Bộ Công thương đã chỉ đạo Tập đoàn Dầu khí Việt Nam (PVN) có ý kiến chính thức gửi Công ty Dầu khí hải dương (Trung Quốc), yêu cầu đưa giàn khoan ra khỏi lãnh thổ Việt Nam. Phía Bộ Ngoại giao cũng có ý kiến chính thức phản đối Trung Quốc đưa giàn khoan bất hợp pháp vào vùng lãnh thổ, tài phán của Việt Nam.
"Sự kiện này không chỉ mới xảy ra ngày hôm nay, mà sau này rất có thể còn tiếp diễn. Đây là việc liên quan đến rất nhiều bộ ngành chứ không chỉ riêng Bộ Công thương hay Tập đoàn Dầu khí. Những lãnh đạo cao nhất của Đảng và Nhà nước Việt Nam chắc chắc sẽ có những biện pháp để đảm bảo quyền lãnh thổ, quyền tài phán của Việt Nam, cũng như quyền kinh doanh hợp pháp của các doanh nghiệp Việt trên lãnh thổ quốc gia", Thứ trưởng Bộ Công thương - Đỗ Thắng Hải cho biết trong buổi họp báo thường kỳ chiều nay.
Trước đó, ngày 3/5, trên trang web của Cục Hải sự Trung Quốc đã đưa cảnh báo hàng hải số 14033 về việc giàn khoan hải dương 981 (HD 981) “tác nghiệp tại Nam Hải”. Cảnh báo này cho biết từ ngày 2/5 đến 15/8, giàn khoan HD 981 sẽ hoạt động tại tọa độ 15029’N/1110 12’E và cấm tất cả các loại phương tiện không được xâm nhập vào khu vực HD 981 hoạt động trong phạm vi bán kính 1 hải lý.
Đối chiếu theo tọa độ trên thì giàn khoan HD 981 xâm phạm vào lô 143 trên vùng đặc quyền kinh tế và thềm lục địa của Việt Nam, cách đảo Lý Sơn 119 hải lý (221km) và cách phía nam đảo Tri Tôn thuộc quần đảo Hoàng Sa của Việt Nam khoảng 18 hải lý. Đây là khu vực hoàn toàn nằm trong vùng đặc quyền kinh tế và thềm lục địa Việt Nam.
Ngày 4/5, Tập đoàn Dầu khí Việt Nam có thư gửi chủ tịch và tổng giám đốc của Tổng công ty Dầu khí hải dương Trung Quốc phản đối hành động này và kiên quyết yêu cầu dừng ngay lập tức các hoạt động bất hợp pháp và rút giàn khoan HD 981 ra khỏi vùng biển của Việt Nam.