Nhận định trên được đưa ra tại Hội thảo “Thị trường Chứng khoán cuối năm 2015 và cơ hội đầu tư cổ phiếu ngành Dệt may” do Sở Giao dịch Chứng khoán Hà Nội phối hợp với Công ty Chứng khoán Công thương tổ chức chiều 30/10.
Hiện tại, Việt Nam xếp thứ 6 trong 153 nước xuất khẩu may thế giới, sau Trung Quốc, EU, Thổ Nhĩ Kỳ, Bangladesh và Ấn Độ. Xuất khẩu dệt may ước đạt 20 tỷ USD sau 9 tháng đầu năm 2015, tăng 10% so với cùng kỳ năm 2014.
Theo Hiệp hội Dệt may, năm 2015 kim ngạch xuất nhập khẩu ngành dệt may đạt 27-28 tỷ USD, đứng thứ 2 và đóng góp 16% tổng kim ngạch xuất nhập khẩu cả nước. Tính đến tháng 10/2015, hầu hết các doanh nghiệp dệt may đều kín đơn hàng đến hết năm, doanh thu và lợi nhuận dự kiến đều hoàn thành hoặc vượt kế hoạch đề ra.
Chia sẻ về cơ hội phát triển ngành dệt may trước các hiệp định thương mại tự do FTA, đặc biệt là Hiệp định Đối tác Xuyên Thái Bình Dương (TPP), ông Giang cho biết có nhiều đánh giá ngành dệt may được hưởng lợi nhất từ việc Việt Nam gia nhập TPP nhưng cơ hội và thách thức là đan xen nhau.
Bên cạnh những thuận lợi là chi phí lao động thấp, có sự dịch chuyển sản xuất dệt may từ Trung Quốc sang thì Dệt may Việt Nam hiện còn nhiều điểm yếu như quá phụ thuộc vào nguyên liệu, máy móc thiết bị nhập khẩu, thiếu sự kết nối trực tiếp với thị trường, năng suất lao động thấp, chi phí vốn quá cao.
Chủ tịch Hiệp hội Dệt may cũng cho biết, với mong muốn Việt Nam trở thành chuỗi cung ứng dệt may toàn cầu, các doanh nghiệp dệt may cần khai thác tối đa lợi thế từ TPP và các hiệp định FTA, lấy giá trị gia tăng làm mục tiêu, tăng cường phát triển công nghiệp phụ trợ, đáp ứng cho may xuất khẩu.
Tỷ lệ nội địa hóa ngành dệt may mới chỉ dừng ở mức 50%, định hướng của Hiệp hội đến năm 2017-2018 nâng lên 70%, giảm lệ thuộc nguồn nguyên liệu từ Trung Quốc.