Trong kết luận của mình tại hội nghị sơ kết công tác 6 tháng đầu năm và phương hướng nhiệm vụ 6 tháng cuối năm 2019, Bộ trưởng Thông tin và Truyền thông (TT&TT) Nguyễn Mạnh Hùng đã đưa ra một số định hướng của ngành viễn thông Việt Nam trong nửa cuối 2019.
Theo Bộ trưởng, việc chuyển dịch hạ tầng viễn thông thành hạ tầng ICT sẽ giúp thúc đẩy chuyển đổi số. Cơ quan này cũng chú trọng chuyển dịch ngành viễn thông từ thoại sang data, thông qua việc giảm cước kết nối thoại, phổ cập điện thoại thông minh (smartphone).
Mobile money đã được triển khai thành công tại nhiều quốc gia châu Phi, giúp người thu nhập thấp và người không có smartphone có thể tiếp cận các dịch vụ tài chính, thanh toán thông minh. Ảnh: MIT. |
Bộ trưởng Hùng nhấn mạnh cần đẩy nhanh việc đấu thầu băng tần 2600 Mhz và 700 Mhz để cởi trói tốc độ 4G Việt Nam. Theo các nhà mạng, nhu cầu về băng tần của các doanh nghiệp viễn thông đang rất bức thiết, trong khi băng tần 2.6 GHz vẫn đang bỏ không sẽ gây lãng phí.
Bên cạnh đó, ngành viễn thông cũng cần đưa ra quy hoạch tần số 5G, tuyên bố lộ trình cắt sóng 2G, 3G để dành tài nguyên phát triển mạng mới.
Ông cũng cho biết ngành cũng cần thử nghiệm mobile money vào nửa cuối năm nay. Trong đó, dịch vụ tiền điện tử trên thuê bao di động đang được Bộ TT&TT và Ngân hàng Nhà nước xúc tiến nhằm triển khai rộng khắp tại thị trường Việt Nam, cho phép người dùng sử dụng tài khoản viễn thông để thanh toán.
Bộ trưởng cũng yêu cầu ngành viễn thông xử lý các vấn nạn về rác viễn thông như SIM rác, tin nhắn rác, cuộc gọi rác, thư rác. Theo cơ quan chức năng, có 1.855.849 thuê bao di động trả trước kích hoạt sẵn, hay còn gọi là SIM rác, đã bị xử lý trong 6 tháng đầu năm.
Bộ trưởng TT&TT Nguyễn Mạnh Hùng. Ảnh: Hoàng Hà. |
Bốn doanh nghiệp là Viettel, VNPT VinaPhone, MobiFone và Vietnamobile đã bị cơ quan quản lý xử phạt về hành vi vi phạm trong công tác quản lý thông tin thuê bao.
Về tình hình tin nhắn rác, trong 6 tháng đầu năm 2019, Bộ TT&TT đã ghi nhận 21.888 lượt phản ánh tin nhắn rác, giảm 48,7% so với cùng kỳ năm trước. Trong đó, lượng phản ánh với Vinaphone là 5.055 lượt (chiếm 23,1%), MobiFone là 2.921 lượt (chiếm 13,3%), Viettel là 2.819 lượt (chiếm 12,9%) và Vietnamobile là 935 lượt (chiếm 4,3%).
Ngoài ra, người đứng đầu ngành TT&TT cũng nhận định các doanh nghiệp viễn thông cần nâng cao tỷ lệ chuyển mạng thành công, đạt ít nhất 90% vào cuối năm. Sáu tháng đầu năm có tới trên 4.000 khiếu nại tới Bộ TT&TT về chuyển mạng giữ số, các doanh nghiệp viễn thông đã làm ảnh hưởng đến hình ảnh của ngành, nhất là Vietnamobile.
Hiện tỷ lệ chuyển mạng thành công của các nhà mạng đạt trên mức 70%. Trong 6 tháng đầu năm, đã có trên 550.000 thuê bao yêu cầu chuyển mạng trong tổng số 4 nhà mạng tham gia cung cấp dịch vụ này.