Phát biểu tại diễn đàn, Bộ trưởng Thông tin và truyền thông (TT&TT) Nguyễn Mạnh Hùng khẳng định chuyển đổi số là một cuộc cách mạng vĩ đại của loài người và là xu thế kinh tế, xã hội tất yếu.
"Đây là lần đầu tiên loài người bước vào thế giới ảo. Không chỉ một phần, mà toàn bộ hoạt động kinh tế và xã hội sẽ được chuyển vào thế giới ảo. Sẽ xuất hiện kinh tế số và xã hội số bên cạnh kinh tế thực và xã hội thực. Chỉ lúc này thì công nghệ số mới phát huy hết sức mạnh của nó; cả sức mạnh xây dựng và sức mạnh huỷ diệt", Bộ trưởng Hùng phát biểu.
Bộ trưởng TT&TT Nguyễn Mạnh Hùng nhận định chuyển đổi số sẽ là cơ hội để Việt Nam vươn lên nhóm nước phát triển. Ảnh: Xuân Tiến. |
Bộ trưởng cũng cho rằng những quốc gia đi sau như Việt Nam đang có lợi thế trong cuộc đua chuyển đổi số vì ít rào cản từ quá khứ.
"Các nước đi sau thì ít gánh nặng của quá khứ, cả về hạ tầng vật chất và thể chế, cả về năng lực cạnh tranh của thời 2.0, 3.0. Những gánh nặng quá khứ này có thể lại là cản trở cho 4.0, vì 4.0 cần năng lực cạnh tranh mới, hạ tầng mới, thể chế mới", ông nói.
Bộ trưởng nhấn mạnh nếu có chính sách phù hợp thì Việt Nam sẽ tận dụng được cơ hội này để vượt lên, thành nước phát triển nhờ chuyển đổi số.
Nếu có chính sách phù hợp thì Việt Nam sẽ tận dụng được cơ hội này để vượt lên, thành nước phát triển nhờ chuyển đổi số.
Bộ trưởng Nguyễn Mạnh Hùng
Ông cho rằng đây rõ ràng là lợi thế của Việt Nam khi có ổn định chính trị, có thể đưa ra những quyết sách lớn một cách nhanh và tập trung, tạo ra sự thống nhất trong toàn xã hội.
Bộ trưởng Nguyễn Mạnh Hùng cũng cho rằng 50.000 doanh nghiệp công nghệ thông tin - truyền thông (ICT) chính là hạt nhân của quá trình chuyển đổi này.
Vì thế, theo ông Hùng, cần tập trung vào 4 nhóm doanh nghiệp chính, thứ nhất là doanh nghiệp công nghệ lớn, làm chủ nghiên cứu phát triển các công nghệ cốt lõi và đầu tư hạ tầng ICT, số này dự kiến khoảng 10-20 doanh nghiệp.
Tiếp đến là các doanh nghiệp 10-20 năm kinh nghiệm, sẽ chuyển sang làm sản phẩm, tập trung làm các nền tảng chuyển đổi số. Ba là nhóm doanh nghiệp công nghệ mới khởi nghiệp, mang chuyển đổi số áp dụng vào mọi mặt cuộc sống. Bộ trưởng ước tính Việt Nam cần hàng chục nghìn, hàng trăm nghìn doanh nghiệp loại này.
Các yếu tố nền tảng sẽ được nhấn mạnh, được đầu tư, sẽ đi trước, có thứ hạng cao trên thế giới, lọt top 50 vào năm 2025, top 30 vào năm 2030.
Bộ trưởng Nguyễn Mạnh Hùng
Cuối cùng là nhóm doanh nghiệp khởi nghiệp đổi mới sáng tạo, phát triển các công nghệ mới, mô hình kinh doanh mới đột phá. "Việt Nam có được hàng trăm doanh nghiệp loại này đã là rất thành công", Bộ trưởng chia sẻ.
Bộ trưởng Hùng cũng "bày mưu" để ngành ICT Việt Nam tăng tốc chuyển đổi số thông qua các nền tảng số để từ đó tạo tính lan tỏa.
"Năm nay, Việt Nam sẽ tuyên bố chiến lược về chuyển đổi số quốc gia, để tiến tới một nền kinh tế số, xã hội số. Các yếu tố nền tảng sẽ được nhấn mạnh, được đầu tư, sẽ đi trước và phải có thứ hạng cao trên thế giới, nằm trong top 50 vào năm 2025 và top 30 vào năm 2030", tư lệnh ngành TT&TT khẳng định.
Vietnam ICT Summit 2019 là diễn đàn về công nghệ thông tin - truyền thông diễn ra ngày 8/8 tại Hà Nội với chủ đề “Chuyển đổi số vì một Việt Nam hùng cường”. Sự kiện có sự góp mặt của Phó thủ tướng Vũ Đức Đam, Bộ Trưởng Bộ TT&TT Nguyễn Mạnh Hùng, cùng 800 đại biểu lãnh đạo cấp cao từ các bộ, ban, ngành trung ương và địa phương, các doanh nghiệp, tổ chức trong nước và quốc tế.
Trong khuôn khổ Diễn đàn, Liên minh Chuyển đổi số đã chính thức ra mắt với thành viên là một số Tập đoàn công nghệ và kinh tế hàng đầu tại Việt Nam như: Viettel, FPT, VNPT, CMC, MISA, VNG, MobiFone, LienVietPost Bank, HiPT... Đây được xem là tổ chức nhằm chung tay hợp tác, đồng hành cùng Chính phủ, các Bộ, ngành, tổ chức và doanh nghiệp tham gia vào triển khai và thúc đẩy nhanh quá trình chuyển đổi số tại Việt Nam.