Trả lời câu hỏi của Zing về thông tin một nhóm tàu Trung Quốc đi vào vùng đặc quyền kinh tế của Việt Nam, người phát ngôn Bộ Ngoại giao Lê Thị Thu Hằng sáng 15/4 cho biết "các cơ quan chức năng của Việt Nam đang theo dõi sát các diễn biến ở Biển Đông".
"Việt Nam đề nghị các nước tuân thủ các quy định liên quan của Công ước Liên Hợp Quốc về Luật Biển (UNCLOS) 1982, luật pháp quốc tế trong các hoạt động của mình và đóng góp vào hoà bình, ổn định, hợp tác ở Biển Đông", bà Hằng nói.
Tàu khảo sát Hải Dương Địa Chất 8 (HD8) của Trung Quốc. Ảnh: Cục Khảo sát Địa chất Trung Quốc. |
Nửa cuối năm 2019, tàu HD8 đã ngang nhiên xâm phạm Vùng Đặc quyền Kinh tế (EEZ) và thềm lục địa Việt Nam ở Biển Đông, gây ra cuộc đối đầu căng thẳng trong nhiều tháng và dẫn đến sự phản đối gay gắt từ cộng đồng quốc tế.
Ngày 14/4, tàu này xuất hiện trở lại ở vị trí cách bờ biển Việt Nam khoảng 158 km, nằm trong EEZ của Việt Nam, với ít nhất một tàu hải cảnh của Trung Quốc đi cùng, theo dữ liệu từ trang theo dõi hàng hải Marine Traffic được Reuters dẫn lại.
Trước đó, hồi đầu tháng 4, tàu hải cảnh Trung Quốc đâm chìm một tàu cá của Việt Nam tại khu vực quần đảo Hoàng Sa, khiến 8 ngư dân gặp nạn.
Bộ Ngoại giao Việt Nam đã trao công hàm phản đối, yêu cầu phía Trung Quốc điều tra làm rõ, xử lý nghiêm đối với nhân viên công vụ và tàu hải cảnh Trung Quốc nêu trên, không để tái diễn những hành động tương tự, đồng thời bồi thường thoả đáng cho ngư dân Việt Nam.
Bộ Ngoại giao Mỹ, Bộ Quốc phòng Mỹ và Ủy ban Đối ngoại Thượng viện Mỹ đều mạnh mẽ lên án hành động này.
"Đây là sự việc mới nhất trong chuỗi các hành động của Trung Quốc nhằm thúc đẩy các tuyên bố hàng hải phi pháp và gây bất lợi cho các nước láng giềng Đông Nam Á trên Biển Đông", phát ngôn viên Bộ Ngoại giao Mỹ Morgan Ortagus nói trong thông cáo ngày 6/4.
Trước đó, Trung Quốc đã ngang nhiên khánh thành 2 "trạm nghiên cứu" trên đá Subi và đá Chữ Thập thuộc quần đảo Trường Sa của Việt Nam. Hành động của Trung Quốc đã bị chỉ trích là "đục nước béo cò" giữa lúc thế giới đang ưu tiên cho nỗ lực chống dịch.