy nói thêm.

Tại Việt Nam, chính phủ đã ban hành nhiều quyết định nhằm thúc đẩy phát triển hạ tầng mạng di động 5G, xem đây là nền tảng cốt lõi trong quá trình chuyển đổi số quốc gia.

Bộ Thông tin & Truyền thông (TTTT) đã đưa ra chiến lược hạ tầng số của Việt Nam, đặt mục tiêu đưa đất nước tiến nhanh trong công cuộc chuyển đổi số, tập trung các định hướng quan trọng. Phổ cập cáp quang tốc độ cao và phủ 5G toàn quốc là những ưu tiên hàng đầu.

"Chấp nhận chuyển đổi số là hành trình dài"

Tọa đàm tập trung chủ đề triển khai 5G trong lĩnh vực nhà máy, sản xuất thông minh. Trong thời gian đầu triển khai, các nhà mạng không tránh khỏi khó khăn.

Theo đại diện MobiFone, thách thức đầu tiên đến từ khung pháp lý khi Việt Nam chưa có cơ sở đầy đủ về pháp lý, tiêu chuẩn kỹ thuật… Ngoài ra, cơ sở hạ tầng trong nước cũng chưa theo kịp.

“Drone làm sao triển khai khi dây điện chằng chịt? Đường Hà Nội làm sao đi được xe tự lái khi suốt ngày tắc?”, ông Huy nhấn mạnh.

Bài toán đầu tư cũng là dấu hỏi lớn, khi cần vài trăm nghìn trạm để phủ sóng 5G cả nước. Số tiền đầu tư trạm 5G cũng cao gấp 3-4 lần 4G, trong khi mức độ hiểu biết, chấp nhận 5G tại Việt Nam chưa cao.

Cuối cùng là vấn đề an ninh mạng bởi số lượng thiết bị IoT lớn, khi bị tấn công sẽ gây hậu quả khủng khiếp.

ICT Press Club,  Viettel trien khai 5G,  VinaPhone trien khai 5G,  phu song 5G anh 2

Ông Nguyễn Quốc Khánh, Phó ban Công nghệ Tập đoàn VNPT. Ảnh: TK.

Ông Nguyễn Quốc Khánh, Phó ban Công nghệ Tập đoàn VNPT, nhấn mạnh các giá trị và lợi ích rõ rệt của 5G. Tuy nhiên, việc triển khai 5G thành công hay không còn phụ thuộc nhiều yếu tố.

Chẳng hạn, kinh doanh B2C (doanh nghiệp với người dùng cá nhân) khi áp dụng 5G sẽ nhận thấy chất lượng vượt trội về tốc độ, độ trễ và dung lượng, song khách hàng chưa sẵn sàng chi trả. Trong khi đó, khách hàng B2B (doanh nghiệp với doanh nghiệp) cũng nhận thấy giá trị và lợi ích khi ứng dụng 5G.

“Thách thức lớn nhất là khách hàng tổ chức, doanh nghiệp phải thay đổi toàn bộ phương thức sản xuất kinh doanh, đầu tư nhiều hơn, chấp nhận chuyển đổi số là hành trình dài hơi, nhà mạng phải hiểu biết và đồng hành nhiều hơn.

Những điều này là thách thức rất lớn trong việc quyết định và triển khai công nghệ mới như 5G trong hoạt động chuyển đổi số của từng doanh nghiệp”, ông Khánh cho biết.

Đồng quan điểm, ông Lê Bá Tân từ Viettel cho rằng vẫn cần thời gian để nâng cao nhận thức cho xã hội, các nhà phát triển nhằm đưa ra giải pháp ứng dụng 5G.

“Chúng tôi đang phối hợp các nhà cung cấp để nghiên cứu, phát triển các giải pháp ứng dụng mạng 5G, bao gồm mạng dùng riêng (Private Mobile Network), phục vụ các cụm doanh nghiệp, nhà máy và khu thương mại”, ông Tân cho biết.

Kể cả Private Mobile Network cũng gặp khó khăn khi triển khai. Đầu tiên là chi phí bởi doanh nghiệp cần đầu tư thêm hạ tầng riêng, bên cạnh hạ tầng sử dụng công khai.

Với giải pháp này, nhà mạng cần triển khai các giải pháp vô tuyến, truyền dẫn… Trong khi đó, doanh nghiệp có nhiệm vụ tìm giải pháp ứng dụng phù hợp.

ICT Press Club,  Viettel trien khai 5G,  VinaPhone trien khai 5G,  phu song 5G anh 3

Ông Lê Bá Tân, Trưởng ban kỹ thuật Tập đoàn Viettel. Ảnh: TK.

“Tóm lại, mỗi khách hàng có nhu cầu riêng. Đó là thực tế hiện nay. Tất nhiên, chúng ta phải đi từng bước để có kinh nghiệm, từ đó tiếp tục tìm kiếm những khách hàng mới”, đại diện Viettel nhấn mạnh.

Dưới góc độ triển khai trực tiếp giải pháp trong khu công nghiệp, ông Hồ Anh Thắng, Giám đốc Giải pháp Tự động hóa Công ty cổ phần TNtech, liệt kê một số thách thức và giải pháp đề xuất. Trong đó, chi phí vẫn là vấn đề lớn.

