Trong sự kiện chiều 27/4, Đại diện Chương trình Phát triển Liên Hợp Quốc tại Việt Nam (UNDP) đã công bố kết quả nghiên cứu về sự thay đổi nhân khẩu học ở khu vực châu Á - Thái Bình Dương, trong đó có Việt Nam. Theo đó, quá trình này đang diễn ra với tốc độ nhanh chưa từng thấy trong lịch sử loài người.
Các chuyên gia Liên Hợp Quốc trong
Lễ công bố Báo cáo Phát triển con người khu vực châu Á – Thái Bình Dương chiều 27/4. Ảnh: Hồng Duy |
Thay đổi mạnh mẽ ở châu Á - Thái Bình Dương
Nhân khẩu học ở châu Á - Thái Bình Dương chỉ mất 20 năm để chuyển đổi trong khi các khu vực khác cần 60 tới 100 năm. Nếu như châu Âu phải mất hàng thế kỷ để có sự bùng nổ dân số trong độ tuổi lao động và giảm tỷ lệ sinh thì châu Á – Thái Bình Dương chỉ cần 30 năm để đạt được điều này.
Trước tốc độ thay đổi nhân chủng học diễn biến quá nhanh, UNDP khuyến nghị: “Nếu các nước trong khu vực không bắt đầu lên kế hoạch để sẵn sàng tận dụng sự thay đổi nhân khẩu học này, họ sẽ bỏ lỡ cơ hội duy nhất để thúc đẩy tăng trưởng trong khu vực và đầu tư cho tương lai”.
Theo báo cáo của UNDP, châu Á – Thái Bình Dương đang có số người trong độ tuổi lao động lớn và số người phụ thuộc ít. Cụ thể, số người đang trong độ tuổi lao động chiếm 68% trong khi số người phụ thuộc chiến 32%. Đây được coi là giai đoạn dân số vàng mà mỗi quốc gia chỉ có cơ hội trải qua duy nhất một lần, bao gồm cả Việt Nam.
Tuy nhiên, nhiều nước ở châu Á – Thái Bình Dương đang bước vào gia đoạn quá độ tiền già hóa dân số. Báo cáo kêu gọi các quốc gia khẩn trương xây dựng kế hoạch đối phó và khuyến nghị những động thái nhằm đạt được sự phát triển bền vững. Chúng phù hợp cho từng quốc gia riêng biệt nằm trong 3 nhóm gồm khởi đầu, giai đoạn giữa và gia đoạn tiên tiến. Việt Nam đang ở cuối giai đoạn giữa.
VN cần chuẩn bị trước khi qua thời kỳ dân số vàng
Richard Marshall, cố vấn chính sách về an sinh xã hội của UNDP, cho biết Việt Nam đang chuẩn bị bước vào thời kỳ già hóa dân số nhưng vẫn đang trong giai đoạn được gọi là dân số vàng, với số người trong độ tuổi lao động lớn hơn người phụ thuộc.
Trong giai đoạn này, các nước như Việt Nam cần có những bước đi quyết định nhằm tối đa hóa lợi tức dân số, thúc đẩy định hướng việc làm và tạo ra những công việc chất lượng và năng suất cao hơn. Bên cạnh đó, cần giải quyết vấn đề mất cân đối về giới, huy động các nguồn tiết kiệm và chuyển hướng hoạt động sản xuất cho phù hợp.
Việt Nam cần cải cách nhiều trước khi bước vào giai đoạn già hóa dân số, bao gồm tăng lương hưu và phúc lợi xã hội. Ảnh minh họa: Tuổi trẻ |
Các chuyên gia cho rằng, quá trình chuyển đổi từ dân số vàng sang già hóa dân số ở Việt Nam sẽ diễn ra rất nhanh. Trong khi đó, thu nhập bình quân trên đầu người tại Việt Nam cũng rất thấp. Nó đặt ra hàng loạt thách chức trước khi bước vào gia đoạn mới.
Ông Lê Bạch Dương, Trưởng phòng Dân số và Phát triển (UNFPA), cho biết, Việt Nam bắt đầu bước vào giai đoạn dân số vàng từ năm 2007 với tỷ lệ người trong độ tuổi lao động cao gấp đôi so với người phụ thuộc. Tuy nhiên, dấu hiệu già hóa dân số xuất hiện ở Việt Nam năm 2011. Theo dự báo của Ngân hàng Thế giới (WB), trong 18 tới 20 năm nữa, Việt Nam sẽ già hóa dân số.
Ở thời điểm hiện tại, thách thức với Việt Nam là tận dụng hiệu quả dân số vàng nhằm nâng cao năng suất lao động, tạo đủ công ăn việc làm phổ thông và tiến tới những công việc tạo ra năng suất cao hơn, ứng dụng khoa học kỹ thuật nhằm làm tăng năng suất lao động. Già hóa chắc chắn sẽ tạo gánh nặng lên ngân sách nên Việt Nam cần có những giải pháp đối phó phù hợp.
UNDP cũng đưa ra các gợi ý cho sự thay đổi chính sách ở Việt Nam bao gồm tập trung vào năng suất và việc làm bền vững; áp dụng khoa học kỹ thuật đồng thời cải cách rộng rãi hệ thống y tế, giáo dục; huy động tiết kiệm và đầu tư vào các ngành sản xuất; đảm bảo công bằng giới trên thị trường lao động và thúc đẩy cải cách an sinh xã hội, đặc biệt là lương hưu.
Các quan chức và chuyên gia chia sẻ, Việt Nam có thể học hỏi mô hình chuyển đổi ở Singapore hoặc Bắc Âu nhằm ứng phó với già hóa dân số. Bên cạnh đó, già hóa không hoàn toàn mang ý nghĩa tiêu cực. Việt Nam có thể tận dụng trí tuệ, kinh nghiệm của người cao tuổi trong mọi mặt của đời sống, cả kinh tế cũng như văn hóa.