Các cuộc họp đã cơ bản hoàn tất việc chuẩn bị về nội dung, tổ chức, chương trình nghị sự cho Hội nghị Bộ trưởng Ngoại giao ASEAN và giữa ASEAN với các nước đối tác vào đầu tháng 8.
Các trưởng đoàn dự Đối thoại ASEAN-Mỹ lần thứ 27 chụp ảnh chung. Ảnh: TTXVN |
Trong ngày 10/6, cuộc họp Đối thoại ASEAN-Mỹ lần thứ 27 đã diễn ra để các bên trao đổi về các vấn đề khu vực, kiểm điểm quan hệ và hợp tác ASEAN-Mỹ, và chuẩn bị cho Hội nghị Bộ trưởng ASEAN-Mỹ vào tháng Tám tới và Cấp cao ASEAN-Mỹ lần thứ hai vào cuối năm nay.
Đoàn Việt Nam tham dự cuộc họp trên do Thứ trưởng Ngoại giao, Trưởng SOM ASEAN-Việt Nam Phạm Quang Vinh dẫn đầu.
Về tình hình khu vực và quốc tế, cuộc họp đã tập trung chia sẻ ý kiến về các diễn biến phức tạp diễn ra tại Biển Đông.
Phía Mỹ khẳng định ủng hộ các quan điểm của ASEAN như được thể hiện trong Tuyên bố của các Bộ trưởng Ngoại giao ASEAN ngày 10/5 vừa qua, bày tỏ quan ngại sâu sắc về tình hình căng thẳng gia tăng, đã ảnh hưởng trực tiếp tới hoà bình, ổn định, và an ninh, an toàn hàng hải của khu vực.
Mỹ phản đối các hành động đơn phương, sử dụng sức mạnh để thay đổi nguyên trạng, áp đặt yêu sách chủ quyền lãnh thổ; theo đó, ủng hộ mạnh mẽ các nguyên tắc về việc giải quyết các tranh chấp bằng các biện pháp hoà bình, kiềm chế, không đe dọa hoặc sử dụng vũ lực, tuân thủ luật pháp quốc tế, Công ước Liên hợp quốc về Luật Biển (UNCLOS) 1982, Tuyên bố về cách ứng xử của các bên ở Biển Đông (DOC); ASEAN và Trung Quốc cần phải đàm phán thực chất để đạt được Bộ quy tắc ứng xử ở Biển Đông (COC) mang tính rằng buộc.
Phát biểu tại hội nghị, Thứ trưởng Phạm Quang Vinh đánh giá cao các kết quả đạt được trong quan hệ đối tác ASEAN-Mỹ, việc Mỹ ủng hộ ASEAN xây dựng cộng đồng, tăng cường liên kết và phát huy vai trò trung tâm ở khu vực, cùng phấn đầu vì hòa bình, an ninh và hợp tác phát triển.
Về vấn đề Biển Đông, Thứ trưởng Phạm Quang Vinh nêu rõ việc Trung Quốc trái phép hạ đặt giàn khoan Hải Dương-981 (Haiyang Shiyou-981) và đưa nhiều tầu hộ tống bảo vệ xâm phạm sâu trong vùng thềm lục địa và đặc quyền kinh tế của Việt Nam, liên tục có các hành động gây hấn, cố tình đâm húc, gây hư hại các tàu kiểm ngư, các tầu cảnh sát biển, các tầu cá của ngư dân Việt Nam, vi phạm nghiêm trọng luật pháp quốc tế, UNCLOS 1982, DOC; Việt Nam cực lực phản đối các hành động xâm phạm nêu trên, yêu cầu Trung Quốc rút ngay giàn khoan và các tàu bảo vệ ra khỏi vùng biển của Việt Nam. Việt Nam kiên quyết bảo vệ chủ quyền và vùng biển của mình, song kiên trì đối thoại và sử dụng các biện pháp hòa bình, phù hợp với luật pháp quốc tế.
Về hợp tác ASEAN-Mỹ, hai bên đánh giá cao quan hệ đối tác tiếp tục phát triển trên nhiều lĩnh vực chính trị, an ninh, kinh tế và văn hóa xã hội; Mỹ cam kết tiếp tục thúc đẩy quan hệ và hợp tác với ASEAN, coi đây là ưu tiên chính sách của Mỹ ở khu vực, ủng hộ vai trò trung tâm của ASEAN trong cấu trúc khu vực đang định hình và trong các cơ chế do ASEAN khởi xướng.
ASEAN khuyến khích Mỹ tăng cường hỗ trợ ASEAN xây dựng cộng đồng, đẩy mạnh quan hệ kinh tế, hợp tác về khoa học công nghệ, giáo dục và cấp học bổng cho các sinh viên ASEAN; thúc đẩy hợp tác đối phó dịch bệnh, hợp tác khu vực Mekong, an ninh năng lượng, quản lý thiên tai, và biến đổi khí hậu.
Hai bên đánh giá cao các kết quả hợp tác tích cực trong việc thực hiện Kế hoạch Hành động ASEAN-Mỹ giai đoạn 2011-2015; triển khai Sáng kiến Gắn kết kinh tế mở rộng (E3); đẩy mạnh hợp tác kết nối với ASEAN thông qua Sáng kiến Kết nối ASEAN-Mỹ, giao lưu nhân dân và đẩy mạnh hợp tác đa dạng sinh học. Năm 2013, tổng thương mại giữa ASEAN và Mỹ đạt hơn 200 tỷ USD.
Mỹ là đối tác thương mại lớn thứ tư của ASEAN. Vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI) của Mỹ vào ASEAN đạt 6,9 tỷ USD. Mỹ cũng là nước có FDI lớn thứ 3 tại ASEAN, chiếm 6% tổng vốn đầu tư vào khu vực.
ASEAN và Mỹ nhấn mạnh tầm quan trọng chiến lược của quan hệ đối tác trong việc đóng góp cho hòa bình, ổn định, an ninh và thịnh vượng ở khu vực. Trên cơ sở kết quả đạt được, ASEAN và Mỹ sẽ tiếp tục mở rộng và tăng cường hiệu quả hợp tác nhằm đưa quan hệ đối tác hai bên lên tầm cao mới, cùng với việc triển khai hiệu quả các dự án ưu tiên và huy động nguồn lực hỗ trợ ASEAN xây dựng thành công cộng đồng, gia tăng kết nối, phát triển nguồn nhân lực, giáo dục, giao lưu nhân dân và giải quyết các thách thức chung như an ninh năng lượng, quản lý nguồn nước bền vững, đa dạng sinh học, biến đổi khí hậu, quản lý thiên tai, bệnh dịch, chống tội phạm xuyên quốc gia (buôn người, tội phạm mạng, chống cướp biển).
Hai bên cũng sẽ tiếp tục đẩy mạnh hợp tác trong khuôn khổ Sáng kiến hợp tác giữa Mỹ và các nước Hạ nguồn Mekong (LMI).