Theo New York Times, đây là sự sụt giảm chưa từng có tại một đất nước không phải chịu ảnh hưởng bởi hậu quả chiến tranh hay khủng hoảng chết chóc. Điều này giải thích một phần những khó khăn kinh tế của Nhật Bản trong nhiều năm qua.
Đây là lần đầu tiên có những báo hiệu về dân số giảm kể từ khi Nhật Bản bắt đầu thu thập dữ liệu điều tra dân số từ năm 1920, mặc dù các cuộc điều tra ở quy mô nhỏ hơn đã cho thấy xu hướng giảm này trong nhiều năm.
Theo Bộ Nội vụ và Truyền thông, dân số nước Nhật năm 2015 là 127,1 triệu người, giảm 947.000 người, tương đương với 0,7%, so với kết quả điều tra dân số gần nhất vào năm 2010.
Tình trạng sụt giảm này tạo ra nhiều ảnh hưởng từ kinh tế cho tới chính trị. Với tỷ lệ sinh thấp nhất thế giới và ít người nhập cư, nước Nhật sẽ phải trải qua tình trạng này trong nhiều năm hoặc nhiều thập kỷ nữa.
Trong khi đó, nỗ lực của chính phủ trong việc khuyến khích phụ nữ sinh thêm con dường như ít phát huy tác dụng và rất ít người dân Nhật Bản ủng hộ chính sách mở cửa đón người nhập cư.
Tỷ lệ sinh thấp và ít người nhập cư khiến Nhật đối mặt với vấn đề già hóa dân số và số dân sụt giảm nhanh. Ảnh: Getty |
"Các số liệu này cho thấy số dân giảm tương đương với việc Nhật Bản mất đi toàn bộ dân của một tỉnh rộng lớn", Shigeru Ishiba, Bộ trưởng phụ trách tái thiết khu vực, đặc biệt là vấn đề dân số giảm, phát biểu tại một cuộc họp báo.
Thủ tướng Shinzo Abe cho biết, mục tiêu dài hạn là giữ cho dân số không giảm xuống dưới 100 triệu người. Tuy nhiên, Liên Hợp Quốc và chính phủ Nhật Bản cho rằng, chỉ tiêu này sẽ rất khó đạt được. Theo ABC News, Liên Hợp Quốc ước tính, dân số của Nhật có khả năng co lại còn 83 triệu người vào năm 2100, 35% trong số đó trên 65 tuổi.
Mục tiêu của ông Abe phụ thuộc vào việc nâng cao tỷ suất sinh lên mức 1,8 con/bà mẹ so với tỷ lệ hiện nay là 1,4. Thực tế, tỷ suất sinh đã tăng nhẹ so với một thập kỷ trước. Tuy nhiên, theo các nhà nhân khẩu học, phụ nữ thường kết hôn muộn để tránh áp lực phải từ bỏ công việc khiến sự thay đổi về dân số trở nên xa xôi hơn.
Kết quả điều tra cho thấy, 25% dân số của Nhật hiện nay ở độ tuổi trên 65 và tỷ lệ này được dự kiến sẽ tăng lên 40% vào năm 2060. Lương hưu, trợ cấp và chi phí chăm sóc sức khỏe tăng lên. Thậm chí, người lao động cũng trở nên khan hiếm.
Dân số ở một số khu vực giảm nhiều hơn các nơi khác. Tại các thành phố lớn như Tokyo, số dân vẫn tăng trong khi tại các vùng nông thôn, nhiều căn nhà bị bỏ hoang, cửa hàng đóng cửa. Chính sự mất cân bằng này đã tạo ra những căng thẳng về chính trị. Các khu vực có số dân giảm mạnh nhất có số lượng đại biểu quốc hội nhiều gấp 3 lần so với khu vực thành phố.
Tòa án Tối cao tuyên bố, tình trạng này trái với hiến pháp. Tuy nhiên, đảng cầm quyền của thủ tướng Abe, đảng có sự ủng hộ mạnh mẽ của những người thuộc khu vực nông thôn, đã trì hoãn việc thiết lập lại khu vực bầu cử.
Chính phủ đã thực hiện một số điều chỉnh nhỏ trong năm qua. Phát biểu trước quốc hội vào ngày 26/2, ông Abe cho biết sẽ thực hiện những thay đổi tham vọng hơn sau khi có kết quả điều tra dân số tiếp theo vào năm 2020.