Bạn có thể chuyển sang phiên bản mobile rút gọn của Tri thức trực tuyến nếu mạng chậm. Đóng

Việt Nam tăng nhập khẩu điện từ Lào và Trung Quốc

Trong bối cảnh Việt Nam phải nhập khẩu nguồn điện từ Lào, Trung Quốc vì thiếu điện thì trong nước, việc đàm phán mua điện gió, điện mặt trời vẫn gặp nhiều "bế tắc".

Từ 0h ngày hôm nay (24/5), phía Thâm Câu (Trung Quốc) chính thức đóng điện xuất khẩu sang Việt Nam qua đường dây 110kV Thâm Câu - Móng Cái với tổng công suất tối đa 70 MW và 30 triệu kWh/tháng. Trước mắt trong các tháng 5,6,7.

Theo đó, sau khi thực hiện ký kết hợp đồng, toàn bộ TP Móng Cái và huyện Hải Hà thuộc tỉnh Quảng Ninh sẽ sử dụng điện từ phía Trung Quốc cấp. Đây được xem biện pháp cấp bách nhằm giảm tải khó khăn về nguồn của hệ thống điện phía Bắc trong bối cảnh hiện nay.

Tương tự, Tập đoàn Điện lực Việt Nam (EVN) cũng đang đẩy mạnh nhập khẩu điện từ Lào qua cụm nhà máy thủy điện Nậm Kông và nhà máy thủy điện Nậm San.

Trong bối cảnh Việt Nam tăng cường huy động nguồn điện từ Lào, Trung Quốc thì trong nước, 34 dự án (gồm 28 dự án điện gió và 6 dự án điện mặt trời) tổng công suất phát điện 2.090,97 MW đủ điều kiện phát điện lên lưới vẫn gặp "bế tắc" trong việc đàm phán và chờ hướng dẫn gần 3 tháng qua.

Không còn điện dự phòng

Tổng giám đốc EVN Trần Đình Nhân cho biết hiện nay, các nhà máy thuỷ điện tiếp tục bị suy giảm công suất do mực nước thấp cùng với một số nguồn nhiệt điện cũng bị giảm công suất do nắng nóng.

"Do đó, khả dụng nguồn của hệ thống điện quốc gia/miền Bắc luôn không còn dự phòng. Để đảm bảo cung ứng điện, EVN đã phải huy động các nguồn nhiệt điện chạy dầu", ông nói trong hội nghị phát động tiết kiệm điện toàn quốc năm 2023 mới đây.

Bên cạnh đó, một trong những giải pháp ứng phó mà EVN đưa ra là tăng cường nhập khẩu điện từ Trung Quốc và Lào.

Thực tế từ năm 2016, Chính phủ Việt Nam và Chính phủ Lào đã ký biên bản ghi nhớ về hợp tác phát triển các dự án thủy điện, đấu nối hệ thống điện và mua bán điện từ Lào. Theo đó, tổng công suất nguồn điện từ Lào bán về Việt Nam giai đoạn 2020-2025 tối thiểu là 3.000 MW và giai đoạn 2025-2030 tối thiểu là 5.000 MW.

mua dien trung quoc anh 1

Dự án đường dây 220 kV Nậm Mô – Tương Dương là công trình truyền tải điện thứ 2 phục vụ nhập khẩu điện từ Lào (sau đường dây 220 kV Xekaman 1 - Pleiku 2). Ảnh: EVN.

Với Trung Quốc, từ năm 2004, EVN đã nhập khẩu điện ở cấp điện áp 110 kV và năm 2006 nhập khẩu ở cấp điện áp 220 kV để cung cấp điện cho 13 tỉnh phía Bắc trong bối cảnh thiếu điện trầm trọng ở giai đoạn 2004-2008.

Năm 2020, trong một báo cáo của Ủy ban Kinh tế, Việt Nam nhập khẩu điện từ Lào với tổng công suất khoảng 572 MW, từ Trung Quốc với công suất trên 450 MW. Tổng công suất nhập khẩu chiếm gần 2% tổng công suất của toàn hệ thống điện.

Sản lượng điện nhập từ Trung Quốc liên tục tăng và đạt đỉnh 5,6 tỷ kWh năm 2010 (chiếm 5,6% điện sản xuất toàn hệ thống), bù đắp đáng kể cho lượng điện thiếu hụt trong nước. Kể từ khi thủy điện Sơn La đi vào vận hành (2010-2011), Việt Nam mới cơ bản có đủ nguồn điện, sản lượng điện nhập khẩu ngày càng giảm.

Theo Ủy ban Kinh tế, thời điểm 2020, giá mua điện bình quân từ Trung Quốc là 1.281 đồng/kWh, Lào là 1.368 đồng/kWh, đều rẻ hơn giá mua điện bình quân trong nước (1.486 đồng/kWh).

