TKV cho biết đã triển khai cấp bổ sung 300.000 tấn cho các nhà máy nhiệt điện của EVN trong nửa cuối tháng 5. Ảnh: TKV. |
Tập đoàn công nghiệp Than - Khoáng sản Việt Nam (TKV) cho biết trong 4 tháng đầu năm, khối lượng than TKV cấp cho các nhà máy nhiệt điện đạt 13,527 triệu tấn, tương đương 35% so với khối lượng hợp đồng.
"Trong bối cảnh nguy cơ thiếu điện đã hiện hữu, sau cuộc họp với Bộ Công Thương và Tập đoàn Điện lực Việt Nam (EVN), tập đoàn đã triển khai cấp bổ sung 300.000 tấn cho các nhà máy nhiệt điện của EVN trong nửa cuối tháng 5", TKV thông tin.
Các tháng 6-7, TKV cho biết sẽ tăng khối lượng cấp cho các nhà máy nhiệt điện khoảng 180.000 tấn/tháng, trong đó các nhà máy của EVN khoảng 80.000 tấn/tháng, tăng 6% so với tiến độ cam kết trong hợp đồng.
Riêng các nhà máy nhiệt điện BOT với tiến độ huy động của EVN, khả năng TKV phải cấp tăng khoảng 2 triệu tấn. "TKV sẽ cung cấp đủ than vận hành trong mùa khô cho các nhà máy nhiệt điện có hợp đồng", đại diện đơn vị này khẳng định.
Tuy nhiên, TKV cho biết đang có một khó khăn là nhu cầu của các nhà máy nhiệt điện tăng cao trong khi khả năng sản xuất của TKV chưa tăng được do chưa được phép khai thác vượt dưới 15% và giấy phép khai thác cho một số dự án chưa được cấp mới.
"Nếu không được giải quyết kịp thời thì năm 2023 than nguyên khai khai thác sẽ giảm khoảng 3 triệu tấn so với kế hoạch đầu năm, tương ứng giảm khoảng 2-3 triệu tấn than pha trộn nhập khẩu cấp cho sản xuất điện", đại diện TKV nói.
Tập đoàn cũng đề nghị Bộ Công Thương chỉ đạo EVN đưa ra giải pháp phù hợp trong điều độ hệ thống điện quốc gia, điều tiết hợp lý việc huy động sản lượng điện từ các nhà máy nhiệt điện BOT để giảm áp lực cho TKV có than trong nước để pha trộn với than nhập khẩu.
"TKV đề nghị Bộ Công Thương ủng hộ chủ trương và báo cáo Chính phủ để các nhà máy BOT sử dụng than pha trộn nhập khẩu giảm áp lực cho sản xuất than trong nước", tập đoàn đề nghị.
Cuối cùng, trong giai đoạn khó khăn về huy động nguồn điện, TKV đề nghị Bộ Công Thương chỉ đạo EVN huy động tất cả nguồn điện (năng lượng tái tạo, các nhà máy nhiệt điện dùng than nhập khẩu...) để không dồn áp lực cho một nhà cung cấp than là TKV.
Năm 2023, kinh tế thế giới được dự báo còn nhiều biến động và chưa thể phục hồi nhanh. Nhiều nền kinh tế lớn vẫn phải đối mặt với các rủi ro như GDP tăng trưởng chậm, lạm phát, thất nghiệp, nợ xấu... Mời độc giả của Zing đón đọc Tủ sách kinh tế 2023 để nắm bắt những kiến thức, thông tin kinh tế mới trong năm 2023