Đầu tháng 12, Hiệp hội Viễn thông Quốc tế (ITU) đã đưa ra bản báo cáo mang tên "Measuring the Information Society Report 2015". Tài liệu này cung cấp bức tranh toàn cảnh về ngành Công nghệ thông tin và Viễn thông tại nhiều quốc gia, bao gồm cả Việt Nam.
Theo đó, ITU xếp Việt Nam đứng 102 trong bảng xếp hạng chỉ số IDI (ICT Development Index) toàn cầu. So với 2010, Việt Nam rơi 8 bậc, xuống vị trí thứ 17 toàn châu Á.
Trao đổi với Zing.vn, ông Đinh Như Khoa, Giám đốc Trung tâm IDC VNPT Data phía Nam, cho rằng chỉ số trên không hoàn toàn phản ánh tốc độ Internet của Việt Nam, mà có nghĩa rộng hơn.
Cụ thể, theo ông Khoa, chỉ số IDI (ICT Development Index) đánh giá tổng thể CNTT và Viễn thông và có nhiều chỉ tiêu khác nhau, trong đó trọng số hạ tầng Internet là cao nhất. "Thực tế, trong 2 năm qua Việt Nam chậm đầu tư hạ tầng Internet quốc tế và mạng 4G", ông Khoa nhận định.
Trong chú giải riêng của ITU, chỉ số IDI (ICT Development Index) có bốn ý nghĩa gồm: Cấp độ và sự tiến triển qua từng năm của ngành CNTT& Viễn thông; Quá trình phát triển của CNTT& Viễn thông tại các nước phát triển và đang phát triển; Sự phân hoá kỹ thuật số và Tiềm năng phát triển của ngành này.
Các tiêu chí đánh giá chỉ số IDI. |
ITU cũng đưa ra 11 tiêu chí để đánh giá chỉ số này từ kết nối mạng 2G-3G-4G, số hộ gia đình có máy tính/100 dân, thuê bao Internet, trình độ viễn thông...
Từ kết quả trên, các chuyên gia viễn thông trong nước lý giải nguyên nhân khiến Việt Nam bị cho là phát triển chậm hạ tầng Internet nằm ở hai vấn đề. Thứ nhất, chậm đầu tư vào hạ tầng Internet quốc tế, cụ thể là các tuyến cáp quang biển. Thứ hai, là do chậm phát triển mạng 4G LTE.
Theo ông Vũ Hoàng Liên, Chủ tịch Hiệp hội Internet Việt Nam, việc Việt Nam tụt hạng về chỉ số phát triển CNTT & Viễn thông bắt nguồn từ một số nguyên nhân. Trước hết là do mật độ thuê bao thoại cố định giảm nhiều. Ngoài ra, tốc độ tăng trưởng chậm hơn các nước cũng khiến thứ hạng của Việt Nam bị đẩy xuống thấp. Hầu hết các tham số tính IDI của Việt Nam đều tăng, trong đó có những nội dung tăng nhiều như băng thông quốc tế/số người dùng Internet, mật độ thuê bao băng rộng di động, tỷ lệ hộ có máy tính... Tuy nhiên các nước khác tiến bộ hơn chúng ta nhiều vì vậy chúng ta bị tụt hạng.
Riêng về đầu tư vào 4G, một chuyên gia giấu tên trong ngành viễn thông tại Việt Nam cho biết, việc chậm trễ là do vấn đề chi phí. "Dự án lên mạng 4G khởi động lâu rồi, và bị chậm so với dự kiến vì phải thẩm định đánh giá hiệu quả của 4G, sau thất bại 3G". Chuyên gia này tiết lộ, dưới góc độ đầu tư công, dự án 3G đến nay vẫn chưa thể thu hồi vốn đầu tư, nên 4G bị kéo dài. Khác với các nước, Việt Nam không có chính sách tận thu để hoàn vốn nhanh, giá 3G tương đối rẻ nên đến nay vẫn chưa thu hồi được tiền đầu tư ban đầu để đổ tiền vào 4G.
Trong một cuộc phỏng vấn với báo chí hồi đầu tháng 11, Tiến sĩ Mai Liêm Trực, nguyên Tổng cục trưởng Tổng cục Bưu điện cho rằng, điều kiện hiện nay của Việt Nam đã chín muồi để đưa chuẩn công nghệ 4G LTE vào thực tế. "Về cơ bản, những cơ sở hạ tầng triển khai 3G đều có thể tiếp tục sử dụng cho 4G như nhà trạm, nguồn điện, cột ăng ten, máy đo và một số thiết bị khác. Nên việc triển khai 4G ở Việt Nam lúc này là thuận lợi", ông nói.
Theo ông Thiều Phương Nam, Giám đốc Qualcomm Đông Dương, một trong những công ty tham gia thúc đẩy sự phát triển mạng 4G LTE tại Việt Nam, Bộ Thông tin và Truyền thông đã chuẩn bị băng tần số cần thiết để cung cấp cho nhà mạng nhằm triển khai 4G. Ông dự đoán từ giữa đến cuối năm sau, Việt Nam có thể triển khai công nghệ này.
Việt Nam đứng ở đâu trên bản đồ Internet thế giới?
Theo số liệu từ ITU, tốc độ Internet trung bình tại Việt Nam dao động trong khoảng 1-5 Mbit/s, cao hơn một số nước trong khu vực như Malaysia, Indonesia, Nepal, Lào.
Theo số liệu từ Akamai State, tính đến 2014, tốc độ Việt Nam đứng thứ 51 trên toàn cầu, xếp trên Ấn Độ, Venezuela.
Đến quý II/2015, Việt Nam có tốc độ Internet trung bình là 3,3 Mbit/s, đứng thứ 12 châu Á - Thái Bình Dương, xếp trên Phillippines, Indonesia, Ấn Độ. So với mặt bằng chung toàn cầu, Việt Nam ở nhóm trung bình thấp, có tốc độ Internet ngang với Trung Quốc, Nam Phi, Panama, Brazil, Costa Rica.