“Một khu công nghiệp của chúng tôi đã cũ và cần cải tạo, nhưng việc đi lại hệ thống cáp quang cho hệ thống camera rất khó, tốn thời gian.

Một số điểm, chúng tôi sử dụng 4G để truyền dữ liệu về trung tâm điều hành, áp dụng AI nhưng phí thuê bao hàng tháng lớn, một năm có thể bằng chi phí đầu tư cáp quang. Tôi cho rằng các nhà mạng cần có chính sách hỗ trợ doanh nghiệp trong giai đoạn đầu”, ông Thắng cho biết.

Giải pháp và cơ hội

Nếu vượt qua những khó khăn đầu tiên, doanh nghiệp có thể hưởng lợi nhờ 5G. Theo khảo sát của VNPT với một nhà máy xe hơi tại Tây Ban Nha, ứng dụng công nghệ mới giúp cải thiện chi phí khoảng 10%, phát hiện sớm lỗi sai hàng tháng khoảng 30%, tiết kiệm 10% vật liệu dư thừa, thời gian đáp ứng dịch vụ khách hàng giảm 50%.

“Đây là cách làm bài bản, có sự tham gia của khoa học, công nghiệp, nhà mạng, không chì thuần túy về kết nối nhanh hơn, độ trễ thấp hơn mà ứng dụng đầy đủ công nghệ như 5G, edge computing, AI…”, ông Nguyễn Quốc Khánh từ VNPT nhấn mạnh.

MobiFone cho rằng dư địa vẫn còn rất nhiều khi khảo sát cho thấy tổng cộng 86% doanh nghiệp tại TP.HCM gần như chưa có hệ thống tự động hóa. Tuy nhiên, nhận thức của các doanh nghiệp về nhà máy thông minh còn rất thấp.

Tại tọa đàm, ông Nguyễn Tuấn Huy đề cập trường hợp áp dụng cảng thông minh (ePort) tại Hải Phòng, nhưng mức độ ứng dụng so với thế giới còn hạn chế. Nếu muốn đầu tư cảng thông minh, phải bỏ toàn bộ hệ thống cũ. Tuy nhiên, bên nào đầu tư vẫn là dấu hỏi lớn.

Đại diện MobiFone cho rằng giống với thế giới, các nhà mạng tại Việt Nam sẽ không tăng giá cước 5G. Tuy nhiên, vấn đề mới lại phát sinh liên quan đến nhân lực.

"Khi chúng tôi làm chuyển đổi số cho ngành dọc, Việt Nam rất thiếu chuyên gia về lĩnh vực này. Ví dụ, 'tìm đỏ mắt' cũng không có ai tự nhận chuyên gia về chuyển đổi số cảng biển, cảng thông minh.

Việt Nam có rất nhiều chuyên gia công nghệ thông tin, nhưng chưa chuyên sâu về nghiệp vụ cảng biển", ông Huy nhấn mạnh.

ICT Press Club,  Viettel trien khai 5G,  VinaPhone trien khai 5G,  phu song 5G anh 4

Ông Hồ Anh Thắng, Giám đốc Giải pháp Tự động hóa Công ty cổ phần TNtech. Ảnh: TK.

Với Viettel, nhà mạng này đã xây dựng 2 lab tại Hà Nội và TP.HCM, tập trung nhà phát triển để thử nghiệm, chẩn đoán nhiều sự cố có thể xảy ra khi triển khai 5G như nhiễu tần số, thiết bị IoT không hoạt động...

"Tất cả công nghệ như Non-SA (không độc lập), SA (độc lập), tần số 2.600 MHz, những máy đo kiểm nhằm đảm bảo công suất không nhiễu đều có mặt tại 2 lab. Đây là môi trường giúp các doanh nghiệp phát triển ứng dụng 5G phù hợp với Việt Nam", ông Tân nói thêm.

Dù còn nhiều thách thức, đại diện Viettel đánh giá các điều kiện triển khai 5G rất thuận lợi, đặc biệt khi Bộ TTTT vừa công bố kế hoạch đấu giá băng tần 700 MHz.

Khi được cấp cho nhà mạng, băng tần 700 MHz sẽ giúp nâng cao vùng phủ sóng, nhất là vùng sâu vùng xa, đồng thời giúp quy hoạch 2 băng tần 900 MHz và 700 MHz.

“Khi kết hợp cả băng tần thấp và băng tần cao sẽ phát huy hiệu quả 5G, tiết kiệm nhiều chi phí. Viettel và VinaPhone cũng đã tìm ra cách để 2 nhà mạng chia sẻ cùng nhau hạ tầng 5G”, ông Tân nhấn mạnh.

Những nhà khoa học tiên phong

"Những nhà khoa học tiên phong" là một cuốn sách thú vị về lịch sử của những phát minh nổi tiếng. Để có được những đóng góp vĩ đại cho nhân loại, các nhà khoa học nổi tiếng đã làm việc với lòng say mê và tinh thần học hỏi không ngừng.

Tắt sóng 2G, Nvidia vào Việt Nam là các sự kiện ICT tiêu biểu năm 2024

Các sự kiện công nghệ tiêu biểu tại Việt Nam trong năm 2024 chủ yếu liên quan lĩnh vực viễn thông, bán dẫn và chuyển đổi số.

Phúc Thịnh

Bạn có thể quan tâm