Tại buổi họp báo thường kỳ của Bộ Ngoại giao ngày 29/4, Zing đặt câu hỏi về báo cáo điều tra đăng tải hôm 13/4 cho thấy từ năm 2014, Trung Quốc đã đăng ký nhãn hiệu cho hàng trăm thực thể nằm rải rác trên toàn bộ Biển Đông.
Phó phát ngôn Bộ Ngoại giao Đoàn Khắc Việt cho biết lập trường của Việt Nam về vấn đề Biển Đông đã được nêu rõ nhiều lần, và nhất quán về các vấn đề chủ quyền, quyền chủ quyền và các lợi ích hợp pháp khác của Việt Nam.
Một lần nữa, Việt Nam khẳng định có đầy đủ bằng chứng lịch sử và cơ sở pháp lý để khẳng định chủ quyền đối với hai quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa phù hợp luật pháp quốc tế cũng như chủ quyền, quyền chủ quyền, quyền tài phán đối với các vùng biển liên quan ở Biển Đông được xác lập phù hợp với Công ước Liên Hợp Quốc về Luật Biển 1982 (UNCLOS).
"Mọi hành vi xâm phạm đến chủ quyền của Việt Nam đối với hai quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa, vi phạm chủ quyền, quyền chủ quyền và quyền tài phán của Việt Nam đối với vùng biển của mình đều vô giá trị, không được công nhận, và Việt Nam kiên quyết phản đối", phó phát ngôn Đoàn Khắc Việt nhấn mạnh.
Mảnh đất Trung Quốc bồi đắp phi pháp ở đá Subi thuộc quần đảo Trường Sa, Việt Nam. Ảnh: Maxar. |
Theo bài báo hôm 13/4, chính quyền cái gọi là "thành phố Tam Sa", Trung Quốc, từ năm 2014 đã gửi hồ sơ cho chính phủ phê duyệt đăng ký hàng nghìn nhãn hiệu trong nước, bao gồm 218 bãi đá, rạn san hô, bãi cạn và các thực thể khác trên toàn khu vực Biển Đông.
Mỗi nhãn hiệu này bao gồm tên của đối tượng địa lý, được thể hiện bằng thư pháp cách điệu. Các nhãn hiệu được phân loại thành 45 hạng mục, được sử dụng cho nhiều đối tượng từ nhạc cụ cho tới dịch vụ pháp lý.
Theo Benar News, việc minh họa các thực thể nói trên có thể đã được triển khai từ trước năm 2014.
Lập trường nhất quán của Việt Nam là phản đối mạnh mẽ việc thành lập cái gọi là "thành phố Tam Sa" và các hành vi có liên quan vì đã vi phạm nghiêm trọng chủ quyền của Việt Nam.