Trong nước, Bộ Công Thương chưa chỉ đạo EVN về mức giá mua điện gió, điện mặt trời tạm thời và cho phát điện lên lưới theo chỉ đạo của Chính phủ, nên quá trình đàm phán, sửa đổi, bổ sung hợp đồng mua bán điện đối với 23 dự án điện chuyển tiếp vẫn gặp nhiều vướng mắc.

Mặc dù đến nay đã hoàn thiện 19 hợp đồng mua bán điện của các dự án điện chuyển tiếp với mức giá tạm bằng 50% khung giá nhưng việc huy động điện lên lưới vẫn phải chờ nhiều thủ tục.

Tiết kiệm điện là giải pháp bền vững

Trong bối cảnh cung ứng điện căng thẳng, theo ông Trịnh Quốc Vũ, Phó vụ trưởng Vụ Tiết kiệm năng lượng và Phát triển bền vững (Bộ Công Thương), giải pháp bền vững hơn cả là sử dụng năng lượng tiết kiệm và hiệu quả.

Trong dự thảo chỉ thị về việc tăng cường tiết kiệm điện giai đoạn 2023-2025 và các năm tiếp theo mới đây, Bộ Công Thương cũng đánh giá việc đảm bảo cung cấp điện trong giai đoạn 2020-2025 sẽ gặp nhiều khó khăn, thách thức, nhất là trong trường hợp xảy ra các hiện tượng thời tiết cực đoan.

Cơ quan này dẫn báo cáo của EVN cho biết việc cung ứng điện mùa khô năm 2023 sẽ những khó khăn lớn trong thời gian tới. "Sẽ có rất nhiều hồ chứa thủy điện về mực nước chết, khi đó chỉ có thể vận hành cầm chừng trong thời gian rất ngắn theo lưu lượng nước về", Bộ cho biết.

Theo Bộ Công Thương, nếu nhiên liệu cho các nhà máy nhiệt điện không đủ cho vận hành thì hệ thống có thể xảy ra tình trạng thiếu điện nghiêm trọng.

mua dien trung quoc anh 2

34 dự án với tổng công suất phát điện 2.090,97 MW đủ điều kiện phát điện lên lưới vẫn gặp "bế tắc" trong việc đàm phán. Ảnh: Quỳnh Danh.

Theo đó, Bộ Công Thương đưa ra mục tiêu chung hàng năm tiết kiệm tối thiểu 2% tổng điện năng tiêu thụ toàn quốc. Đưa ra các mục tiêu cụ thể và các giải pháp thực hiện tiết kiệm điện tại các cơ quan bộ, ban ngành.

Tại các hộ gia đình, cơ quan này đề xuất sử dụng các thiết bị điện được dán nhãn năng lượng. Thường xuyên thực hành hành vi sử dụng điện tiết kiệm và hiệu quả tại gia đình như: Tắt các thiết bị điện khi ra khỏi phòng, cắt hẳn nguồn điện nếu không sử dụng các thiết bị điện, chỉ sử dụng điều hòa nhiệt độ khi thật cần thiết...

"Lắp đặt và sử dụng hệ thống điện mặt trời trên mái nhà tự dùng cho nhu cầu sử dụng tại chỗ, hệ thống đun nước nóng từ năng lượng mặt trời", Bộ đề xuất.

Độc giả Zing có thể tìm đọc thêm các cuốn sách hay về kinh tế tại Tủ sách kiến thức kinh tế. Các cuốn sách cung cấp cho độc giả nhiều kiến thức về kinh tế vĩ mô, chứng khoán, bất động sản, lạm phát, các cuộc suy thoái từng xảy ra, kinh nghiệm quản lý chi tiêu...

PVN nói về đề xuất dừng 2 nhà máy đạm để nhường khí phát điện

PVN cho rằng việc dừng hoặc giảm khí thiên nhiên của các nhà máy đạm không giúp nhiều (gần 1%) cho việc đảm bảo vận hành hệ thống điện quốc gia.

Người Việt tiêu thụ hơn 2 triệu máy điều hòa mỗi năm

Phó vụ trưởng Vụ Tiết kiệm năng lượng và Phát triển bền vững cho biết lượng điện sử dụng của riêng thiết bị điều hòa không khí chiếm rất lớn trong tổng tiêu thụ điện quốc gia.

Lo thiếu than, TKV đề nghị EVN huy động thêm điện gió, điện mặt trời

TKV cho biết đang gặp một số khó khăn là nhu cầu của các nhà máy nhiệt điện tăng cao trong khi khả năng sản xuất gặp khó do chưa được phép khai thác vượt dưới 15%.

Thanh Thương

Bạn có thể quan tâm